Ngày 9/4, Thủ tướng Vương quốc Hà Lan Mark Rutte bắt đầu thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
Thành viên Đoàn gồm có: Ông Mark Rutte, Thủ tướng Vương quốc Hà Lan; bà Cora van Nieuwenhuizen, Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng và quản lý nước; bà Marjolijn Sonnema, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, Tự nhiên và Chất lượng thực phẩm; ông Menno Snel, Quốc vụ khanh Bộ Tài chính; ông Hans de Boer, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Hà Lan.
Việt Nam và Hà Lan thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 9/4/1973. Từ những năm 1990, quan hệ hai nước đã được tăng cường. Hiện nay, Hà Lan xem Việt Nam là đối tác ưu tiên và chính sách thúc đẩy hợp tác với Việt Nam nhận được sự ủng hộ và thống nhất cao của chính giới cũng như cộng đồng doanh nghiệp Hà Lan.
Quan hệ Việt Nam - Hà Lan là điển hình của mối “quan hệ năng động và hiệu quả” giữa Việt Nam và một nước châu Âu. Quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa ta và Hà Lan phát triển tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực và ngày càng đi vào chiều sâu.
Đáng chú ý, hai nước Việt Nam - Hà Lan đã thiết lập Đối tác chiến lược về Thích ứng với Biến đổi khí hậu và Quản lý nước (10/2010, có Ủy ban liên Chính phủ điều phối hoạt động, đến nay đã họp sáu phiên, hoàn thiện Đề án đồng bằng sông Cửu Long) và Đối tác Chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực (6/2014). Đây là những lĩnh vực Hà Lan có thế mạnh và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng có thể tận dụng sự hợp tác giúp đỡ của Hà Lan.
Về quan hệ kinh tế, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2018 đạt khoảng 8 tỷ USĐ. Hà Lan là nhà đầu tư châu Âu lớn nhất tại Việt Nam với 318 dự án, đạt hơn 9,3 tỷ USD. Nhiều dự án đầu tư của Hà Lan hoạt động hiệu quả như: Damen (đóng tàu), Heineken (bia), Unilever (chất tẩy rửa, hóa mỹ phẩm), Royal Dutch Shell (khai thác và phân phối dầu khí), Philips (điện tử),…
Trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Hà Lan đang phát triển rất tốt đẹp, chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Vương quốc Hà Lan lần này là sự kiện quan trọng đánh dấu bước phát triển mới của quan hệ song phương, là dịp để các lãnh đạo cấp cao hai nước trao đổi biện pháp thắt chặt quan hệ chính trị - ngoại giao, tăng cường hợp tác thương mại - đầu tư và làm sâu sắc hơn các khuôn khổ hợp tác đang được triển khai, đặc biệt trong hai lĩnh vực Đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu - Quản lý nước và nông nghiệp bền vững - an ninh lương thực.../.