Trải nghiệm Trường Sa

10:57, 04/05/2019

                                                                                                     Bút ký của Trần Quyền   Có đọc và nghe bao nhiêu về Trường Sa cũng không bằng một lần đến. Tôi đã may mắn được một chuyến đi như thế, được trải nghiệm để hiểu phần nào điều kiện khắc nghiệt ở nơi quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc, hiểu hơn những giá trị của sự hy sinh, cống hiến của những con người đã và đang ngày đêm bảo vệ biển đảo thiêng liêng. Có người nói, ai một lần được đến Trường Sa cũng sẽ thêm một lần “trưởng thành”.

Niềm lạc quan của lính đảo.

Ở phía Nam, dịp cuối năm là mùa biển động. Tầu HQ 571 rời quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) chở Đoàn công tác chúng tôi cùng nhiều hàng hóa, quà tặng và tình cảm của đất liền đến với Trường Sa. Con tầu vận tải hiện đại có biệt danh mỹ miều “hoa hậu Vùng 4” này đã thực hiện nhiều chuyến hải trình nối đất liền với Trường Sa từ khi được hạ thủy năm 2011. Vì thế có thể ví HQ 571 như một “thủy thủ dạn dầy kinh nghiệm” trên biển, còn chúng tôi, đa phần là những người lần đầu được đến Trường Sa nên rất háo hức và cũng không khỏi bỡ ngỡ, e ngại sóng gió.

Hai ngày đêm liên tục trên tầu vượt hơn 300 hải lý để đến đảo đầu tiên ở Trường Sa (đảo Sinh Tồn Đông) trong hành trình của chúng tôi thật dài và vất vả. Giữa biển khơi bao la, gió luôn duy trì cấp 5-6, con tầu dù có trọng tải choán nước trên 2.000 tấn vẫn lắc lư ngang dọc, chao đảo như đánh võng, dềnh lên, hạ xuống liên tục dù đã “giương vây” để giảm sóng. Đi lại, sinh hoạt trên tầu là những kỹ năng không hề đơn giản. Tôi may mắn hơn nhiều người vì ít bị “ngấm” sóng nhưng đôi lúc cũng không tránh khỏi cảm giác uể oải, chuếnh choáng. Một số người mặt tái đi vì say sóng, ngủ li bì cả ngày lẫn đêm. Bữa cơm đầu tiên trên tầu thưa vắng vì nhiều người không thể gượng dậy đi ăn... Trong suốt hải trình, thông tin được mọi người quan tâm nhiều nhất là dự báo thời tiết.

Luôn cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biển đảo Trường Sa.

 Việc di chuyển bằng xuồng từ nơi tầu neo đậu vào các đảo cũng khá gian nan. Chiếc xuồng CQ nhỏ bị những con sóng cao nâng lên, hạ xuống tới vài mét, liên tục kéo ra xa rồi lại xô mạnh vào mạn tầu. Bước từ tầu xuống xuồng và từ xuồng lên tầu vì thế là cả một nghệ thuật, mọi người phải nhất nhất theo hướng dẫn và sự trợ giúp của các thủy thủ nếu không rất dễ bị tai nạn. Cùng với áo phao, mỗi người được phát một túi ni lông dầy để bảo quản đồ đạc tránh bị ướt khi ngồi trên xuồng. Vùng biển xung quanh các đảo: Song Tử Tây, Đá Thị, Đá Nam thường xuyên có sóng mạnh hơn các nơi khác nên việc cập đảo càng thêm vất vả. Tôi nhớ lần cập đảo Song Tử Tây, tầu HQ 571 đã phải chạy lòng vòng hồi lâu quanh đảo tìm vị trí sóng nhẹ nhất để neo đậu, lãnh đạo Đoàn công tác cũng phải căn ke, tính toán thời điểm lên đảo, rời đảo nhằm tránh sóng to, gió lớn…

