Thắm tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào

15:57, 13/03/2020

Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Thái Nguyên đã được đón biết bao thế hệ cán bộ, lãnh tụ cách mạng Lào, như: Chủ tịch Xuphanuvông, Tổng Bí thư Cayxỏn PhômviHản... Cũng tại đây, các nhà lãnh đạo cách mạng hai nước, sát cánh bên nhau quyết định đường lối chống thực dân, đế quốc xâm lược, giải phóng hai dân tộc. Phát huy tình hữu nghị đoàn kết gắn bó keo sơn giữa hai quốc gia, hai dân tộc anh em, Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Thái Nguyên tiếp tục là nhịp cầu nối vun đắp tình đoàn kết hữu nghị truyền thống quý báu đó. 

Tình sâu hơn nước Hồng Hà Cửu Long

Là hai nước láng giềng, Việt Nam và Lào cùng dựa lưng vào dãy Trường Sơn, cùng chung dòng nước sông Mê Kông, có đường biên giới trên 2.000km, kéo dài từ Bắc tới Nam. Từ lâu đời, nhân dân hai nước sát cánh bên nhau, đồng cam, cộng khổ, sống chết có nhau, chiến đấu chống kẻ thù chung. Từ khi có Đảng Cộng sản Đông Dương do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo, mối quan hệ hữu nghị truyền thống Việt - Lào được nâng lên tầm cao mới, trở thành mối quan hệ đặc biệt, là tài sản vô giá, đang được các thế hệ lãnh đạo cùng nhân dân hai nước trân trọng, giữ gìn và phát triển không ngừng.

Năm 1975, dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, quân và dân các bộ tộc Lào cùng với các lực lượng quân tình nguyện Việt Nam sát cánh chung chiến hào đánh thắng kẻ thù xâm lược, kết thúc chế độ phong kiến hàng ngàn năm, lập nên Nhà nước Cộng hòa dân chủ Nhân dân Lào. Năm 1975 cũng là năm miền Nam Việt Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc Việt Nam thống nhất, Nhân dân hai nước Việt - Lào sát cánh bên nhau xây dựng chủ nghĩa xã hội. 

Gần 30 năm qua, Việt Nam và Lào cùng tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế. Nhân nhân hai nước phát huy truyền thống đoàn kết, dũng cảm, vượt qua nhiều thách thức, dành được những thành tựu quan trọng. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Thái Nguyên được Bác Hồ và Trung ương Đảng chọn làm trung tâm của căn cứ địa Việt Bắc, Thủ đô kháng chiến. Tại đây Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đón tiếp và làm việc với các nhà Lãnh đạo Cách mạng Lào như Chủ tịch Cayxỏn- Phômvihản, Chủ tịch Xu pha nu vông, hoạch định đường lối giải phóng đất nước Lào. 

