Trong dịp diễn ra Đại hội các dân tộc thiểu số tỉnh lần thứ III, năm 2019, đã có nhiều tham luận của cá nhân, đại diện tập thể chia sẻ về kinh nghiệm trong lao động sản xuất, phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng cũng như thực hiện các chính sách dân tộc. Báo Thái Nguyên điện tử trích lược một số tham luận đó.
Nhiều dự án có ý nghĩa thiết thực
Hoàng Đức Vĩ, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ
Trong giai đoạn 2014-2019, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã tổ chức và hỗ trợ thực hiện được nhiều nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh có ý nghĩa thiết thực cho đồng bào dân tộc thiểu số, cụ thể như: Giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa của một số dân tộc thiểu số qua xây dựng mô hình và tổ chức hoạt động nhà văn hóa cộng đồng; bảo tồn văn hóa phi vật thể qua tổ chức mô hình “Ngày hội Văn hóa của dân tộc Sán Dìu trên địa bàn tỉnh”; Giải pháp giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số... Đặc biệt, Thái Nguyên đã đề xuất và được Bộ KH&CN phê duyệt cho triển khai 9 dự án KH&CN. Các dự án tập trung vào các ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới và trực tiếp được triển khai ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh như: Xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm từ cây măng tây; nuôi thâm canh cá rô phi đơn tính, cá diêu hồng; sản xuất rau an toàn; xây dựng mô hình nhân giống chè... Các dự án đều được đánh giá cao và đóng góp rất cụ thể trong việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, nâng cao đời sống cho người dân, đặc biệt là người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tạo nguồn cán bộ là người dân tộc thiểu số
Trần Thị Thanh Huệ, Đại biểu HĐND tỉnh, Bí thư Đoàn Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc
Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc là đơn vị tiêu biểu trong khối trường dân tộc nội trú toàn quốc thực hiện xuất sắc nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, góp phần tạo nguồn nhân lực có trình độ, đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh miền núi phía Bắc. Với bề dày truyền thống 62 năm xây dựng và phát triển, đến nay, Trường đã đào tạo được hơn 40.000 học sinh là con em của 32 dân tộc thiểu số thuộc 21 tỉnh miền núi từ Quảng Bình trở ra, 375 em là học sinh là học sinh giỏi cấp Quốc gia. Hầu hết các thế hệ học sinh của Trường đều thành đạt và tham gia công tác ở khắp mọi miền Tổ quốc, không chỉ đem ánh sáng văn hoá đến những bản làng xa xôi mà nhiều người đã trở thành những cán bộ giỏi đảm đương các vị trí lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương. Bên cạnh đó, Nhà trường luôn giáo dục cho học sinh dân tộc thiểu số ý thức giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc thông qua việc mặc trang phục dân tộc vào sáng thứ Hai hằng tuần và những dịp lễ, Tết; tổ chức các hoạt động tham quan, ngoại khoá, lễ hội truyền thống của các vùng văn hóa và các địa danh lịch sử khác nhau.
Luôn nỗ lực để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân
Đặng Đăng Lý, dân tộc Dao, Anh hùng Lao động, người có uy tín xóm Cao Phong, xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ)
Được nghỉ chế độ nhưng với lòng nhiệt tình và đam mê với nghề thầy thuốc, tôi vẫn tham gia khám, chữa bệnh phục vụ nhân dân trong vùng và tham gia các tổ chức hội của địa phương. Tôi luôn vận động người dân ăn ở vệ sinh, bảo vệ sức khỏe; tuyên truyền bảo vệ trẻ em, nâng cao chất lượng dân số; thường xuyên tư vấn, hướng dẫn nhân dân sử dụng các bài thuốc Nam dân tộc chữa bệnh tại gia đình. Tôi đã góp phần xây dựng mạng lưới y tế cơ sở ngày một vững mạnh. Bên cạnh đó, tôi thường vận động bà con giúp đỡ nhau trong học tập, áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, phát triển kinh tế và hưởng ứng các phong trào thi đua, giữ gìn mối đoàn kết các dân tộc ở địa phương để cùng lao động, sản xuất, xoá đói giảm nghèo… Với những nỗ lực của mình, tôi được người dân trong và ngoài địa phương tin tưởng, được Đảng, chính quyền và ngành Y tế các cấp ghi nhận, được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý. Đó cũng là động lực để tôi tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và tiếp tục sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Cùng bà con phát triển kinh tế tập thể
Hà Quốc Vượng, dân tộc Tày, Chủ nhiệm Hợp tác xã Thịnh Vượng, xã Nghinh Tường (Võ Nhai)