Sau hành trình gian nan, những mệt mỏi của chúng tôi như tan biết khi đặt chân lên các đảo trong sự chào đón nồng hậu, thân tình của cán bộ, chiến sĩ. Và khoảng thời gian quý giá lưu lại các đảo đã giúp chúng tôi hiểu được phần nào những vất vả, thiếu thốn, hy sinh và ý chí của những người đang ngày đêm canh giữ biển trời nơi đầu sóng ngọn gió. Các đảo nổi ở Trường Sa đều có diện tích nhỏ, bề mặt là đá san hô và cát trắng khô cằn, mùa khô thì nắng rát có khi đến 25 ngày/tháng, mừa mưa thì gió bão quật quã. Trong điều kiện đó, bên cạnh nhiệm vụ quan trọng nhất là luôn đảm bảo phòng thủ, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biển đảo, cán bộ và chiến sĩ phải chắt chiu từng giọt nước, từng nắm đất để trồng cây, để tăng gia sản xuất tự đáp ứng nhu cầu rau xanh. Nhìn những hàng cây xanh, cây cảnh và các loại rau mầu tươi tốt trên đảo đủ thấy cán bộ, chiến sĩ đã phải kiên trì và nhọc công thế nào.

Tôi còn nhớ những chia sẻ của Trung úy Nguyễn Văn Anh Đức, Trợ lý Hậu cần của đảo Sinh Tồn Đông về chuyện chăn nuôi trên đảo. Anh bảo, việc chăn nuôi, tăng gia không đơn thuần là nhiệm vụ mà còn là một hoạt động giải trí thư giãn của anh em sau những giờ canh gác, tập luyện vất vả và điều đó cũng giúp lính đảo vơi bớt nỗi nhớ nhà, nhớ đất liền. Đảo có 30 con chó, vài con lợn và 7 con gà tre lai mà anh em đã kiên trì gây giống, chăm bẵm. Cũng đã một vài lần các chuyến tầu mang giống gà ta ra đảo, nhưng chỉ nuôi được vài ngày là gà chết vì chúng cũng bị “say sóng” khi đi tầu và không chịu được khí hậu khắc nghiệt ở đảo. Điều đặc biệt ở đảo Sinh Tồn Đông (và một số đảo khác ở Trường Sa) khiến chúng tôi ngạc nhiên là chuyện cán bộ, chiến sĩ thuần dưỡng cò. Nhiều con cò trên đường di cư đã chọn đảo làm bến đậu để rồi trở thành những “cư dân” của đảo, “làm bạn” với lính đảo.

Đảo nổi đã vậy, những cán bộ, chiến sĩ đóng quân trên các đảo chìm còn đối diện với nhiều nguy cơ và vất vả hơn nhiều lần. Không gian chật hẹp, diện tích sinh hoạt và tăng gia rất hạn chế. Theo Đại tá Trần Minh Thuần, Trưởng đoàn công tác chúng tôi (người đã có nhiều năm công tác ở Trường Sa), ở những đảo chìm như Đá Thị, Đá Nam thì khi có gió cấp 7 cộng với thủy triều lên, sóng có thể trùm đến tầng 3 tòa nhà của đảo. Mọi thiết bị đều rất nhanh bị hư hỏng nếu không được bảo vệ tốt trước sóng gió…

Điều kiện vất vả là vậy nhưng tại tất cả những điểm đóng quân ở Trường Sa, cán bộ, chiến sỹ vẫn luôn vững vàng ý chí, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng. Trong chuyến công tác gần 1 tháng đó, chúng tôi đã được gặp gỡ, giao lưu với nhiều cán bộ, chiến sĩ công tác trên các đảo. Họ đa phần còn trẻ nhưng chững chạc, gương mặt đen bóng vì nắng gió, luôn lạc quan và rất đỗi tự hào vì nhiệm vụ của mình. Họ tạm gác hạnh phúc riêng tư vì biển đảo. Đoàn công tác đã chuyển tải tình cảm và nhiều quà tặng từ đất liền đến họ, nhưng chính họ mới cho chúng tôi nhiều điều đáng quý qua chuyến đi đặc biệt này. Để mỗi người sau khi đến Trường Sa thấy yêu thêm Tổ quốc mình, không nản chí trước khó khăn và bớt đi những toan tính nhỏ nhen trong cuộc sống thường nhật.