1. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, COVID-19 chính là loại bệnh viêm đường hô hấp cấp tính ở người, do một chủng vi rút mới (SARS-CoV-2) gây ra và có nguồn gốc từ động vật.
Phương thức lây truyền của loại bệnh dịch này chủ yếu là thông qua tiếp xúc giữa người với người, dịch hô hấp khi thở, ho, hắt hơi bắn ra trực tiếp hoặc thông qua vật chủ lây truyền. Diễn biến của loại dịch bệnh có tốc độ lây lan nhanh, phạm vi rộng đã mang tính toàn cầu, nay đã trở thành Đại dịch, lại chưa có vắc-xin phòng và chưa có thuốc đặc trị, cả thế giới đang phải đối mặt hàng ngày và chung tay phòng, chống, nhưng dấu hiệu thuyên giảm là chưa rõ nét, dấu hiệu tiềm ẩn lây lan bùng phát lại chứa đựng nhiều điều đáng nói; hậu quả tác hại về người và của được nhân loại đánh giá là chưa từng có kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 cho đến nay do đại dịch COVID-19 gây ra. Bệnh nhân đầu tiên trên thế giới bị mắc phải căn bệnh này được ghi nhận vào ngày 17/11/2019 ở thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc và tính đến nay (22/4/2020) đã lây lan tới trên 211 quốc gia, vùng lãnh thổ và đã có trên 2,5 triệu người mắc và hơn 177 nghìn người đã tử vong, Châu Âu và Mỹ đang là tâm điểm của Đại dịch. Ở tại Việt Nam, vào ngày 23/01/2020 đã phát hiện có 02 bệnh nhân đầu tiên được ghi nhận là dương tính về loại vi rút này đều có nguồn gốc từ thành phố Vũ Hán tới và tính đến nay (22/4/2020) đã lây lan tới 29/63 tỉnh, thành trong toàn quốc, với 268 người mắc, 223 người bệnh đã phục hồi, chưa có trường hợp nào bị tử vong.
2. Tỉnh Thái Nguyên là một trong những địa phương có khá thuận lợi về các tuyến giao thông đường bộ (Quốc lộ 3, Quốc lộ 37, Quốc lộ 1B, cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Thái Nguyên - Chợ Mới…), đường sắt (Hà Nội-Thái Nguyên, Lưu Xá - Kép), đường thủy (Sông Cầu, Sông Công, Cảng Đa Phúc), đường không (Sân bay Quốc tế Nội Bài cách chừng 60 km) và nhiều tuyến đường liên tỉnh, liên khu, liên vùng; có Quân khu 1 và 25 đơn vị Quân đội đứng chân trên địa bàn, có Đại học Thái nguyên là một trong ba trung tâm đào tạo lớn nhất của quốc gia (sau Thủ đô Hà Nội và T.P Hồ Chí Minh) vào thời gian cao điểm có tới 140 nghìn học sinh, sinh viên; tỉnh có 06 Khu công nghiệp, 32 Cụm công nghiệp, gần 7.000 doanh nghiệp, trong đó có 150 doanh nghiệp FDI, có thời gian cao điểm lên tới trên 250 nghìn người lao động, Công ty Sam Sung, Núi Pháo là một chứng minh; tỉnh còn có hơn 600 điểm du lịch khác nhau, trong đó có 128 điểm du lịch về sinh thái, lịch sử và tâm linh, Hồ Núi Cốc, ATK Định Hóa, Khu di tích lịch sử 60 liệt sĩ TNXP 915... cũng là một trong những điểm đến thu hút nhiều du khách thập phương trong và ngoài nước. Ngoài ra, Thái Nguyên hàng năm còn có chừng khoảng trên 5.000 lao động trong lúc nông nhàn thường đi làm ăn qua lại biên giới Việt - Trung theo đường tiểu ngạch.
Lực lượng chức năng đo thân nhiệt đối với người qua chốt kiểm tra phòng, chống dịch COVID-19 tại nút giao Yên Bình, xã Tân Hương (T.X Phổ Yên). Ảnh: Hoàng Cường.
