Việc lấy phiếu tín nhiệm của HĐND các cấp ở tỉnh Thái Nguyên và một số vấn đề rút ra từ thực tiễn

11:11, 19/04/2019

1. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Từ khi thành lập đến nay, Ðảng ta luôn xác định, cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu "then chốt" của công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị. Nội dung xây dựng đội ngũ cán bộ là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng, cần phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả. Ðiều này càng có ý nghĩa sâu sắc đối với cán bộ lãnh đạo bởi đây là những người trực tiếp vừa xây dựng, lại vừa tổ chức thực hiện, đưa chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống. Trong công tác cán bộ, có việc đánh giá cán bộ luôn luôn được xác định là khâu tiền đề và xuyên suốt trong quá trình thực hiện. Có đánh giá đúng mới biết được triển vọng của cán bộ để xây dựng quy hoạch; mới biết rõ điểm mạnh, điểm yếu, để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, rèn luyện, thử thách; mới biết cụ thể năng lực, sở trường để bố trí, sử dụng đúng người, đúng việc. Lấy phiếu tín nhiệm của Hội đồng nhân dân là một trong những biện pháp đổi mới, nhằm đánh giá cán bộ thông qua góc nhìn của đại biểu dân cử, có ý nghĩa quan trọng để kiểm soát quyền lực ở địa phương. 

2. Theo Từ điển Tiếng Việt, tín nhiệm có nghĩa là “tin tưởng mà giao phó, trông cậy vào nhiệm vụ, sự việc cụ thể nào đó[1]. Dưới góc độ pháp lý, tín nhiệm là hành vi được pháp luật quy định có liên quan đến việc đánh giá niềm tin đối với một chủ thể, trên cơ sở việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Tại Điều 2 của Nghị quyết số 35/2012/QH13 ngày 21/11/2012 và Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 đều có nội dung xác định: “Lấy phiếu tín nhiệm” là việc Quốc hội, HĐND thực hiện quyền giám sát, đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ sở cho việc xem xét, đánh giá cán bộ; “Bỏ phiếu tín nhiệm” là việc Quốc hội, HĐND thể hiện sự tín nhiệm hoặc không tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn để làm cơ sở cho việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm người không được Quốc hội, HĐND tín nhiệm. Như vậy, lấy phiếu tín nhiệm là để thăm dò, là bước đệm, với ba mức đánh giá “tín nhiệm cao”, ‘tín nhiệm” và “tín nhiệm thấp”; còn việc Bỏ phiếu tín nhiệm là bước tiếp theo, với hai mức đánh giá là “tín nhiệm” và “không tín nhiệm”. Trong trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có quá nửa số đại biểu HĐND đánh giá “tín nhiệm thấp” thì có thể xin từ chức; trong trường hợp người được lấy phiếu tín nhiệm có từ hai phần ba tổng số đại biểu HĐND trở lên đánh giá “tín nhiệm thấp” thì Thường trực HĐND trình HĐND bỏ phiếu tín nhiệm (Đ10, NQ85). Trong trường hợp người được bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa số đại biểu HĐND đánh giá “không tín nhiệm” thì có thể xin từ chức; trường hợp không từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu người đó để HĐND bầu hoặc phê chuẩn có trách nhiệm trình HĐND xem xét quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm đối với người đó (Đ15, NQ85).

