“Đồng bào có oan ức mới khiếu nại hoặc vì chưa hiểu rõ chính sách của Đảng và Chính phủ mà khiếu nại. Ta phải giải quyết nhanh, tốt thì đồng bào mới thấy rõ Đảng, Chính phủ quan tâm, lo lắng đến quyền lợi của họ. Do đó mối quan hệ giữa Nhân dân với Đảng và Chính phủ càng được củng cố tốt hơn.” CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 11-QÐ/TW về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân (Quy định số 11-QÐ/TW). Theo Quy định, người đứng đầu cấp ủy phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp dân, xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân; thực hiện nghiêm việc tiếp dân, đối thoại và xử lý, giải quyết những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân.
Tiếp công dân là một biện pháp quan trọng và thiết thực để củng cố mối quan hệ giữa công dân với Đảng và Nhà nước. Thông qua công tác tiếp công dân, tạo điều kiện cho công dân thực hiện quyền tự do, dân chủ, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, giảm bức xúc, xung đột trong xã hội.
Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể trong tỉnh, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức đã nhận thức đầy đủ hơn về trách nhiệm tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng; quan tâm, lãnh đạo chỉ đạo thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nhiều đồng chí lãnh đạo đã trực tiếp tiếp công dân theo quy định, từng bước khắc phục tình trạng khoán trắng cho một số cơ quan chuyên môn; tổ chức đối thoại, chỉ đạo giải quyết các vụ việc phức tạp ngay từ nơi phát sinh; chấn chỉnh những việc làm sai trái của cán bộ, cơ quan cấp dưới; hướng dẫn công dân thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Một số địa phương đã chủ động tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ tiếp công dân, xử lý đơn thư cho đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ tiếp công dân ở các cấp, các ngành.
Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương, đơn vị chưa làm tốt công tác tiếp công dân; có những vụ việc giải quyết còn thiếu khách quan. Vẫn còn tình trạng người đứng đầu cơ quan, đơn vị chưa trực tiếp tiếp công dân mà ủy quyền cho cấp phó thực hiện. Chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực và trách nhiệm phục vụ người dân của những người được giao nhiệm vụ tiếp công dân còn hạn chế dẫn đến chất lượng hiệu quả tiếp công dân chưa cao. Tình hình khiếu nại của công dân trên địa bàn tỉnh vẫn còn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp.
Quy định số 11-QÐ/TW lần này nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân: Trực tiếp thực hiện việc tiếp dân, kịp thời đối thoại khi cần thiết và xử lý, giải quyết các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân theo thẩm quyền; kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tiếp dân và xử lý, giải quyết phản ánh của dân; ban hành và tổ chức thực hiện nội quy, quy chế tiếp dân; phối hợp với các cơ quan, tổ chức bảo đảm trật tự, an toàn cho việc tiếp dân. Ðịnh kỳ hằng quý, sáu tháng, chín tháng, một năm hoặc đột xuất trực tiếp làm việc với bí thư cấp ủy cấp dưới trực tiếp và thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị cùng cấp có liên quan về tình hình công tác tiếp dân; đồng thời báo cáo kết quả tiếp dân và xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của dân lên cấp ủy và các cơ quan cấp trên.
Về thời gian tiếp dân, mỗi tháng người đứng đầu cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện tiếp dân ít nhất một ngày; người đứng đầu cấp xã tiếp dân ít nhất hai ngày và tiếp đột xuất trong các trường hợp vụ việc phức tạp, nổi cộm, kéo dài hoặc có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Quy định cũng nêu rõ trình tự tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người đứng đầu cấp ủy; thời hạn xử lý, giải quyết cũng như xử lý trách nhiệm người đứng đầu trong những trường hợp thiếu trách nhiệm, vi phạm quy định của Ðảng, Nhà nước về việc tiếp dân.
Theo quy định của pháp luật, thẩm quyền giải quyết khiếu nại và tố cáo là của người đứng đầu; cán bộ, công chức, bộ phận chuyên trách tiếp công dân chỉ có trách nhiệm tham mưu. Bởi vậy, khi được người đứng đầu thực hiện trách nhiệm tiếp công dân, người dân sẽ có tâm lý rất tốt; họ cho rằng thủ trưởng cơ quan Nhà nước sẽ là người có thẩm quyền quyết định, họ sẽ có thái độ hợp tác tích cực. Việc ủy quyền cho cấp phó thực hiện việc tiếp công dân sẽ tạo tâm lý không tích cực hợp tác của người dân đối với người có thẩm quyền, gây khó khăn cho quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Nếu chúng ta làm tốt công tác tiếp công dân sẽ góp phần huy động sự tham gia rộng rãi của công dân vào hoạt động quản lý của nhà nước, quản lý xã hội, tạo động lực thúc đẩy hoàn thiện công tác quản lý nhà nước nói chung và hoạt động quản lý hành chính nói riêng. Ngoài ra, còn giúp các cơ quan, đơn vị có điều kiện kiểm tra, đánh giá lại cơ chế chính sách, công tác chỉ đạo điều hành, từ đó có biện pháp chấn chỉnh, có những quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân hơn.