Những đặc điểm riêng có đó của tỉnh Thái Nguyên như đã nêu trên, đây cũng là những tiềm ẩn về dịch bệnh có thể bị lây lan và nguy cơ bùng phát nếu không chủ động phòng tránh tích cực và hiệu quả. Nhưng dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Trung ương, Chính phủ và của các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền, các cơ quan đơn vị, địa phương, cả hệ thống chính trị, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đã thống nhất về nhận thức và xác định công tác phòng, chống Đại dịch COVID-19 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hàng đầu phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, kịp thời quán triệt triển khai, thể chế hơn 260 văn bản chỉ đạo, chương trình kế hoạch hành động, với những chủ trương đúng, quyết tâm chính trị cao, lãnh đạo, chỉ đạo nhất thiết phải đi đôi với kiểm tra đôn đốc, khen thưởng, kỷ luật rõ ràng, kịp thời và phân minh; mạnh dạn đầu tư về nguồn lực các loại phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh một cách đủ mạnh, mang tính chủ động và sẵn sàng, chấp nhận sự thua thiệt thấp nhất do tác động ảnh hưởng của dịch bệnh gây ra, kiên quyết không để tình trạng bị động, bất ngờ và chủ động ứng phó, tích cực phòng tránh, xử lý kịp thời trong mọi tình huống có thể xảy ra. Kết quả ban đầu cho thấy:
Công tác tuyên truyền, truyền thông đã được thường xuyên coi trọng, nội dung dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng, ứng dụng, thực hiện; thông tin được cập nhật nhanh chóng và kịp thời, xử lý triệt để các thông tin trái chiều, không đúng gây tư tưởng dao động trong quần chúng nhân dân; chủ động chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư y tế, cơ số thuốc đáp ứng trong mọi tình huống; thực hiện nghiêm công tác cách ly y tế, giãn cách xã hội, giảm tối đa các hoạt động đông người nhằm giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh; thành lập đội phản ứng nhanh cấp tỉnh và 28 đội phản ứng nhanh ở các bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện; thiết lập gần 2.600 tổ công tác tự quản ở các thôn, xóm, bản, thực hiện có hiệu quả phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để phòng dịch; tiến hành tổng vệ sinh, phun tiêu độc khử trùng ở trên 3.000 điểm tập trung đông người; thành lập 28 chốt kiểm tra liên ngành để thực hiện kiểm tra y tế tại các cửa ngõ, tuyến đường từ các tỉnh, thành đi tới; tăng cường hoạt động giám sát, xử lý hành chính trên 331 trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch với số tiền phạt hơn 479 triệu đồng. Tỉnh dự kiến dành trên 440 tỷ đồng (trong đó có trên 185 tỷ đồng dành cho thiết lập bệnh viện dã chiến) phục vụ công tác phòng, chống dịch; đã bố trí trên 112 tỷ đồng đầu tư máy móc, thiết bị, vật tư y tế cấp thiết. Các giai tầng xã hội trong tỉnh cũng đã hưởng ứng cuộc vận động “chung tay ủng hộ phòng, chống Đại dịch” ủng hộ tiền, hiện vật trị giá trên 31,4 tỷ đồng, trong đó có cả tấm lòng của những người thương binh, cựu chiến binh, người cao tuổi, người nghèo, người cận nghèo, người không nơi nương tựa. Do làm tốt công tác phòng chống dịch như đã nêu trên, tại tỉnh Thái Nguyên cho đến ngày 29/3/2020, thông qua công tác rà soát, kiểm danh, kiểm diện đối với các trường hợp nghi vấn có nguy cơ lây nhiễm dịch và đã phát hiện có 01 ca dương tính với SARS-CoV-2 (bệnh nhân 178, có nguồn gốc lây nhiễm từ Bệnh viện Bệnh Bạch Mai) hiện đã chủ động kịp thời khoanh vùng dập dịch, người bệnh và những người có liên quan đều được tách ly, điều trị theo quy trình, quy định và xét nghiệm qua các lần đều âm tính.
