Trong những năm qua, được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương, sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy, chính quyền và đoàn thể trên địa bàn, công tác dân tộc của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và toàn diện. Ngoài việc triển khai tốt các chính sách của Trung ương, Ban Dân tộc tỉnh và các sở, ngành liên quan đã tham mưu giúp tỉnh ban hành nhiều chính sách, cơ chế đặc thù để hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Điều đó góp phần làm thay đổi tích cực diện mạo của vùng đồng bào DTTS, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào.
Thái Nguyên là tỉnh có nhiều dân tộc cùng sinh sống, trong đó đồng bào DTTS hiện có trên 300 nghìn người (chiếm khoảng 27% dân số toàn tỉnh), tập trung chủ yếu ở 5 huyện miền núi, vùng cao gồm: Võ Nhai, Định Hóa, Phú Lương, Đồng Hỷ và Đại Từ. Nhiều năm qua, công tác dân tộc luôn được các cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng quan tâm thực hiện và ngày càng đạt được nhiều kết quả quan trọng, đặc biệt là từ khi triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc (Nghị quyết số 24-NQ/TW). Từ việc triển khai Nghị quyết này, nhận thức về vị trí, nhiệm vụ, tầm quan trọng của công tác dân tộc trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội được nâng lên. Tỉnh đã quan tâm thực hiện nhiều chính sách, giải pháp, huy động lồng ghép nhiều nguồn lực để hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS một cách đầy đủ và tương đối kịp thời.
Các y, bác sĩ khám, chữa bệnh và tư vấn sức khỏe miễn phí cho đồng bào DTTS xã vùng cao Sảng Mộc (Võ Nhai).
Tính từ năm 2003 (khi triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW) đến nay, tổng kinh phí thực hiện Chương trình 135 của tỉnh là trên 1.100 tỷ đồng. Kinh phí thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, xóm đặc biệt khó khăn là 184 tỷ đồng. Kinh phí trợ giá, trợ cước thực hiện đến năm 2010 là trên 93 tỷ đồng; thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn từ năm 2010 đến năm 2018 là 89,2 tỷ đồng…
Cùng với việc thực hiện tốt các chính sách của Trung ương, Ban Dân tộc tỉnh đã cùng với các ngành chức năng tham mưu giúp Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành và chỉ đạo thực hiện nhiều chính sách đặc thù để hỗ trợ thiết thực cho vùng đồng bào DTTS, như: Chính sách xóa các xóm, bản “trắng” về điện lưới quốc gia (đã huy động được 200 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng lưới điện cho 76 xóm, bản vùng đặc biệt khó khăn chưa có điện lưới quốc gia); đầu tư xóa các phòng học tạm; chính sách hỗ trợ muối I ốt cho người dân vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2017 -2020; chính sách bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020… Đặc biệt là Đề án Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống đến năm 2020 (Đề án 237), triển khai từ năm 2014 đến nay đã huy động được 117 tỷ đồng.
Từ việc triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách của Trung ương, của tỉnh và nguồn huy động xã hội hóa, hàng chục nghìn hộ đồng bào DTTS đã có đất ở, đất sản xuất, nguồn vốn để vươn lên thoát nghèo, có kiến thức khoa học – kỹ thuật để làm ăn, được dùng nước sạch và điện lưới quốc gia. Kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh từng bước ổn định và phát triển, kết cấu hạ tầng được cải thiện rõ rệt, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào không ngừng được nâng lên. Tỷ lệ hộ nghèo ở vùng DTTS giảm nhanh hơn mức bình quân chung toàn tỉnh. Cụ thể, năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của 124 xã, thị trấn vùng DTTS và miền núi giảm còn 9,16% (giảm 3,89% so với năm 2017; giảm gấp hơn 1,5 lần so với bình quân chung toàn tỉnh; tỷ lệ hộ nghèo ở 36 xã đặc biệt khó khăn giảm còn 20,86% (giảm 8,94% so với năm 2017; giảm gấp 3,4 lần so với bình quân chung của tỉnh; vượt mục tiêu Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra mỗi năm giảm từ 3,5% trở lên); tỷ lệ hộ nghèo ở 63 xã ATK giảm còn 14,80% (giảm 6,28% so với năm 2017, giảm gấp hơn 2,4 lần so với bình quân chung của tỉnh).Cả tỉnh hiện có 61/114 xã vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn nông thôn mới (đạt 53,5%), cao hơn nhiều so với tỷ lệ chung toàn quốc (trên 23%). Tỉnh đã cơ bản hoàn thành công tác định canh, định cư, cơ bản chấm dứt tình trạng di cư tự do.
Được hỗ trợ kinh phí và nguyên vật liệu của tỉnh, người dân xóm Lũng Cà, xã Thượng Nung (Võ Nhai) đóng góp thêm tiền và ngày công để làm tuyến đường bê tông trục xóm.
Cùng với đó, công tác giáo dục – đào tạo và y tế ở vùng DTTS, vùng sâu, xa cũng có nhiều tiến bộ rõ rệt. Đến nay 100% các xã vùng DTTS hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS; 90%% số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế. Công tác quốc phòng – an ninh vùng đồng bào DTTS được cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở chú trọng thực hiện, không để xảy ra điểm nóng về an ninh trật tự. Hệ thống chính trị ở vùng đồng bào DTTS được củng cố, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền cơ sở được nâng lên góp phần triển khai tốt các cơ chế, chính sách với đồng bào. Năng lực, trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc, cán bộ vùng DTTS ngày càng được nâng cao, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới…
Dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và toàn diện như vậy nhưng công tác dân tộc của tỉnh vẫn còn gặp không ít khó khăn, hạn chế. Đời sống của một bộ phận đồng bào vẫn có nhiều khó khăn, dân trí chưa cao, còn trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước trong khi nguồn kinh phí đầu tư có hạn. Điều đó đòi hỏi cả hệ thống chính trị, nhất là những người làm công tác dân tộc phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa. Để làm tốt công tác dân tộc thì chỉ riêng nguồn lực đầu tư là chưa đủ, như lời đồng chí Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc trong chuyến công tác tại tỉnh mới đây: Muốn làm tốt công tác này cần phải có một tấm lòng.