Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Thái Nguyên là vùng căn cứ địa cách mạng. Chính tại ATK Định Hóa đã chứng kiến cuộc gặp giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chủ tịch Xu-pha-nu-vông, Tổng Bí thư Cay-xỏn Phôm-vi-hản và các nhà lãnh đạo cách mạng hai nước, sát cánh bên nhau quyết định đường lối kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược, giải phóng hai dân tộc… Phát huy tình đoàn kết hữu nghị, gắn bó keo sơn giữa hai quốc gia, hai dân tộc anh em, hiện nay, tỉnh là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cho các thế hệ cán bộ của nước bạn Lào.
Có một căn cứ cách mạng Lào tại Việt Bắc
Liền kề với ATK Định Hóa là làng Ngòi và thôn Đá Bàn thuộc xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, nơi còn in dấu tích về một căn cứ cách mạng của nước bạn Lào giữa núi rừng Việt Bắc. Hơn 60 năm trước, từ giữa năm 1950 đến cuối năm 1951, Chủ tịch Xu-pha-nu-vông, đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi- hản cùng với các nhà cách mạng Lào đã làm việc và lãnh đạo cách mạng Lào tại đây. Cũng tại đây, đồi xóm Thổ là nơi làm việc của Hoàng thân Xu-pha-nu-vông cùng với các nhà cách mạng của Lào, sau này được đổi tên gọi rất đỗi thân thương mà trang trọng: Đồi Hoàng Thân.
Ngày 13/8/1950, Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Neo Lào Ít-xa-la được tổ chức tại khu đồi Hoàng Thân. Hơn 100 đại biểu đại diện cho các bộ tộc Lào dự Đại hội, thảo luận và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của cách mạng Lào. Đại hội đã bầu Hoàng thân Xu-pha-nu-vông làm Thủ tướng Chính phủ kháng chiến; đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản được cử làm Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Trong thời gian các đồng chí đại biểu Lào ở Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần từ bản Tỉn Keo, xã Phú Đình, ATK Định Hóa sang xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn thăm và làm việc với các đồng chí lãnh đạo cách mạng Lào. Trước tình hình quốc tế, khu vực và Đông Dương có những chuyển biến sâu sắc, trong Báo cáo chính trị tại Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Phải ra sức giúp đỡ cuộc kháng chiến của nhân dân Lào, vì cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam có liên hệ mật thiết với cuộc chiến tranh giải phóng Lào”. Đại hội đã quyết định thành lập ở mỗi nước một chính đảng riêng, ở Việt Nam là Đảng Lao động Việt Nam, ở Lào là Đảng Nhân dân Lào. Từ đây, mối quan hệ giữa Việt Nam và Lào được nâng lên tầm cao mới trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung vì độc lập, tự do của mỗi quốc gia. Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình” và thực hiện chủ trương của lãnh đạo hai nước, quân và dân Việt Nam - Lào đã phối hợp chiến đấu giành nhiều thắng lợi. Đặc biệt là thắng lợi to lớn trong chiến dịch Thượng Lào năm 1953, đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Vun đắp tình đoàn kết hữu nghị, gắn bó keo sơn
Trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân và đế quốc xâm lược để giành độc lập dân tộc, Thái Nguyên đã có trên 7 nghìn cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong, chuyên gia các ngành, là con em các dân tộc trong tỉnh sang Lào công tác, chiến đấu cùng với quân và dân Lào góp phần giải phóng đất nước Lào. Cũng chính tại mảnh đất Thái Nguyên, những năm 1958-1962, Trung ương đã chọn và giao nhiệm vụ cho Trường THPT Lương Ngọc Quyến đào tạo con em cán bộ cao cấp của Lào. Đồng thời, Trường còn cử giáo viên sang giúp nước bạn Lào trong đào tạo.
Dưới mái Trường THPT Lương Ngọc Quyến, rất nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp tiếp tục học lên các bậc học cao hơn ở Việt Nam, nhiều học sinh đã trưởng thành trên các lĩnh vực công tác, trở thành những cán bộ cốt cán của Lào. Tiêu biểu như đồng chí Bun-nhăng Vo-la-chit, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào; đồng chí Đa-Von-Vông-Xắc, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Y tế… Phát huy truyền thống quan hệ ngoại giao giữa Thái Nguyên với các địa phương của nước Lào, những năm gần đây, tỉnh đã dành nhiều nguồn lực hỗ trợ việc đào tạo con em các dân tộc Lào học tập, nghiên cứu khoa học, đặc biệt đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đến nay, tỉnh đã thiết lập mối quan hệ hợp tác với nhiều địa phương của Lào, như: Tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Phông Sa Lỳ, T.P Viên Chăn. Từ năm 2010 trở lại đây, mỗi năm tỉnh tiếp nhận gần 2.000 lưu học sinh, sinh viên Lào sang học tập tại các trường đại học, cao đẳng và bậc THPT.
Tiếp nối truyền thống hữu nghị giữa hai quốc gia, dân tộc, hoạt động của Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Thái Nguyên ngày càng sinh động, là sự kết nối chặt chẽ giữa đối ngoại nhà nước, ngoại giao nhân dân, góp phần làm sinh động thêm mối quan hệ gắn bó keo sơn. Là tổ chức xã hội, thành lập từ năm 2009, đến nay Hội đã có gần 13,5 vạn hội viên, trong đó có 5 đơn vị Hội cấp huyện. Hội đã bám sát các chủ trường của Đảng về đối ngoại nhân dân, thông qua đó, các hoạt động tri ân, xúc tiến đầu tư, kết nối kinh tế, văn hóa, giáo dục ngày càng sinh động. Hàng năm, Hội đã vận động được hàng trăm suất quà hỗ trợ khuyến học cho các lưu học sinh Lào đang theo học tại tỉnh. Đồng thời là cầu nối trong các hành trình trở lại chiến trường xưa của các cựu quân tình nguyện, chuyên gia từng chiến đấu, làm việc tại Lào và cũng là kênh thông tin quan trọng trong hoạt động tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Năm 2018, Hội đã vận động các hội viên ủng hộ được 50 triệu đồng, trực tiếp hỗ trợ nhân dân tỉnh Attapeu (Lào) bị sự cố vỡ đập thủy điện…
Ngày 27/3/2019, tại kỳ họp bất thường, HĐND tỉnh khóa XIII đã quyết định hỗ trợ 7 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh năm 2019, giúp tỉnh Luang Prabang (Lào) xây dựng công trình hữu nghị về giáo dục, trong đó có 10 phòng học kiên cố. |