3. Tác động ảnh hưởng ban đầu về mọi mặt của các quốc gia trên thế giới do Đại dịch gây ra là điều khó tưởng, nhất là có ảnh hưởng lớn đến mọi hoạt động của đời sống kinh tế, chính trị xã hội và quan hệ quốc tế của các nước. Xác định lần đầu tiên sau thế chiến thứ hai, thế giới phải đối mặt đồng thời 3 cuộc khủng hoảng: Khủng hoảng về y tế, khủng hoảng về kinh tế và khủng hoảng về xã hội. Dịch COVID-19 đã và đang gây ra những tổn hại và đe dọa tổn hại vô cùng to lớn về sức khỏe của con người và tính mạng của toàn nhân loại, gây ra gián đoạn và làm đảo lộn hầu hết các hoạt động bình thường của mỗi quốc gia, làm tác động sâu sắc và toàn diện đến các mối quan hệ giữa con người với con người. Về kinh tế, hậu quả tiềm tàng mà dịch bệnh gây ra có thể tương đương hoặc lớn hơn các cuộc khủng hoảng trước đây. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, tăng trưởng của các nền kinh tế lớn trong năm 2020 sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều khả năng Mỹ tăng trưởng GDP âm, giảm khoảng 2%; Trung Quốc giảm từ 6% xuống còn 4-4,5%; khu vực EU giảm khoảng 2,2%; Nhật Bản đứng trước nguy cơ tăng trưởng âm trong hai quý liên tiếp. Ở Việt Nam, loại dịch này tuy đã được kiểm soát có khá hơn so với nhiều nước trên thế giới, dự báo hiệu quả và có thể kết thúc được dịch sớm hơn các nước, song các tác động và ảnh hưởng của nó vẫn tiếp tục kéo dài đối với mọi mặt kinh tế - xã hội khi dịch bệnh chung trên toàn thế giới chưa được chủ động kiểm soát và kết thúc. Tốc độ tăng trưởng GDP cả nước trong quý I/2020 chỉ tăng 3,82%, thấp nhất kể từ năm 2011 tới nay. Dự báo cả năm 2020, tăng trưởng sẽ thấp hơn mục tiêu 6,8% theo kế hoạch đề ra. Nếu diễn biến tình hình của dịch bệnh còn có thể kéo dài, lan rộng hoặc bùng phát ở nhiều nơi, thì thị trường xuất, nhập khẩu sản phẩm chủ yếu của nước ta cùng lúc phải đối mặt với hai khó khăn về nguyên liệu đầu vào cho sản xuất và đầu ra cho hàng hóa. Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, dệt may, da giày… sẽ gặp nhiều trở ngại. Các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, vận tải, lao động, việc làm cũng được dự báo sẽ bị sụt giảm đáng kể tới mức có thể hụt hẫng.
Các chiến sĩ Tiểu đoàn Phòng hóa, Bộ Tham Mưu (Quân khu 1) phun hóa chất khử trùng khuôn viên Bệnh viện A Thái Nguyên. Ảnh: P.V.
Tỉnh Thái Nguyên mặc dù không phải là tâm dịch, nhưng cũng phải chịu tác động chung giống như cả nước và giống như các lĩnh vực trên thế giới. Tuy nhiên, tình hình kinh tế - xã hội ở Việt Nam nói chung và ở tỉnh Thái Nguyên nói riêng, các hoạt động chưa đến mức phải ngưng trệ, nhưng bước đầu đã làm gián đoạn các hoạt động cung ứng, lưu chuyển thương mại; sản xuất, kinh doanh, dịch vụ du lịch, vận tải hàng hóa, hành khách có biểu hiện sụt giảm rõ rệt; không ít doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh cá thể phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất; thực trạng lao động thất nghiệp hoặc mất việc trong thời gian ngắn đã xuất hiện; lĩnh vực giáo dục, y tế, an ninh trật tự, an sinh xã hội… cũng chịu tác động không kém; các ngành kinh tế của tỉnh, trong đó đứng đầu là công nghiệp đang gặp không ít khó khăn. Do nhiều doanh nghiệp thiếu nguyên liệu, phụ kiện, phụ trợ phục vụ sản xuất, thị trường tiêu thụ bị thu hẹp nên khiến các doanh nghiệp đứng trước hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan. 3 tháng đầu năm 2020, Thái Nguyên ghi nhận 385 doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động và bỏ địa chỉ kinh doanh (gấp gần 2 lần số doanh nghiệp thành lập mới và tăng 27% so với cùng kỳ năm trước). Khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài - FDI (đóng góp chủ yếu vào giá trị sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, giải quyết lao động …của tỉnh) cũng đang gặp nhiều khó khăn trở ngại. Điển hình là Công ty Samsung tại Thái Nguyên (doanh nghiệp đứng đầu khối FDI của tỉnh) quý I vừa qua đã giảm tới 16,9% sản phẩm điện thoại thông minh, 19,7% sản phẩm máy tính bảng, tương đương với giảm giá trị xuất khẩu khoảng 34-35% so với cùng kỳ năm trước. Từ những tác động trên khiến quý I/2020, một số chỉ tiêu của tỉnh, như: giá trị sản xuất công nghiệp giảm 3,7%, giá trị xuất khẩu giảm 16%, giá trị nhập khẩu giảm 8,3%. Thị trường một số mặt hàng nông sản như chè, nấm, gia cầm… của tỉnh bị thu hẹp, tiêu thụ chậm. Một số cơ sở chế biến nông, lâm sản phải cắt giảm công suất hoạt động. Các loại giống, vật tư, phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng cao đẩy giá thành sản phẩm tăng theo, khiến hàng hóa khó tiêu thụ. Cùng với đó, các lĩnh vực du lịch, vận tải và các ngành dịch vụ, thương mại khác đều giảm so với cùng kỳ. Lượng khách du lịch đến Thái Nguyên đầu năm 2020 chỉ bằng 30% so với cùng kỳ năm 2019. Toàn tỉnh có 32 doanh nghiệp lữ hành, 479 cơ sở lưu trú hầu hết phải hủy các tua du lịch đã ký hợp đồng. Doanh thu của các trung tâm thương mại giảm mạnh, dịch vụ lưu trú, ăn uống, tổ chức sự kiện giảm 70-80%. Lượng hàng hóa tiêu thụ tại các siêu thị giảm 15-20%, tiêu thụ tại các chợ giảm 30-50% so với cùng kỳ.
