Trong ngày làm việc thứ 2 (10-12) của Kỳ họp thứ 10 HĐND tỉnh khóa XIII, các đại biểu (ĐB) thảo luận tại tổ để cho ý kiến vào các báo cáo, đề án, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại Kỳ họp. Theo ghi nhận của chúng tôi, không khí thảo luận tại 4 tổ diễn ra khá sôi nổi, dân chủ và thẳng thắn. Trong đó, Báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, mục tiêu, nhiệm vụ năm 2020 được các đại biểu dành nhiều thời gian thảo luận hơn cả.
Về lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội
Về cơ bản, các ĐB thống nhất cao với các số liệu được nêu trong báo cáo của UBND tỉnh và bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của tỉnh đối với việc thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2019. Đồng thời, khẳng định đây là nền tảng quan trọng thúc đẩy sự phát triển của tỉnh trong năm 2020, qua đó góp phần để tỉnh hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều ý kiến cũng thẳng thắn chỉ ra và đề nghị làm rõ những tồn tại, hạn chế trên nhiều lĩnh vực, đồng thời đề xuất một số giải pháp để tạo điều kiện cho các ngành, địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2020 mang lại hiệu quả cao.
Đóng góp ý kiến cụ thể, ĐB Lê Văn Tâm (Tổ T.X Phổ Yên) cho rằng: Nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 đề ra còn thấp, trong đó có chỉ tiêu thấp hơn nhiều so với kết quả mà tỉnh đạt được trong năm 2019. Do đó, đề nghị UBND tỉnh đánh giá, xem xét lại các chỉ tiêu cho hợp lý và phù hợp với chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 5 năm (2016-2020) hĐND tỉnh đề ra. Còn theo ĐB Hoàng Văn Quý (Tổ Võ nhai): Một số chương trình, đề án, chính sách triển khai ở vùng dân tộc thiểu số nhiều năm nay thường chậm tiến độ, một số dự án đến cuối năm mới được giải ngân, làm ảnh hưởng đến hiệu quả thực hiện, cũng như kết quả giảm nghèo của nhiều địa phương.
Bên cạnh đó, một số ĐB nêu ý kiến: Theo dự kiến, dự toán thu ngân sách của tỉnh năm 2020 so với ước thực hiện năm 2019 chỉ tăng 3,7%. Đề nghị UBND tỉnh phân tích, làm rõ cơ sở tính toán mức tăng này? Đối với nội dung xây dựng nông thôn mới, BĐ Trần Văn Khương(Tổ T.P Thái nguyên) băn khoăn: Việc thực hiện hỗ trợ cho các xã xây dựng NTM theo Nghị quyết số 47/2016/NQ-HĐND của hĐND tỉnh có còn phù hợp trong giai đoạn hiện nay? Vì những xã về đích sau đều là những xã khó khăn, nhất là trong việc hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng đường giao thông… Cùng với đó, đề nghị tỉnh có ý kiến đề xuất với ngành Ngân hàng xem xét, có chính sách khoanh nợ, giãn nợ cho các hộ chăn nuôi gặp khó khăn do dịch tả lợn châu Phi.
Về vấn đề giải quyết kiến nghị của cử tri
Nhiều ĐB nêu: Một số ý kiến, kiến nghị của cử tri kéo dài qua nhiều năm, thậm chí là từ nhiệm kỳ trước nhưng đến nay chưa được giải quyết, gây bức xúc trong nhân dân, trong đó chủ yếu là liên quan đến các dự án đầu tư ngoài ngân sách, như: Dự án Cải tạo, nâng cấp tuyến đường Phố hương - Lưu Nhân Chú; Dự án chợ Dốc Hanh; Dự án chợ Túc Duyên... Đề nghị UBND tỉnh làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan liên quan và xác định cụ thể lộ trình giải quyết để trả lời trước nhân dân.