3. Tại tỉnh Thái Nguyên, công tác lấy phiếu tín nhiệm được Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng, Nhà nước về lấy phiếu tín nhiệm trong quy trình bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, được thực hiện theo Quy định số 165/QĐ/TW ngày 01/02/2013, và sau đó được thực hiện theo Quy định số 262/QĐ/TW ngày 08/10/2014 của Bộ Chính trị thay thế. Riêng việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do HĐND bầu hoặc phê chuẩn ở tỉnh Thái Nguyên được thực hiện từ năm 2013, được áp dụng theo Nghị quyết số 35/2012/QH13 ngày 21/11/2012, kèm theo Hướng dẫn số 561/2013/UBTVQH13 ngày 16/01/2013, và Chỉ thị số 34-CT/TU ngày 23/5/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, và sau đó đến nay được thực hiện theo Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 thay thế. Quá trình thực hiện từ năm 2013 đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức được 03 lần (02 lần ở nhiệm kỳ 2011 - 2016 được tổ chức vào kỳ họp giữa năm 2013 và kỳ họp cuối năm 2014; 01 lần ở nhiệm kỳ 2016 - 2021 được tổ chức vào kỳ họp cuối năm 2018, giữa nhiệm kỳ) lấy phiếu tín nhiệm đối với những người có các chức danh do HĐND các cấp bầu hoặc phê chuẩn như: Chủ tịch HĐND, Phó chủ tịch HĐND, Ủy viên Thường trực HĐND, Trưởng ban của HĐND, Chủ tịch UBND, Phó chủ tịch UBND, các thành viên khác của UBND (theo K3, Đ1, NQ35 và NQ85); và chức danh Chánh Văn phòng HĐND (theo K1, Đ88 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và K1, Đ63 của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015); các nội dung thực hiện cơ bản nghiêm túc, đúng quy trình, quy định, kết quả cho thấy:

Như vậy, số lượng người được lấy phiếu tín nhiệm năm 2018 tăng so với năm 2014 là 431 người, lý do tăng đó là do Luật Tổ chức chính quyền địa phương bổ sung quy định về việc thành lập 2 ban của HĐND cấp xã và tăng số lượng Ủy viên UBND cấp tỉnh, cấp huyện. Số người được lấy phiếu tín nhiệm có trên 50% tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm cao tăng dần khoảng từ 10% đến 20% so với kỳ lấy phiếu trước đó (năm 2013 đạt tỷ lệ 53,4%, năm 2014 đạt tỷ lệ 64,4%, năm 2018 đạt tỷ lệ 84,5%). Số người được lấy phiếu tín nhiệm có trên 50% tổng số đại biểu đánh giá tín nhiệm thấp chủ yếu tập trung ở cấp xã, chiếm tỷ lệ nhỏ, dưới 1% tổng số người được lấy phiếu tín nhiệm và giảm mạnh vào kỳ lấy phiếu năm 2018 (năm 2013 chiếm tỷ lệ 0,77%; năm 2014 chiếm tỷ lệ 0,8% và năm 2018 chiếm tỷ lệ 0,06%). Trong tổng số 19 lượt người (với 18 người) được lấy phiếu tín nhiệm có trên 50% (nhưng dưới 2/3) tổng số đại biểu HĐND đánh giá tín nhiệm thấp tại tỉnh Thái Nguyên có: 02 trường hợp đã có đơn xin từ chức (01 trường hợp ở huyện Võ Nhai có 02 lần lấy phiếu năm 2013, 2014 đều đạt tín nhiệm thấp; 01 trường hợp ở huyện Đồng Hỷ năm 2014 đạt tín nhiệm thấp), đã được HĐND xã chấp thuận thực hiện quy trình miễn nhiệm theo quy định; 04 trường hợp đã giải quyết cho thôi việc và cho nghỉ chế độ theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 về chính sách tinh giảm biên chế; 10 trường hợp được cấp có thẩm quyền cân nhắc, xem xét, điều động, bổ nhiệm vào các vị trí công việc phù hợp hơn với mức độ tín nhiệm và năng lực công tác (thành phố Thái Nguyên 03; thị xã Phổ Yên 01; các huyện: Võ Nhai 01, Định Hóa 01, Phú Bình 01, Đồng Hỷ 01, Đại Từ 02); 01 trường hợp năm 2013 tuy có số phiếu tín nhiệm thấp, nhưng lại được cơ quan có thẩm quyền xem xét, cân nhắc về năng lực, sở trường, và đã đồng ý cho giữ nguyên chức vụ, đến kỳ lấy phiếu năm 2014 số phiếu tín nhiệm và tín nhiệm cao đã được trên 50%; còn 01 trường hợp chưa được cấp có thẩm quyền xử lý (mới ở kỳ cuối năm 2018).