Dự báo, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài sang quý III hoặc quý IV năm nay thì khả năng sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh chỉ tăng khoảng 3-4%, dịch vụ tăng khoảng 6%. Như vậy, tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh khả năng chỉ đạt khoảng 3,5-4%, thấp hơn mục tiêu 7,3% theo kế hoạch đã đề ra. Hiện tại, Thái Nguyên có gần 7.000 doanh nghiệp, 16.000 hộ kinh doanh cá thể. Tác động của dịch COVID-19 đã khiến các thành phần kinh tế gặp khó khăn, kéo theo hoạt động thu hút đầu tư, triển khai các công trình, dự án, nhất là công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn bị giãn tiến độ. Do đó, tình hình thu ngân sách của tỉnh năm nay dự báo sẽ có chiều hướng giảm, khả năng chỉ đạt 88% dự toán, bằng 78% so với cùng kỳ và giảm khoảng 1.300 tỷ đồng so với dự toán Trung ương giao, giảm 2.300 tỷ đồng so với dự toán tỉnh giao. Đối với các ngành, lĩnh vực xã hội, do có không ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất bị tạm dừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô dẫn đến một bộ phận người lao động buộc phải ngừng việc, dừng hợp đồng lao động, không hưởng lương hoặc thất nghiệp. Ngoài ra, còn có 14.355 hộ nghèo, 21.295 hộ cận nghèo, 20.779 người có công với cách mạng và 33.921 đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hàng tháng bị ảnh hưởng rõ rệt bởi dịch COVID-19 gây ra. Hoạt động giáo dục - đạo tạo cũng chịu tác động chung. Trên địa bàn tỉnh có 750 cơ sở giáo dục, đào tạo (từ mầm non đến đại học) với gần 30.000 giáo viên, người lao động và khoảng 400.000 học sinh, sinh viên phải tạm nghỉ học để phòng, chống dịch. Chất lượng dạy và học sẽ bị giảm dần, so với mục tiêu là khó hoàn thành. Đội ngũ giáo viên, người lao động gặp khó khăn do nghỉ việc, nhất là hệ thống giáo dục ngoài công lập.
Tiếp nhận công dân Việt Nam từ nước ngoài trở về tại khu cách ly tập trung ở Trung đoàn 832 (ảnh tư liệu).
4. Trong thời gian tới, dự báo tình hình dịch bệnh trên thế giới và ở Việt Nam vẫn còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn khó lường. Để tiếp tục chủ động kiểm soát và ứng phó phòng, chống có hiệu quả với Đại dịch trên, Thái Nguyên tập trung vào một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Một là, thống nhất về nhận thức, chỉ đạo nhất quán, hành động quyết liệt, hiệu quả nhằm hưởng ứng lời kêu gọi “toàn thể dân tộc Việt Nam ta hãy chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch COVID-19” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và quan điểm “tất cả vì sức khỏe của người dân”,“chống dịch như chống giặc”,“mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh”; thực hiện “mục tiêu kép” của Thủ tướng Chính phủ. Làm tốt công tác giáo dục tư tưởng, tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, thử thách. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đảm bảo thực hiện tốt ba nhiệm vụ trọng tâm: Vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội và chuẩn bị tốt các điều kiện tổ chức đại hội đảng bộ các cấp. Đây là ba nhiệm vụ trọng tâm hiện nay, không được xem nhẹ nhiệm vụ nào. Chủ động triển khai các giải pháp kinh tế - xã hội mang tính “bắc cầu” giữa thời điểm có dịch và hết dịch. Yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện nghiêm các nhiệm vụ trên, không lơ là, chủ quan làm ảnh hưởng đến mục tiêu chung của tỉnh.
