Phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), trước hết là phát triển du lịch nông nghiệp - loại hình du lịch dựa chủ yếu trên nền tảng của hoạt động, không gian sản xuất nông nghiệp với quan điểm phát triển bền vững về môi trường sinh thái và văn hóa.
Đó là một loại hình du lịch được xuất hiện những năm gần đây, song song với việc xây dựng NTM. Bản chất loại hình du lịch này là thu hút du khách đến với các khu vực sản xuất nông nghiệp; thông qua hoạt động nông nghiệp, khách du lịch có cơ hội trải nghiệm, giải trí, rèn luyện thể lực và tinh thần, gần gũi với thiên nhiên.
Thời gian qua, hoạt động du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn đã được đầu tư khai thác tại nhiều địa phương, hình thành hệ thống sản phẩm du lịch phong phú, đặc thù trải dài từ Bắc tới Nam. Nhiều sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa sinh thái nông nghiệp vùng, miền độc đáo được khai thác một cách bài bản, có định hướng, đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm của du khách theo các nhóm mục tiêu khác nhau. Các loại hình du lịch, như trang trại đồng quê, miệt vườn, trải nghiệm làm nông dân, sinh thái… đã phát triển, chiếm tỷ lệ ngày càng cao bên cạnh các loại hình du lịch truyền thống.
Một số tour du lịch đã trở thành thương hiệu để thu hút du khách trong và ngoài nước như: Tour một ngày làm nông dân cho du khách nước ngoài ở làng rau Trà Quế, Hội An (Quảng Nam); tour du lịch miệt vườn sông nước Cửu Long; tour thưởng ngoạn phong cảnh ruộng bậc thang mùa lúa chín ở vùng cao tại Mù Cang Chải (Yên Bái), Sa Pa (Lào Cai), Mai Châu (Hòa Bình); tour du lịch nông nghiệp công nghệ cao ở Đà Lạt... Nhiều buổi tọa đàm, hội thảo về phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM từ Trung ương đến cấp tỉnh và cơ sở được tổ chức. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành và đơn vị cung ứng sản phẩm du lịch nông nghiệp cũng ngày càng phát triển, tạo ra nhiều tour du lịch hấp dẫn du khách; đồng thời cũng mang lại thu nhập, tạo việc làm, thúc đẩy lan tỏa phát triển các ngành, lĩnh vực liên quan, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống của người dân.
Trên địa bàn tỉnh, hoạt động du lịch, trải nghiệm gắn với sản xuất nông nghiệp, nông thôn, làng nghề truyền thống cũng đã xuất hiện tại nhiều địa phương, bước đầu được du khách, người dân đón nhận. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn vẫn còn manh mún, chưa có chiều sâu, thiếu bền vững, thiếu cách làm bài bản để níu chân du khách. Nhiều hoạt động du lịch nông thôn còn mang tính tự phát, thiếu quy hoạch kết nối. Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến, quảng bá cho loại hình du lịch mới này chưa được chú trọng, thiếu sự phối hợp giữa các ngành; phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn chưa được quan tâm đúng mức, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương.
Để có giải pháp và cách làm phù hợp, hiệu quả phát triển du lịch nông thôn cũng như trải nghiệm thực tế gắn với giáo dục trong các nhà trường, trước hết mỗi chúng ta cần có nhận thức đúng về du lịch nông thôn gắn với hoạt động trải nghiệm và phát huy các giá trị cảnh quan, văn hoá của vùng nông thôn cho hoạt động du lịch. Trong bối cảnh diện tích đất nông nghiệp ngày càng có xu hướng thu hẹp, sản xuất nông nghiệp phải cơ cấu lại, du lịch nông thôn cần phải được xem là một giải pháp gắn liền với xây dựng NTM. Có lẽ không chỉ thêm một hoạt động góp phần xoá đói giảm nghèo, đa dạng hoá thu nhập cho người dân nông thôn mà còn góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống cũng như cảnh quan môi trường sinh thái.
Phát triển du lịch nông thôn chính là đa dạng hóa sinh kế cho người dân vùng nông thôn. Trong giai đoạn hiện nay, phát triển du lịch nông thôn cần hài hòa với xây dựng NTM; coi trọng lợi ích của người dân, của cộng đồng. Khi phát triển du lịch nông thôn, hãy quan tâm xem xét đến các yếu tố cốt lõi như yếu tố cộng đồng, bản sắc văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc, từng địa phương; quan tâm đến hiệu quả kinh tế, tuân thủ các quy luật của thị trường với tư cách là một ngành kinh tế gắn với các lợi ích về xã hội và môi trường.
Đồng thời, phát triển du lịch nông thôn không thể tách rời với phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao và khai thác các giá trị của nông nghiệp truyền thống gắn với giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa bản địa. Cần rà soát, quy hoạch, định hướng, xây dựng kế hoạch và đầu tư phát triển sản phẩm du lịch theo hướng liên kết vùng, trong đó chú trọng quy hoạch phát triển du lịch nông thôn gắn với chính sách phát triển NTM.
Theo thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, phát triển du lịch nông thôn là loại hình du lịch dựa chủ yếu trên nền tảng của hoạt động, không gian sản xuất nông nghiệp. Trong tổng thu nhập của người dân nông thôn, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 27%. Để nâng cao hơn nữa thu nhập cho người dân vùng nông thôn, ngoài việc thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp cần phải đa dạng hóa ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, trong đó phát triển du lịch là một hướng đi mới, góp phần phát huy lợi thế của nông nghiệp, nông thôn để tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn, vừa góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của người dân nông thôn. |