Phát huy truyền thống hữu nghị, đoàn kết đặc biệt đó, Đảng bộ và Nhân dân Thái Nguyên luôn sát cánh cùng Nhân dân Lào anh em trong cách mạng giải phóng dân tộc của hai nước. Tỉnh Thái Nguyên đã có trên 7.000 lượt bộ đội, thanh niên xung phong, chuyên gia các ngành sang chiến đấu, công tác trên đất nước Lào anh em, không quản gian khổ, hy sinh, góp phần cùng quân và dân Lào giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Từ khi hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ, cả nước thống nhất đi lên chủ nghĩa xã hội, vào những năm 1950 của thế kỷ trước, nhiều lưu học sinh của nước bạn Lào đến Thái Nguyên học tập, được Nhân dân Thái Nguyên đùm bọc, giúp đỡ. Nhiều người đã trưởng thành, giữ các cương vị lãnh đạo ở Trung ương và các địa phương của nước bạn. Trong những năm gần đây thực hiện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, Thái Nguyên tiếp tục trở thành điểm đến học tập, nghiên cứu và hợp tác của học sinh, sinh viên và các doanh nghiệp của Lào. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có trên 2.000 lưu học sinh, sinh viên Lào, học tập tại các trường đại học, cao đẳng và trường văn hoá thuộc Bộ Công an. Theo yêu cầu đào tạo nhân lực của nước bạn Lào và sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước ta, Thái Nguyên được xác định là một trung tâm quốc gia, đào tạo nhân lực đa ngành cho Lào. Đây vừa là trách nhiệm, vinh dự đối với Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên. Cho đến hôm nay, phát huy mối quan hệ truyền thống tốt đẹp, sự gắn bó thuỷ chung giữa Đảng, Nhà nước và nhân hai nước, tỉnh Thái Nguyên đang tiếp tục xây dựng mối quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với một số địa phương của Lào. Mối quan hệ này, đã và đang đi vào chiều sâu, phát triển khá toàn diện trên nhiều mặt: Kinh tế, văn hoá, khoa học - kỹ thuật, giáo dục, đào tạo… Xuất phát từ tinh thần đó, ngày 15/3/2009, Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh được thành lập để đáp ứng nguyện vọng, lòng mong mỏi của đông đảo cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trong tỉnh. Đây thực sự là cầu nối gắn kết tình hữu nghị và vun đắp hoạt động ngoại giao Nhân dân giữa hai nước ngày càng bền chặt. 

Nhịp cầu hữu nghị đoàn kết, gắn bó keo sơn

Phát huy truyền thống quan hệ ngoại giao giữa hai nước, những năm gần đây, tỉnh Thái Nguyên đã thiết lập quan hệ ngoại giao với các địa phương của nước Lào, đồng thời tỉnh đã dành nhiều nguồn lực hỗ trợ việc đào tạo con em các dân tộc Lào học tập, nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Đạt được kết quả về hoạt động ngoại giao nhà nước, ngoại giao Nhân dân trên nhiều lĩnh vực đó có phần đóng góp không nhỏ của Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào trên địa bàn toàn tỉnh. Đến nay, Thái Nguyên đã thiết lập mối quan hệ hợp tác với nhiều địa phương của Lào, như: Tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Phông Sa Lỳ, thành phố Viêng Chăn. Từ năm 2010 trở lại đây, mỗi năm, tỉnh Thái Nguyên tiếp nhận hàng nghìn lưu học sinh, sinh viên Lào sang học tập tại các trường đại học, cao đẳng và bậc THPT. 

Tiếp nối truyền thống hữu nghị giữa hai quốc gia, dân tộc, hoạt động của Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào tỉnh Thái Nguyên ngày càng sinh động, là sự kết nối chặt chẽ giữa đối ngoại Nhà nước, ngoại giao Nhân dân, góp phần làm sinh động thêm mối quan hệ gắn bó keo sơn. Là tổ chức xã hội, kể từ khi thành lập đến nay, Hội đã có nhiều hoạt động phong phú và thu hút ngày càng đông hội viên tham gia. Năm 2009, Hội mới chỉ có gần 1.000 hội viên, đến nay đã có gần 13,5 vạn hội viên, trong đó có 5 đơn vị hội cấp huyện. Hội đã bám sát các chủ trương của Đảng về đối ngoại Nhân dân, thông qua đó, các hoạt động tri ân, xúc tiến đầu tư, kết nối kinh tế, văn hóa, giáo dục ngày càng sinh động. Hàng năm, Hội đã vận động được hàng trăm suất quà hỗ trợ khuyến học cho các lưu học sinh Lào đang theo học tại Thái Nguyên. Đồng thời là cầu nối trong các hành trình trở lại chiến trường xưa của các cựu quân tình nguyện, chuyên gia từng chiến đấu, làm việc tại Lào và cũng là kênh thông tin quan trọng trong hoạt động tìm kiếm hài cốt liệt sĩ trong những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.