4. Quá trình lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm tại HĐND các cấp ở tỉnh Thái Nguyên bộc lộ cho thấy những thuận lợi, tồn tại hạn chế, khó khăn vướng mắc như:

* Về một số thuận lợi: (1) Các văn bản hướng dẫn của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm tại HĐND các cấp tương đối đầy đủ, kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện. (2) Công tác lấy phiếu tín nhiệm của HĐND đã được các cấp ủy đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, toàn diện và thống nhất, đảm bảo hoạt động lấy phiếu tín nhiệm của HĐND được thực hiện chặt chẽ, thận trọng, đúng quy định, dân chủ, khách quan, công tâm, thực chất, đạt mục đích, yêu cầu đặt ra, không hình thức; phòng ngừa tốt việc vận động, lôi kéo hoặc có hành vi tác động làm sai lệch mức độ tín nhiệm hoặc lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm để làm tổn hại uy tín tập thể và cá nhân, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ. (3) Quy trình lấy phiếu tín nhiệm, từ khâu chuẩn bị, tuyên truyền về việc lấy phiếu tín nhiệm, công tác phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và UBND các cấp đến tổ chức lấy phiếu tại kỳ họp và công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm được Thường trực HĐND các cấp chuẩn bị thận trọng, khách quan, công khai, minh bạch, công bằng, dân chủ; đảm bảo đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng, nghị quyết của Quốc hội. (4) Các vị đại biểu HĐND nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng và trách nhiệm thay mặt cử tri, thay mặt nhân dân thực hiện quyền đại diện, quyền giám sát, quyền quyết định thông qua việc đánh giá tín nhiệm đối với người giữ các chức vụ do HĐND bầu. (5) Người được lấy phiếu tín nhiệm chuẩn bị báo cáo trung thực, khách quan về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; kiểm điểm, đánh giá về việc có những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; kê khai tài sản, thu nhập để làm căn cứ cho đại biểu HĐND đánh giá mức độ tín nhiệm. (6) Việc lấy phiếu tín nhiệm đã thực sự trở thành đợt sinh hoạt chính trị, được Nhân dân trong tỉnh quan tâm, theo dõi, tham gia giám sát hoạt động lấy phiếu tín nhiệm của HĐND các cấp. (7) Kết quả lấy phiếu tín nhiệm là một trong những căn cứ quan trọng để các cơ quan, tổ chức liên quan xem xét, đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ phù hợp với phẩm chất, năng lực; giúp người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác, thực thi chức trách nhiệm vụ, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương.

