"Rằng đây là miếu Hùng Vương Mới là thuỷ tổ non thiêng nước nhà".
Vâng! Sông có nguồn, cây có cội, con người có tổ tông. Từ ngàn đời trên dòng trôi lịch sử, đời trước, đời sau cùng nhắc nhớ thành ca dao tạc lòng, khắc dạ: "Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng Ba". Ngày đó, cả dân tộc Việt Nam tưởng nhớ, tôn vinh công lao các Vua Hùng, đồng thời thể hiện của khối đại đoàn kết toàn dân tộc và truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Ngày giỗ Tổ thiêng liêng, những người con bên dòng Như Nguyệt (sông Cầu) không về được núi Nghĩa Lĩnh (Phú Thọ) để dâng hương báo công với Tổ tông, nên kính tâm hương bái vọng tại đình Hùng Vương bằng tấm lòng thảo thơm của những người con xa đất Tổ. Đình ngự tại tổ 7, phường Trưng Vương, T.P Thái Nguyên.
Hàng nghìn người dân, du khách tham gia Lễ hội Hùng Vương tại đình Hùng Vương (T.P Thái Nguyên).
Một ngôi đình giản dị, khiêm nhường với diện tích hơn 200m2, nhưng chứa đựng trong lòng bao câu chuyện trải dài theo dòng chảy lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của một dân tộc. Bởi lẽ ấy mà nhiều người khi về đình, thắp nén nhang thơm, cúi đầu thành kính ơn tiên tổ mà rưng rức tự hào, cảm nhận từ phảng phất khói hương lời Bác Hồ năm xưa căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”… Núi Nghĩa Lĩnh (Hy Cương - Phú Thọ) chợt như rất gần. Bởi những di vật tối linh thuộc di sản Quốc gia là: Thánh Hiệu, Ngọc Phả nói về lịch sử 18 đời Vương triều Hùng Vương 3 bát hương, gồm: 1 bát hương bằng đá thờ 18 đời Vương triều Hùng Vương, 1 bát hương bằng đá thờ Quốc Mẫu Âu Cơ, 1 bát hương bằng đồng thờ Lạc Long Quân. Ngoài 3 bát hương này, còn có 1 lư hương đại bằng đá nặng 1,7 tấn. Đây là lư hương được đặt trước cửa đền Hạ, nơi mẹ Âu Cơ sinh bọc trứng, nở 100 người con. Đây là lư hương đại bán thiên “độc nhất vô nhị” từng được thờ lâu đời ở đền Hùng (Phú Thọ).
Ông Phạm Trần Đang, 82 tuổi đời, 56 năm tuổi Đảng, Phó Trưởng Ban Quản lý, kiêm thủ nhang Di tích Lịch sử Văn hoá đình Hùng Vương tự hào: Đình là nơi được nhân dân nhiều đời thờ phụng các vị Vua Hùng và anh linh các Anh hùng liệt sĩ. (Tên, tuổi 68 Anh hùng liệt sĩ, 2 mẹ Việt Nam Anh hùng của địa phương được lưu danh cạnh ban thờ Vua Hùng). Việc đình thờ phụng các Vua Hùng lâu đời đã tạo nghiệp duyên với đền Hùng đất Tổ, nên phước đình được Ban Quản lý Khu di tích Lịch sử đền Hùng chuyển giao cho lư hương đá và nhiều di vật tối linh về phụng thờ. Các “bảo vật” ấy đã tạo thế uy nghi cho đình thêm xứng tầm. Hơn nữa là một sự tạo phúc, thỏa mãn nhu cầu tâm linh theo đạo pháp dân tộc. Đặc biệt từ năm 2015, bằng nguồn xã hội hoá, đình Hùng Vương có tượng Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và tượng Quốc Mẫu Âu Cơ thờ phụng. Tượng được đúc từ phiên bản gốc, mới chỉ có ở đền Hùng (Phú Thọ) và đình Hùng Vương (Thái Nguyên).
Lễ dâng kính đức Tổ tông ở đình Hùng Vương là bánh chưng, bánh dày, oản, quả, hoa tươi… và lời thành tâm hiếu kính công đức, cầu mong thiên hạ thái bình, mọi nhà được no cơm, ấm áo. Trong phảng phất khói hương, lòng vơi nguôi bận rộn, cảm nhận một thanh tao một nhẹ nhõm vì không nặng vướng bụi hồng trần, rồi lại chợt gợi hoài về mờ xa ký ức. Chuyện kể rằng: Từ đầu thế kỷ XX, nhiều cư dân các tỉnh miền xuôi dắt díu chạy loạn, khi đến bên dòng Như Nguyệt này thấy đất lành, liền ở lại lập làng. Đến những năm ba mươi của thế kỷ này, các cụ Bá Ngận, Cai Đắc, Năm Thực đứng ra huy động nhân dân trong vùng cùng góp của, góp công, ngược lên mạn đầu nguồn để mua gỗ về rồi mời thợ giỏi từ tỉnh Hà Nam lên làm đình để thờ sơn thần và để bái vọng các Vua Hùng. Ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, đình trở thành lớp bình dân học vụ, nhưng vào dịp giổ Tổ, nhân dân địa phương vẫn thành tâm việc nhang, đèn, oản, quả kính hiếu Tổ tông.
