Những năm qua, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được bảo đảm, giữ vững, trong đó có đóng góp quan trọng của các chức sắc tôn giáo. Các chức sắc tôn giáo đã bằng nhiều cách làm thiết thực, sáng tạo, phù hợp và cùng các cơ quan chức năng Nhà nước kịp thời ngăn chặn một số hoạt động trái phép của các tà đạo, tổ chức tự xưng lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để truyền đạo trái phép, tuyên truyền mê tín dị đoan, chống phá Đảng, Nhà nước.
Hiện, trên địa bàn tỉnh có 3 tổ chức tôn giáo đã được công nhận tư cách pháp nhân, gồm: Phật giáo, Công giáo và Tin Lành. Phật giáo có 32 chức sắc trụ trì và 16 chức sắc sinh hoạt tôn giáo, trên 1.000 chức việc, trên 84.000 tín đồ và 177 cơ sở thờ tự. Công giáo có 17 linh mục (trong đó có 9 linh mục chính xứ), trên 300 chức việc, trên 30.000 tín đồ, 9 giáo xứ và 55 giáo họ. Tin Lành có 20 chức sắc, trên 5.700 tín đồ, 3 hội thánh cơ sở, 33 điểm nhóm thuộc 7 hệ phái. Để các tôn giáo hoạt động đúng tôn chỉ, mục đích, MTTQ tỉnh tích cực phối hợp cùng giáo hội các tôn giáo tuyên truyền, vận động các chức sắc, tín đồ thực hiện phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, hăng hái tham gia phong trào thi đua yêu nước, như: Xây dựng đời sống văn hóa; xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo; tham gia bảo vệ an ninh trật tự.
Ông Lê Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ tỉnh cho biết: Tỉnh luôn quan tâm giải quyết các nguyện vọng, kiến nghị hợp pháp, chính đáng của các tôn giáo, nhất là trong hỗ trợ, giải quyết nhu cầu về đất đai, cơ sở thờ tự. Trong 2 năm gần đây, trên địa bàn tỉnh có 20 cơ sở tôn giáo được giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 8 công trình tôn giáo, công trình phụ trợ được cấp giấy phép xây dựng. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 182/226 cơ sở tôn giáo được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 10 tổ chức tôn giáo trực thuộc được chấp thuận thành lập, chia tách. Các hoạt động từ thiện, nhân đạo của các tổ chức và cá nhân tôn giáo trên địa bàn được khuyến khích, đem lại hiệu quả tích cực.
Với vai trò, vị trí của mình trong đời sống tâm linh đối với các tín đồ, bằng uy tín và đạo hạnh của mình, các chức sắc tôn giáo đã dẫn dắt tín đồ hiểu và thực hành đúng giáo lý, giáo luật của tổ chức, đồng thời chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương. Hằng ngày, các chức sắc tôn giáo đã đồng thời xây dựng, hướng dẫn đức tin cho các tín đồ sống đẹp cả việc đạo và việc đời. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Thời, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh cho biết: Cùng với sự phát triển chung của xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Công giáo Thái Nguyên không ngừng được cải thiện, nâng cao. Các tổ chức giáo hội được củng cố, cơ sở thờ tự được xây dựng khang trang, sinh hoạt mục vụ được duy trì nền nếp, sự gắn kết giữa các hoạt động kính Chúa yêu nước, tốt đời đẹp đạo trong đồng bào Công giáo ngày càng có hiệu quả, góp sức với nhân dân các dân tộc trong tỉnh hăng say lao động, sản xuất, phát huy tinh thần sáng tạo, vượt mọi khó khăn để góp phần phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Thượng tọa Thích Nguyên Thành, Ủy viên Thường trực Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh chia sẻ: Giáo hội luôn định hướng, hướng dẫn phật tử thực hiện tốt quy định của pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo, không mê tín dị đoan, sống “tốt đời, đẹp đạo”. Giáo hội vận động phật tử tích cực tham gia các phong trào xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, làm từ thiện để giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Từ nhiều năm nay, một số nhà chùa trên địa bàn tỉnh đã cùng phật tử duy trì chương trình nấu cháo từ thiện giúp đỡ bệnh nhân nghèo; tổ chức chương trình đồng hành cùng học sinh, sinh viên trong mùa thi; tổ chức các khóa tu cho phật tử. Ngoài việc tụng kinh, tĩnh tâm giữ gìn sức khỏe, phật tử còn được nghe cán bộ cơ quan chức năng Nhà nước phổ biến chính sách dân tộc, tôn giáo. Qua đó nâng cao được nhận thức của nhân dân, phật tử về giáo lý đạo Phật chân chính.
Còn với ông Dương Văn Sình, Ủy viên Hội đồng Trưởng nhiệm tổng hội thánh Liên Hữu Cơ Đốc Việt Nam, Trưởng nhiệm điểm nhóm Tin Lành Trung Sơn (Đồng Hỷ) cho biết: Tôi làm phó xóm, kiêm công an viên, đồng thời là người có uy tín trong đồng bào các dân tộc thiểu số. Tôi luôn ý thức được trách nhiệm của mình là tích cực tuyên truyền, vận động tín đồ nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật. Nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ, tôi phối hợp chặt chẽ với Ban Công tác Mặt trận để tuyên truyền, vận động hội viên, thành viên, tín đồ thực hiện tốt các quy định của chính quyền địa phương; đồng thời vận động tín đồ tích cực lao động sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng gia đình văn hoá, vận động nhân dân ký cam kết không theo các “tà đạo”, nhất là tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình.
Ông Lê Ngọc Linh cho biết thêm: Các vị chức sắc tôn giáo đã luôn tích cực ủng hộ và phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp trong việc chuyển tải đến tín đồ những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và địa phương. Thông qua đó, các tín đồ tôn giáo được nâng cao hơn nữa về nhận thức, từ đó có hành động đúng đắn trong cuộc sống hằng ngày, tích cực tham gia các phong trào, cuộc vận động, trong đó có phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Điều trân quý hơn nữa là các chức sắc tôn giáo luôn là tấm gương sáng để các tín đồ học tập, noi theo.