* Về một số tồn tại, khó khăn, vướng mắc: (1) Chế định pháp luật về lấy phiếu tín nhiệm chưa hoàn thiện, văn bản hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn một số điểm chưa rõ ràng, chưa dự báo hết được các tình huống xuất hiện trong thực tiễn, chẳng hạn như việc HĐND các cấp ở tỉnh Thái Nguyên trong quá trình chuẩn bị, xác định đối tượng lấy phiếu tín nhiệm (năm 2018) đã phát hiện một số đối tượng trong diện lấy phiếu nhưng chưa có quy định cụ thể như: Người đã có thông báo nghỉ hưu, đã có quyết định nghỉ hưu, đã có quyết định luân chuyển, điều động giữ chức vụ khác nhưng đến trước kỳ họp tổ chức lấy phiếu tín nhiệm chưa thực hiện thủ tục miễn nhiệm; người được HĐND bầu giữ chức vụ cao hơn hoặc thấp hơn hoặc tương đương nhưng vẫn thuộc đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm, thời gian giữ chức vụ mới chưa đủ 9 tháng... (2) Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 quy định mỗi nhiệm kỳ HĐND chỉ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần là chưa phù hợp với mục đích của việc lấy phiếu tín nhiệm, thiếu căn cứ để đánh giá đầy đủ, liên tục, chính xác năng lực, phẩm chất của người được lấy phiếu; không tạo cơ hội để người được lấy phiếu thể hiện trách nhiệm và năng lực của bản thân trong việc khắc phục những yếu kém, tồn tại đã được chỉ ra tại kỳ lấy phiếu. (3) Đối tượng lấy phiếu tín nhiệm được quy định tại các văn bản pháp luật hiện hành chưa quy định việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan tư pháp cấp tỉnh, cấp huyện đã phần nào giảm hiệu quả kiểm soát quyền lực của cơ quan dân cử đối với các cơ quan tư pháp ở địa phương. (4) Căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm được quy định tại nhiều văn bản, còn chung chung, chưa cụ thể, chưa đảm bảo đủ các tiêu chí đánh giá cán bộ, đánh giá đảng viên, trách nhiệm nêu gương của đảng viên là lãnh đạo, quản lý theo các quy định hiện hành; mẫu hướng dẫn làm báo cáo của người được lấy phiếu chưa đầy đủ (thiếu phần đánh giá hạn chế, thiếu sót và phương hướng khắc phục) nên báo cáo của người được lấy phiếu không thống nhất, một số báo cáo còn sơ sài, chưa đầy đủ căn cứ để đánh giá mức độ thực hiện nhiệm vụ. (5) Năng lực, trình độ của đại biểu HĐND không đồng đều, nhất là ở cấp xã đã ảnh hưởng đến việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm. (6) Về xử lý kết quả lấy phiếu tín nhiệm và sử dụng kết quả lấy phiếu, pháp luật hiện hành chỉ quy định người được lấy phiếu tín nhiệm có trên 50% tổng số đại biểu HĐND đánh giá tín nhiệm thấp thì “có thể” xin từ chức nhưng chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục xin từ chức, hệ quả của việc xin từ chức, chế tài xử lý nếu không tự nguyện xin từ chức. Bên cạnh đó, chưa có quy định cụ thể về việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm của HĐND tại các cơ quan Đảng, Nhà nước làm cơ sở để thực hiện đánh giá, phân loại cán bộ. (7) Trong quy trình lấy phiếu tín nhiệm, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc có vai trò hết sức quan trọng, là đầu mối tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm. Tuy nhiên, đến nay chưa có văn bản quy định về hình thức công khai kết quả thực hiện nhiệm vụ của người được lấy phiếu tín nhiệm trước cử tri hoặc quy định về trình tự, thủ tục, phương pháp tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri. Do vậy số lượng ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tổng hợp gửi đến Thường trực HĐND rất ít, như tại kỳ lấy phiếu tín nhiệm năm 2018, Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên chỉ nhận được 01 ý kiến, cấp huyện 02 ý kiến, như vậy là chưa tương xứng. (8) Việc xử lý đối với 19 lượt (với 18 người) có trên 50% (nhưng đều dưới 2/3) tổng số đại biểu HĐND đánh giá là “tín nhiệm thấp” tại tỉnh Thái Nguyên mới chỉ có 02 trường hợp được xử lý theo trình tự “xin từ chức”, 04 trường hợp giải quyết theo trình tự “nghỉ thôi việc theo chính sách”, 10 trường hợp điều động công tác khác với lý do “cho phù hợp”; riêng có 01 trường hợp được giải quyết giữ nguyên chức vụ kéo dài để “thử thách thêm” và 01 trường hợp tuy là mới, chưa xử lý, như vậy vẫn là chậm và chưa kiên quyết (từ 12/2018).