Do vật liệu làm đình chủ yếu bằng tre, gỗ, nên không có tuổi thọ lâu năm. Chính vì thế mà nhiều lần nhân dân địa phương phải tu sửa, thậm chí là dựng lại, nhưng luôn bảo đảm về kiến trúc Á Đông. Mới nhất là vào năm 2005, đình được nhân dân trong vùng đóng góp, xây dựng lại chắc chắn hơn. Đình khi đó được nhân dân phường Trưng Vương sử dụng làm nhà văn hoá, đồng thời thờ phụng các vị Vua Hùng. Nhận thấy nhiều bất tiện, nên hơn 1 năm sau đó, nhân dân địa phương thống nhất đóng góp tiền mua đất xây dựng nhà văn hoá sang vị trí khác. Kể từ đó, đình ngày càng có nhiều người dân biết đến. Trong năm, tại đình Hùng Vương có 4 ngày giỗ, gồm: Giỗ Tổ Hùng Vương ngày 10-3; tri ân Trần Hưng Đạo ngày 20-8; giỗ Quốc Mẫu Âu Cơ ngày 25-12 theo lịch âm và tri ân các Anh hùng liệt sĩ ngày 27-7 Dương lịch. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết: Đình Hùng Vương ở Thái Nguyên là một trong số không nhiều các di tích thờ Vua Hùng trong cả nước được đón nhận các linh vật từ đền Hùng, Phú Thọ. Với những linh vật đang thờ tự hiện nay, đình Hùng Vương cũng nằm trong số ít các di tích chính thức thờ vọng các Vua Hùng và Quốc Mẫu Âu Cơ.
Việc thờ phụng các Vua Hùng và Quốc Mẫu Âu Cơ được duy trì, lưu truyền qua nhiều đời, dần trở thành một nét đẹp văn hoá tâm linh, hội tụ tình đoàn kết, làm nên sức mạnh tinh thần của cộng đồng người Thái Nguyên và nhiều người dân các tỉnh vùng Việt Bắc. Sức mạnh đoàn kết được minh chứng theo suốt chiều dài lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng quê hương, đất nước. Trên mảnh đất này, cho dù bị giặc giã kìm kẹp, đàn áp đẫm máu; rồi bom B52 dội xuống gây chết chóc và những năm đời sống người dân khó khăn nhất, thì người dân Thái Nguyên vẫn duy trì được việc thực hành nghi lễ thờ vọng các Vua Hùng. Dù có lúc không từng bừng, không trống giong, cờ mở, việc tổ chức nghi lễ giản tiện, chóng vánh vì hoàn cảnh, song như lời các cụ cao lão ở Thái Nguyên thì ngày thờ Tổ, trên ban thờ chưa bao giờ thiếu bánh chưng, bánh dày với đăng, đèn, oản, quả, hoa tươi.
Chuyện giỗ Tổ Hùng Vương, bà Trần Thị Nhiện, Trưởng Phòng Quản lý Di sản văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Tỉnh Thái Nguyên có 2 di tích thờ Vua Hùng, 1 ở thị trấn Đình Cả (Võ Nhai), 1 ở phường Trưng Vương (T.P Thái Nguyên). Đình Đình Cả, thị trấn Đình Cả được xây dựng từ năm 1920, đình thờ Vua Hùng Vương; Đức thánh Trần Hưng Đạo, thần Cao Sơn Quý Minh và Tứ Phủ. Hằng năm, vào ngày 25-1 âm lịch, nhân dân trong vùng tổ chức lễ, hội khai xuân, thể hiện tấm lòng biết ơn công đức của con, cháu đối với các vị nhân thần và nhằm cầu an lành. Đình Đình Cả không tổ chức giỗ Tổ vào ngày 10-3 âm lịch. Chính vì vậy, đình Hùng Vương ở T.P Thái Nguyên là ngôi đình duy nhất trên địa bàn tỉnh được nhân dân tổ chức lễ, hội vào ngày Quốc giỗ cùng cả nước. Ngoài 2 ngôi đình này, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên còn có 45 di tích thờ các thuộc tướng của Vua Hùng. Tuy nhiên, hầu hết các di tích này chủ yếu mở lễ, hội vào dịp đầu Xuân.
Vẫn các nghi lễ truyền thống như nhiều năm trước đây, nhưng ngày giỗ Tổ luôn thiêng liêng, trọng đại. Bởi trên dòng trôi cuộc đời, ai cũng có bến bờ riêng để neo đậu, để nghỉ ngơi và để nhắc nhớ nhau về nguồn cội thiêng liêng… Từ đình Hùng Vương, đoàn rước được khai đường bằng trò múa rồng của các nam tử thể hiện tinh thần thượng võ. Giữa tiếng trống hội giục giã, lần lượt các đoàn rước, gồm: Cờ thần, bát biểu, lệnh bài, chấp kích, kiệu rước vua Lạc Long Quân, kiệu rước 18 bánh chưng, 18 bánh dày tượng trưng cho 18 đời vua Hùng Vương, kiệu rước Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn người đi thành từng khối biểu dương lực lượng qua một số trục đường chính của T.P Thái Nguyên. Các kiệu rước được phủ vải vàng, thêu hình rồng lộng lẫy. Những thiếu niên trong đội rước mang phục trang truyền thống, khỏe khoắn, đẹp mắt. Vào ngày giổ Tổ hằng năm, hàng nghìn người dân Thái Nguyên và du khách về đình Hùng Vương dâng hương, kính lễ bày tỏ tấm lòng tri ân đối với các bậc tiên hiền và tham gia vui hội.