Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân

07:38, 18/05/2019

“Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng. Nhưng để Nhân dân nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình thì Đảng phải gần dân, sát dân, lắng nghe ý kiến của quần chúng nhân dân và tuyên truyền, vận động Nhân dân giác ngộ, tự nguyện làm tròn bổn phận, trách nhiệm công dân của mình".                                                                       CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH

Cứ mỗi độ tháng 5 về, chúng ta không khỏi bồi hồi nhớ tới Bác Hồ muôn vàn kính yêu - Người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Người đã hiến dâng trọn cuộc đời mình cho Tổ quốc. Nhiều hoạt động ý nghĩa được tổ chức ở tất cả các địa phương, đơn vị như những đóa hoa lung linh sắc màu, tỏa ngát hương thơm kính dâng lên Bác nhân ngày sinh của Người.

Năm nay đặc biệt hơn bởi là năm kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng là dịp kỷ niệm 70 năm tác phẩm Dân vận, 50 năm tác phẩm Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Hầu hết các địa phương, đơn vị từ cơ sở trở lên đều tổ chức kỷ niệm ngày sinh của Bác gắn với sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; biểu dương những tấm gương tiêu biểu trong học tập và làm theo Bác trên tất cả các lĩnh vực. Chủ đề “Xây dựng ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã được triển khai sâu rộng trong toàn Đảng bộ ngay từ đầu năm.

Ý thức tôn trọng nhân dân là nhìn nhận đúng đắn sức mạnh của nhân dân, dựa vào sức dân để vượt lên giành thắng lợi. Tư tưởng trọng dân và phong cách gần dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, hết lòng hết sức phục vụ Nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh là điểm hội tụ hợp thành đạo đức, phong cách của Người. Hình ảnh Bác Hồ kính yêu luôn là ngọn lửa ấm áp sưởi ấm triệu triệu trái tim con dân đất Việt. Bác thường nhắc “Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong”; khi đã thành công, trở thành người cầm quyền càng phải dựa vào dân để bảo vệ và phát triển thành quả cách mạng, đưa đất nước đi lên.

Bác dạy: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”. Tuyệt đối không được kiêu ngạo, không được coi khinh dân, huênh hoang, khoác lác; “thái độ kiêu ngạo đó sẽ làm mất lòng tin cậy của nhân dân”. Những lời thẳng thắn, tâm huyết đó của Bác luôn nhắc nhở mỗi chúng ta trong công tác cũng như cuộc sống thường ngày.

Tôn trọng Nhân dân nghĩa là biết lắng nghe và chân thành bàn bạc với dân. Ðể có được chủ trương, quyết định đúng, Bác nhấn mạnh: Việc gì cũng phải “Bàn bạc với dân chúng, tin vào dân chúng; đưa mọi vấn đề cho dân chúng thảo luận và tìm cách giải quyết”. Thảo luận với dân, lắng nghe dân trước khi đưa ra quyết định chính là phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh, rất thực tế, khoa học và tránh được sự chủ quan, áp đặt có thể dẫn tới sai lầm, khuyết điểm hoặc tổn thất.

Trong công việc cũng như cuộc sống, mỗi chúng ta không tránh khỏi có lúc, có việc mắc sai lầm, khuyết điểm. Ðiều quan trọng là thái độ trước những sai lầm, khuyết điểm đó. Trong bối cảnh đó, Bác đã dạy “Chúng ta không sợ sai lầm, nhưng đã nhận biết sai lầm thì phải ra sức sửa chữa”; “Chúng ta có khuyết điểm thì thật thà thừa nhận trước mặt dân chúng. Nghị quyết gì mà dân chúng cho là không hợp thì để họ đề nghị sửa chữa. Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”. Ðó chính là ý thức tôn trọng chân thành và có trách nhiệm với Nhân dân. Tôn trọng Nhân dân còn được thể hiện trong phong cách khiêm nhường, giản dị, hòa đồng, chớ ra oai, đặt mình trên dân chúng.

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người đã trở thành nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, lâu dài và rất cần thiết đối với mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta. Bước vào công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước hiện nay, Ðảng và Nhà nước ta đã và đang không ngừng đổi mới phong cách, phương thức lãnh đạo, quản lý, hướng tới người dân và cơ sở. Phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra luôn được tôn trọng trong mọi công việc; quan tâm giải quyết dứt điểm, thấu đáo, đúng pháp luật những tố cáo, khiếu kiện của dân; xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên sai phạm và công khai trước dân; chú trọng thực hiện trách nhiệm nêu gương trong Ðảng và trong Nhân dân.

Cùng với cả nước, sự chuyển biến tích cực về ý thức tôn trọng Nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống Nhân dân của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Thái Nguyên chắc chắn sẽ củng cố vững chắc hơn niềm tin của dân với Ðảng, tạo luồng sinh lực mới để hội nhập và phát triển trong giai đoạn cách mạng mới.