5. Để việc lấy phiếu tín nhiệm thực sự trở thành công cụ giám sát quan trọng, hiệu quả của HĐND, làm căn cứ đánh giá uy tín của người đảng viên trong thực hiện trách nhiệm cầm quyền; và tiếp tục đổi mới công tác đánh giá cán bộ, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực tại địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên tập trung chỉ đạo một số giải pháp trọng tâm và kiến nghị đề xuất như:

* Về một số giải pháp: (1)Tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp tăng cường tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và nhân dân để thống nhất và nâng cao nhận thức về lấy phiếu tín nhiệm trong cả hệ thống chính trị; khẳng định tầm quan trọng, vai trò, ý nghĩa của việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm tại các cơ quan dân cử, góp phần củng cố uy tín, sự lãnh đạo của Đảng với công tác cán bộ, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước với nhau. (2) Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác lấy phiếu tín nhiệm của HĐND, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện, thống nhất của Đảng đối với công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; giới thiệu những đảng viên ưu tú có đủ năng lực, phẩm chất vào các cơ quan Nhà nước và ứng cử đại biểu HĐND các cấp. (3) Hoàn thiện pháp luật về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm; hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong thực hiện lấy phiếu tín nhiệm; xây dựng văn hóa từ chức phù hợp với định hướng xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. (4) Đổi mới phương pháp tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, đảm bảo toàn bộ quy trình lấy phiếu phải được làm một cách dân chủ, công khai, minh bạch để cử tri theo dõi, giám sát, tránh tình trạng thực hiện hình thức và hạn chế đến mức thấp nhất tính cục bộ địa phương, lợi ích nhóm trong lấy phiếu tín nhiệm. (5) Thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao năng lực, trình độ của đại biểu HĐND, từng bước tiến tới xây dựng mô hình cơ quan dân cử chuyên nghiệp; đảm bảo quyền của đại biểu HĐND trong lấy phiếu tín nhiệm.

* Về một số kiến nghị, đề xuất với Quốc hội:  Tổ chức tổng kết, đánh giá hoạt động lấy phiếu tín nhiệm tại HĐND các cấp để rút kinh nghiệm, lãnh đạo, chỉ đạo trên địa bàn toàn quốc, đồng thời làm căn cứ nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh quy định pháp luật về lấy phiếu tín nhiệm. Đề nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015; luật hóa các quy định về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm theo Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 phù hợp với  Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015; trong đó có quy định về lấy phiếu tín nhiệm của HĐND và đề nghị bổ sung, đưa vào Luật một số nội dung sau:

 - Về quy trình lấy phiếu: Bổ sung quy định về thời điểm thảo luận tại Tổ đại biểu trước kỳ họp về các nội dung liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm; trách nhiệm công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của người được lấy phiếu tín nhiệm; trách nhiệm tổng hợp ý kiến thảo luận tổ của Tổ trưởng Tổ đại biểu (Nghị quyết số 85/2014/QH13 chưa quy định).

- Về đối tượng lấy phiếu:

+ Bổ sung thêm đối tượng lấy phiếu tín nhiệm của HĐND là Chánh án Tòa án nhân dân và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân quy định tại khoản 1, Điều 88, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và khoản 1, Điều 63, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 (Lí do: Theo quy định tại Hiến pháp năm 2013, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015 xác định Viện Kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân là đối tượng giám sát thường xuyên của HĐND, có trách nhiệm báo cáo kết quả công tác tại 2 kỳ họp thường lệ giữa năm và cuối năm của HĐND; Chánh án Tòa án nhân dân và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân là đối tượng chất vấn của đại biểu HĐND. Bên cạnh đó, hoạt động của các cơ quan tư pháp trên địa bàn, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh, trật tự, phát triển kinh tế - xã hội; vì thế cần có cơ chế kiểm soát quyền lực đủ mạnh của cơ quan dân cử đối với các cơ quan tư pháp ở địa phương).

+ Bổ sung quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm đối người thuộc đối tượng được lấy phiếu tín nhiệm được HĐND bầu giữ chức vụ cao hơn hoặc thấp hơn hoặc tương đương mà thời gian giữ chức vụ mới chưa đủ 9 tháng; người đã có thông báo nghỉ hưu, quyết định nghỉ hưu, quyết định điều động, luân chuyển hoặc bố trí công việc khác đến trước kỳ họp tổ chức lấy phiếu tín nhiệm chưa thực hiện thủ tục miễn nhiệm (Nghị quyết số 85/2014/QH13 chưa quy định).