Sau mùa vụ, phần lớn bà con trên địa bàn xã Thịnh Vượng không có việc làm để kiếm thêm thu nhập, sản xuất cây công nghiệp của địa phương chưa có. Tôi đã mạnh dạn đi tham quan và học tập tại một số tỉnh những mô hình trồng cây ăn quả, cây dược liệu kết hợp chăn nuôi và quyết định thành lập Hợp tác xã (HTX) Thịnh Vượng (năm 2013). HTX hoạt động trong các lĩnh vực như: Sản xuất nông - lâm nghiệp, san lấp mặt bằng, sửa chữa các công trình giao thông vừa và nhỏ. Riêng về sản xuất nông - lâm nghiệp, HTX hiện có 3ha cây chè hoa vàng, 10ha chuối tây Thái Lan, bên cạnh đó là mô hình cây dược liệu như đinh lăng, ba kích, cát sâm, hà thủ ô, thảo quả… tạo việc làm cho 30 lao động địa phương, thu nhập thường xuyên từ 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng. HTX đã giúp nhiều hộ nghèo trên địa bàn về vốn, giống cây, kỹ thuật để cùng phát triển sản xuất, phát triển kinh tế. Tôi sẽ cố gắng làm hết khả năng của mình để HTX đi lên, mang lại thu nhập cho các thành viên, tiếp tục vận động các hộ tham gia vào HTX để phát triển kinh tế…
Vận động nhân dân thực hiện phong trào thi đua
Vi Văn Thái, dân tộc Nùng, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận khu dân cư xóm Làng Ngòi, xã Động Đạt (Phú Lương)
Tôi luôn xác định mình cần học hỏi, nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Theo tôi, muốn thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu trong phát triển kinh tế - xã hội ở cơ sở, đặc biệt là tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện phong trào thi đua cần phải làm tốt những nội dung như: Xây dựng mối đoàn kết, thống nhất trong tập thể cán bộ và quần chúng; phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân, công khai, minh bạch trong mọi việc; người cán bộ phải biết hy sinh việc riêng mà chăm lo đến quyền, lợi ích chính đáng của bà con. Khi triển khai các công việc cần có kế hoạch cụ thể, chi tiết, phù hợp thực tế; luôn tiếp thu các ý kiến đóng góp của bà con để phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế của cá nhân, tập thể và rút ra kinh nghiệm để công tác được tốt hơn. Nhờ đó, việc tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia thực hiện các phong trào thi đua ở xóm luôn đạt hiệu quả cao.
Hiệu quả của các chính sách dân tộc đối với đồng bào người Mông
Hoàng Văn Sỉnh, dân tộc Mông, Bí thư Chi bộ xóm Khe Cạn, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ)
Nhiều năm qua, xóm Khe Cạn được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như Chương trình 135, các chính sách hỗ trợ cây con giống, hỗ trợ tiền điện sinh hoạt cho hộ nghèo và các chính sách về Y tế, Giáo dục… Đặc biệt, nhờ hưởng lợi từ Đề án 2037, hỗ trợ đồng bào về ngô giống, phân bón, tập huấn và chuyển giao khoa học kỹ thuật, làm đường bê tông nông thôn… nhân dân xóm Khe Cạn nói riêng và đồng bào dân tộc Mông ở xã Văn Lăng nói chung dần áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào canh tác, từng bước xóa đói giảm nghèo. Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào người Mông, bà con đã từ bỏ dần một số tập quán canh tác lạc hậu và tích cực tham gia tập huấn, áp dụng khoa học vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng từ đó đời sống người dân cũng từng bước được cải thiện hơn.
Thành công nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước
Lương Thị Cảnh, dân tộc Nùng, xóm Làng Thượng, xã Phú Thịnh (Đại Từ)
Qua tập huấn, tham quan các mô hình, gia đình tôi đã chọn cây chè để phát triển kinh tế. Từ nguốn vốn 50 triệu đồng vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, tôi đầu tư xây dựng vườn ươm chè cành vừa phục vụ gia đình và cung cấp cây giống cho bà con quanh vùng. Mỗi năm, gia đình tôi ươm từ 20 đến 50 vạn hom chè, ngoài ra còn trồng cây ăn quả, cây lâm nghiệp và nuôi thủy sản. Hiện nay, tổng thu nhập mỗi năm của gia đình đạt trên 800 triệu đồng, tạo việc làm cho 8 đến 10 lao động ở địa phương với mức thu nhập bình quân khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng. Tôi còn phổ biến tiến độ khoa học kỹ thuật cho người dân tại địa phương, giúp đỡ bà con về vốn và cây, con giống. Tôi hiểu, để có được kết quả như ngày hôm nay, ngoài nỗ lực của bản thân là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể. Tôi thấy cần phải học hỏi nhiều hơn nữa để đóng góp thêm sức lực cho địa phương và xã hội. Sắp tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, tạo thêm việc làm cho lao động tại địa phương.