Cùng chung quan điểm này, ĐB Hoàng Văn Quý (Tổ Võ nhai) cũng đã chỉ ra một số kiến nghị mà cử tri quan tâm liên quan đến việc xây dựng đường giao thông nông thôn, công trình thủy lợi, ô nhiễm môi trường, sụt lún do khai thác khoáng sản… đã được phản ánh nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để. Còn theo ĐB nguyễn Văn Cường và ĐB Lê Thanh Tuyết (Tổ T.X Phổ Yên), nhiều nhà đầu tư vẫn tiếp tục kiến nghị tỉnh sớm có giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện dự án đầu tư khu đô thị, khu dân cư…
Về một số lĩnh vực khác
Đối với các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết khác, nhiều ĐB cũng đã dành sự quan tâm với tinh thần trách nhiệm cao. Đáng chú ý là Tờ trình, dự thảo Nghị quyết về quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế 5 sao hồ Núi Cốc - giai đoạn 1. ĐB Nguyễn Như Tuấn (Tổ Phú Bình) cho rằng: Đây là dự án lớn, có liên quan đến nhiều dự án khác, cũng như có nhiều vấn đề cần quan tâm, như: Môi trường, nông nghiệp nông thôn, an ninh trật tự… Do vậy, tỉnh cần cân nhắc kỹ lưỡng đối với Dự án này, đảm bảo thực hiện đúng các yêu cầu của pháp luật, chú trọng đến chất lượng của Dự án, tránh để xảy ra tình trạng làm chưa tốt như một số Dự án đã triển khai ở khu vực hồ Núi Cốc. Đồng thời, cần phải có tham vấn của các chuyên gia về quy hoạch. Còn theo một số ĐB khác: Nội dung đánh giá tác động môi trường trong Tờ trình của UBND tỉnh còn sơ sài, chưa nêu rõ những biện pháp bảo vệ môi trường trước, trong và sau khi triển khai thực hiện Dự án. Đề nghị cơ quan thẩm định cần quan tâm, đánh giá kỹ nội dung này vì Dự án được thực hiện trên khu vực nguồn nước đầu nguồn, cung cấp nước sạch cho nhiều địa phương trong tỉnh.
Đối với Tờ trình, dự thảo Nghị quyết về việc quy định số lượng, chức danh và mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và ở xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, ĐB Nguyễn Thị Loan (Tổ Đại Từ) viện dẫn: Theo Quy định số 30-QĐ/TW ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương về thi hành Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng thì chức danh chủ nhiệm ủy ban kiểm tra phải là phó bí thư hoặc ủy viên ban thường vụ, thường trực đảng ủy đảm nhiệm. Đề nghị UBND tỉnh làm rõ cơ sở nghiên cứu việc bổ sung chức danh chủ nhiệm ủy ban kiểm tra đảng ủy. Còn theo ĐB Ngô Quảng Bá (Tổ T.P Sông Công) và một số ĐB cho rằng, cần tăng mức phụ cấp đối với các chức danh kiêm nhiệm của xóm/tổ dân phố lên 0,5 lần mức lương cơ sở, thay vì mức 0,3 theo dự thảo.
Đối với lĩnh vực giáo dục - đào tạo, trước thực trạng hoạt động kém hiệu quả của hầu hết các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh, ĐB Hà Thị Hường (Tổ Phú Lương) và một số ĐB đề nghị: UBND tỉnh cần rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các trung tâm dạy nghề, để sắp xếp, tinh giản bộ máy. Qua đó vừa giúp giảm chi cho ngân sách Nhà nước trong việc trả lương cho giáo viên, vừa phát huy được cơ sở vật chất và chất xám của đội ngũ giáo viên có năng lực, đặc biệt là giáo viên dạy thực hành. Đối với tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số được học tại trường nội trú, trong khi theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, đến năm 2020, tỷ lệ này là 8%, nhưng đến nay mới đạt 6,34%. Một số ĐB đặt câu hỏi: Vậy giải pháp nào để hoàn thành chỉ tiêu này? Còn theo ĐB Phạm Văn Thọ (Tổ T.X Phổ Yên): Đề nghị UBND tỉnh xem xét, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm đối với các trường dân tộc nội trú. Xem xét lại quy hoạch các điểm trường, tập trung đầu tư vào những nơi thực sự cần thiết, dành nguồn lực đầu tư cho các điểm trường chính.
Ngoài ra, theo một số ĐB, tỉnh cũng cần quan tâm chỉ đạo ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường công quản lý đối với các thiết chế văn hóa, nhất là tại các di tích lịch sử, văn hóa. Cùng với đó là quan tâm bố trí kinh phí để xây dựng các thiết chế văn hóa thể thao của tỉnh để đủ điều kiện tổ chức các giải đấu lớn.