- Về thời hạn và thời điểm lấy phiếu tín nhiệm: Sửa đổi, bổ sung quy định HĐND thực hiện lấy phiếu tín nhiệm 2 lần trong một nhiệm kỳ, thực hiện vào kỳ họp thường lệ giữa năm thứ hai và cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ, nhằm tạo cơ hội để người được lấy phiếu thể hiện trách nhiệm và năng lực của bản thân trong việc khắc phục những yếu kém, tồn tại đã được chỉ ra tại kỳ lấy phiếu lần trước, đồng thời kết quả lấy phiếu tín nhiệm có thể sử dụng để tham khảo trong thực hiện quy hoạch, bố trí, sắp xếp và sử dụng cán bộ, chuẩn bị nhân sự cán bộ lãnh đạo chủ chốt cho nhiệm kỳ tiếp theo (nội dung này, tại đ7,NĐ35 có quy định 1lần/năm; tại đ7, NĐ 85/lại có quy định 1lần/01 nhiệm kỳ).

- Về căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm: Bổ sung quy định về tiêu chí đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được HĐND lấy phiếu tín nhiệm, trên cơ sở thống nhất với các tiêu chí đánh giá cán bộ của Luật cán bộ, công chức năm 2008; tiêu chí đánh giá cán bộ, Đảng viên theo Nghị Quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” , “tự chuyển hóa” trong nội bộ và trách nhiệm nêu gương của người Đảng viên theo Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư và Quy định số 08-Qđi/TW ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương. Như vậy, báo cáo của người được lấy phiếu tín nhiệm cần được đánh giá đầy đủ về lập trường tư tưởng, việc chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc, ý thức kỷ luật, thái độ phục vụ nhân dân; năng lực lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ; tinh thần trách nhiệm trong công tác; kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; đồng thời báo cáo cần phân tích đánh giá cụ thể ưu điểm, nhược điểm và đề ra giải pháp khắc phục cụ thể.

- Về hệ quả đối với người được lấy phiếu tín nhiệm: Đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định về việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm vào việc đánh giá, quản lý và sử dụng cán bộ, đặc biệt là cán bộ trong quy hoạch (tại điều 11, của Quy định số 262-QĐ/TW ngày 8/10/2014 có đề cập tới nội dung này nhưng chưa thể hiện được áp dụng đối với kết quả lấy phiếu tín nhiệm của HĐND các cấp); trình tự, thủ tục xin từ chức (Nghị quyết số 85/2014/QH13 chưa quy định).

- Bổ sung quy định về sự phối hợp của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trong thực hiện lấy phiếu tín nhiệm của HĐND, trong đó quy định cụ thể về hình thức công khai báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ của người được lấy phiếu tín nhiệm để nhân dân cùng tham gia đóng góp ý kiến và thực hiện quyền giám sát đối với đại biểu dân cử, cũng như giám sát đối với cán bộ quản lý trong thực thi nhiệm vụ; trình tự, thủ tục, phương pháp thu thập, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến người được lấy phiếu tín nhiệm (Nghị quyết số 85/2014/QH13 chưa quy định).

Như vậy, việc lấy phiếu tín nhiệm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, giúp cho người được lấy phiếu thấy được mức độ tín nhiệm của mình để phấn đấu, rèn luyện nâng cao chất lượng hoạt động, làm cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, đánh giá cán bộ, đánh giá uy tín của người Đảng viên trong thực hiện trách nhiệm cầm quyền. Nâng cao chất lượng lấy phiếu tín nhiệm tại HĐND các cấp là góp phần nâng cao hiệu quả kiểm soát quyền lực tại địa phương, góp phần đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng trong điều kiện mới./.

 


[1]   Như Ý và đ.t.g (1996). Từ điển Tiếng Việt thông dụng, NXB Giáo dục, Hà Nội