Chiều 30-10, phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, đồng chí Hoàng Văn Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đã bày tỏ quan điểm đồng tình với Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế xã hội năm 2019, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2020 và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đồng thời tham gia một số nội dung. Báo Thái Nguyên lược ghi bài phát biểu, giới thiệu cùng bạn đọc.
Thứ nhất, qua báo cáo của Kiểm toán nhà nước cho thấy vốn đầu tư công chậm từ khâu giao vốn đến công tác giải ngân. Đến nay còn 27,9 nghìn tỷ đồng chưa được Thủ tướng Chính phủ giao theo kế hoạch đã được Quốc hội quyết định. Mặc dù Chính phủ đã khẳng định tính cấp bách, giải ngân vốn đầu tư công đã là áp lực nội tại của Chính phủ. Dù quyết liệt song tỷ lệ giải ngân chi cho đầu tư phát triển 9 tháng đầu năm 2019 đạt thấp hơn nhiều so với cùng kỳ những năm gần đây. Do đó đề nghị Chính phủ cần phân tích làm rõ nguyên nhân của tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm, phải chăng do thể chế pháp luật về đầu tư công thiếu đồng bộ, hay do sự chồng chéo các quy định của pháp luật.. Tuy các năm trước có phân tích rõ nguyên nhân và đề ra các giải pháp song vì đâu giải ngân vốn đầu tư công vẫn chậm? Có lẽ cần chỉ rõ bộ, ngành, địa phương nào chậm và không đề xuất phân bổ hết kế hoạch vốn đã được Quốc hội quyết định. Đã đến lúc cần rà soát để hủy kế hoạch giao vốn và tiến hành điều chuyển nguồn vốn từ những dự án chậm tiến độ sang dự án cần vốn, địa phương giải ngân chậm chuyển sang những địa phương giải ngân đúng thời hạn, đồng thời cần làm rõ và xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu. Công khai tình hình giải ngân của các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư dự án.
Thứ hai, về hoạt động doanh nghiệp và nguồn thu ngân sách. Qua số liệu thống kê báo cáo có thể thấy tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) hiện nay còn gặp rất nhiều khó khăn cần được Chính phủ phân tích đánh giá cụ thể về các nguyên nhân số lượng các DN ngừng hoặc chờ giải thể và chính sách pháp luật đối với hỗ trợ phát triển doanh nghiệp hiện nay.
Về thu ngân sách, mặc dù năm 2019 thu ngân sách vượt thu 3,3% song cần đánh gia tổng thể về tính bền vững nguồn thu vì qua báo cáo thu hoạt động sản xuất kinh doanh ở 3 khu vực 3 năm liên tiếp gần đây đều không đạt dự toán năm 2019 hụt khoảng 23 nghìn tỷ ở 3 khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân. Như vậy nguồn thu chính ổn định nội tại chưa đạt được như mong muốn, DN nhà nước chưa phát huy được vai trò chủ đạo, trụ cột của nền kinh tế, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn, DN FDI tuy đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội của đất nước song cũng không đạt được như kỳ vọng. Chính phủ cần có các giải pháp dài hạn tạo nguồn thu bền vững .
Thứ ba, về công tác quản lý, sử dụng nguồn thu. Công tác quản lý các nguồn thu chống thất thu; tình trạng nợ thuế không những giảm mà còn tiếp tục tăng so với năm 2918 (Tính đến 30/9/2019 tổng số nợ thuế khoảng 80,8 nghìn tỷ đồng, tăng 5,8% so với năm 2018). Nợ thuế không có khả năng thu hồi 39,3 nghìn tỷ đồng tăng 4,6%. Trong khi đó qua kiển tra của Kiểm toán nhà nước ở 36 địa phương thì có tới 21 địa phương chiếm (58,3%) báo cáo nợ thuế không chính xác với số tiền là 1.297,7 tỷ đồng... Việc phát sinh nợ thuế tiếp tục tăng so với năm trước và chưa thực hiện được nghị quyết của Quốc hội đề ra là trong năm 2019 giảm nợ đọng thuế. Qua đây cho thấy công tác thu, quản lý các nguồn thu, kê khai không đầy đủ còn có nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến công tác điều hành nền kinh tế nhưng chính phủ chưa có giải pháp hữu hiệu về vấn đề này.
Thứ tư, về vấn đề ô nhiễm môi trường. Cử tri còn nhiều băn khoan lo lắng khi tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến hết sức phức tạp cả về quy mô ảnh hưởng, tính chất nghiêm trọng nhưng chậm được khắc phục. Đặc biệt có những vụ việc các cơ quan nhà nước không nhận thức được trách nhiệm thuộc về mình, hoặc nếu xác định được trách nhiệm thì không biết phải xử lý thế nào dẫn đến lúng túng không kịp thời đưa ra được thông tin chính xác, hướng dẫn giải pháp để người dân phòng tránh, khắc phục; do vậy người dân không biết tin và bấu víu vào đâu như vụ việc: Cháy tại công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông, Nước sinh hoạt của người dân Hà Nội bị nhiễm bẩn, mức độ ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn gây nguy hại đến sức khỏe Nhân dân. Đề nghị Chính phủ cần có kế hoạch, lộ trình cụ thể về việc di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường, sử dụng chất nguy hại trong nội thành các thành phố tiềm ẩn nguy cơ gây cháy nổ; các nguồn gây ô nhiễm; quy định rõ về trách nhiệm cơ quan quản lý nhà nước khi xảy ra thảm hoạ môi trường; hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp và người dân nội dung, nhiệm vụ, hành động, công việc thật cụ thể để ứng phó. Đặc biệt trước mắt và lâu dài cần có giải pháp tổng thể để bảo vệ an ninh nguồn nước cung cấp nước sạch cho người dân.
Thứ 5, về ý thức, trách nhiệm thực thi pháp luật chưa nghiêm. Rất nhiều vi phạm các quy định pháp luật tồn tại nhiều năm được nêu nhiều lần, trong các kỳ họp. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ có nhiều văn bản chỉ đạo song vẫn chưa được khắc phục thậm chí tiếp tục gia tăng trong năm 2019 như: Tình trạng hủy hoại rừng, khai thác lâm sản trái phép tăng 7,44%, mua bán, vận chuyển động vật hoang dã tiếp tục tăng 21% so với năm 2018, tình trạng xây dựng trái phép và lợi dụng cấp phép khai thác khoáng sản, nhất là cát, sỏi lòng sông, cửa biển, khai thác ngoài vùng được cấp phép còn diễn ra ở nhiều địa phương. Năm 2019 xuất hiện tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, trì trệ trong giải quyết công việc sau quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm ở không ít cơ quan, đơn vị. Đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu thể hiện tinh nghiêm minh việc chấp hành các kết luận của cơ quan có thẩm quyền...