Giờ Trái đất là sáng kiến của Quỹ Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu và tiết kiệm năng lượng trên thế giới. Ở thời điểm bắt đầu kết nối cùng chiến dịch Giờ Trái đất toàn cầu vào năm 2009, nước ta chỉ có 6 tỉnh, thành phố trên cả nước tham gia. Nhưng đến nay, sự kiện này đã nhận được sự tham gia của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước với sự hưởng ứng sâu rộng của các tổ chức, doanh nghiệp, tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ đối với mọi tầng lớp nhân dân.
Được khởi xướng từ năm 2007 tại Sydney (Australia), đến nay, Giờ Trái đất là sự kiện có quy mô lớn nhất và có nhiều người tham gia nhất trên Trái đất. Hàng năm, trung bình đã có hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng chung tay hưởng ứng Chiến dịch này. Khắp mọi nơi, từ những thắng cảnh và kỳ quan nổi tiếng đều đồng loạt tắt đèn nhằm tiết kiệm năng lượng, đồng thời nâng cao nhận thức của con người về những tác động nguy hại của biến đổi khí hậu. Chỉ có thể trong Giờ Trái đất, bạn mới được chứng kiến những thắng cảnh trên khắp thế giới “bỗng dưng tối sầm”.
Sự kiện Giờ Trái đất 2019 sẽ chính thức diễn ra từ 20 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 phút thứ Bảy, ngày 30-3. Hưởng ứng Giờ Trái đất năm nay, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đã và đang tích cực tổ chức các hoạt động như: Tuyên truyền, vận động các tổ chức cơ quan, đơn vị, người dân tích cực tham gia các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch với việc tắt đèn và thiết bị điện không cần thiết vào thời gian diễn ra sự kiện; tắt đèn đường, đèn trang trí, đèn quảng cáo tại các điểm công cộng trong 1 tiếng đồng hồ thời điểm nêu trên; cam kết sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả tại các doanh nghiệp, các gia đình; kết nối với các nhà máy thực hiện sáng kiến tiết kiệm điện trong sản xuất; tọa đàm với chủ đề về tiết kiệm năng lượng; hoạt động văn hóa nghệ thuật, căng treo pa nô áp phích ngoài trời tại cộng đồng dân cư; sử dụng sức mạnh truyền thông của mạng xã hội... để cùng lan tỏa ý nghĩa nhân văn của Chiến dịch.
Chỉ bằng hành động nhỏ là tắt các thiết bị điện khi không sử dụng sẽ mang đến ý nghĩa lớn cho cộng đồng, tạo thành thói quen tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường trong suốt cả năm. Chỉ với 60 phút ngắn ngủi cùng chung tay tắt đèn, thế giới đã có thể tiết kiệm được một lượng điện khổng lồ. Ở nước ta, hưởng ứng Chiến dịch, sau 1 giờ kêu gọi hưởng ứng tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết, hệ thống điện Quốc gia năm 2017 đã tiết kiệm được 471.000 KWh, tương đương khoảng 764 triệu đồng; năm 2018 tiết kiệm được 485.000 kWh, tương đương với giá trị khoảng 834 triệu đồng...
Chiến dịch dù đem lại kết quả ấn tượng nhưng cũng chỉ như “muối bỏ biển”, nếu như chúng ta chỉ hưởng ứng theo phong trào, chỉ có ý thức tiết kiệm điệm vào đúng Giờ Trái đất. Thực tế, có những cá nhân chỉ hô hào, hưởng ứng theo số đông, sau đó vẫn sử dụng điện phung phí làm mất đi giá trị thiết thực mà Chiến dịch đem lại.
Giờ Trái đất không chỉ giúp chúng ta tiết kiệm được một phần sản lượng tiêu thụ điện, quan trọng hơn là giúp nâng cao ý thức sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả của người dân, qua đó bảo vệ môi trường, đẩy lùi hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu. Chính vì vậy, mỗi cá nhân nên chủ động ý thức tiết kiệm và có trách nhiệm với môi trường mình đang sống. Chỉ cần mỗi người tự giác tiết kiệm điện khi không cần thiết thì có lẽ ngày nào cũng sẽ có Giờ Trái đất và chúng ta có thể tiết kiệm được nhiều hơn, “sống xanh hơn” với môi trường và góp phần lan tỏa cách sống lành mạnh, bền vững trong xã hội.
Giờ Trái đất 2019 sẽ cùng các đại sứ truyền tải thông điệp sâu sắc hơn, từ đó lan tỏa mạnh mẽ ý nghĩa của chương trình, kêu gọi cộng đồng cùng tích cực hưởng ứng để hành động bảo vệ “mái nhà chung” là hành tinh sống của chúng ta. Giờ Trái đất không chỉ là tiết kiệm năng lượng, mà còn hướng tới thay đổi hành vi, bắt đầu cho lối sống xanh, vì một thế giới tươi đẹp hơn cho bản thân mỗi người và cho thế hệ tương lai. Với ý nghĩa đó, Giờ Trái đất là thời gian biểu tượng cho sự kết nối - đồng lòng - cùng hành động của cả cộng đồng, doanh nghiệp và toàn xã hội thực hiện các hoạt động về tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu. |