Hai là, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, trực tiếp là người đứng đầu tiếp tục thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các văn bản liên quan về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Xác định công tác phòng, chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hàng đầu, phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Tiếp tục chuẩn bị sẵn sàng cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, cơ số thuốc, vật tư, hóa chất cho công tác phòng, chống dịch và điều trị bệnh nhân trong mọi tình huống. Không vì mục tiêu kinh tế làm ảnh hưởng đến mục tiêu phòng, chống dịch bệnh. Thường xuyên cập nhật thông tin và xây dựng các biện pháp phòng, chống theo diễn biến của dịch bệnh; thực hiện nghiêm ngặt việc sàng lọc, phân luồng đối tượng, xét nghiệm, cách ly theo quy định, phòng chống lây nhiễm chéo; chuẩn bị tốt phương án đáp ứng y tế với từng cấp độ của dịch bệnh; tăng cường phối hợp quân dân y trong công tác phòng, chống dịch.
Ba là, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư toàn xã hội, đặc biệt là đầu tư công. Tập trung rà soát tình hình thực hiện dự án, xác định các khó khăn, vướng mắc của từng dự án để kịp thời giải quyết, tháo gỡ. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung, xây dựng các chính sách mới, phù hợp để thu hút đầu tư. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao đạo đức công vụ trong thực thi nhiệm vụ được giao. Thực hiện nhiệm vụ chi ngân sách phù hợp, giảm chi các chương trình, dự án chưa cấp thiết, ưu tiên để bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch; giãn tiến độ, điều chuyển vốn các dự án chậm triển khai hoặc chưa thực hiện để bổ sung cho các dự án cấp bách, các dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2020, sớm phát huy hiệu quả đầu tư.
Bốn là, triển khai các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của các thành phần kinh tế do ảnh hưởng của dịch bệnh trên nguyên tắc “nhanh, kịp thời, đúng đối tượng, hiệu quả”. Trong đó, thực hiện tốt việc gia hạn, giãn, hoãn các khoản phải nộp của doanh nghiệp về thuế, tiền thuê đất; giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, miễn giảm phí, lệ phí, thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi... dành cho doanh nghiệp. Triển khai nghiêm các giải pháp đảm bảo sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, hạn chế tối đa tác động tiêu cực bởi thời tiết, dịch bệnh và các chính sách hỗ trợ lãi suất, giãn, hoãn nợ, mở rộng quy mô vay vốn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Tăng cường quản lý Nhà nước về thị trường, đảm bảo nguồn cung hàng hóa, bình ổn giá và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đổi mới hoạt động giao dịch thương mại, theo hướng trực tuyến, điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt; đa dạng hóa các hình thức liên kết, tiêu thụ sản phẩm.
Năm là, Thực hiện các biện pháp đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 10/4/2020 của Chính phủ. Tập trung hỗ trợ đối tượng bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm, gặp khó khăn không đảm bảo mức sống tối thiểu, chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Thống nhất quan điểm Nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc đảm bảo cuộc sống cho người lao động. Việc hỗ trợ đảm bảo đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách. Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm phù hợp; hỗ trợ doanh nghiệp tìm nguồn lao động thay thế trong trường hợp thiếu hụt nguồn lao động và chuyên gia sau dịch bệnh. Xây dựng kế hoạch khôi phục hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, củng cố thiết chế văn hóa, thể thao cấp tỉnh và các địa phương, sẵn sàng tổ chức các hoạt động sau khi dịch bệnh qua đi. Đảm bảo kế hoạch giáo dục, đào tạo theo khung chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo trên tinh thần “tạm dừng đến trường nhưng không dừng học”. Chủ động đấu tranh, ngăn chặn âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng tình hình dịch COVID-19, kịp thời triển khai các biện pháp xử lý các hành vi vi phạm, bảo đảm giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Sáu là, các cấp ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị tốt nội dung đại hội đảng bộ các cấp theo tinh thần Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30/5/2019 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 146-KH/TU, ngày 21/6/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025, khi tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát, không còn nguy cơ lây nhiễm sẽ tiến hành tổ chức đại hội theo kế hoạch.
Với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, sự chung tay, góp sức của mọi tầng lớp nhân dân và của toàn xã hội, cùng với những kết quả đã đạt được trong thời gian vừa qua, tin tưởng rằng các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên sẽ đoàn kết, phát huy mọi nguồn lực, chiến thắng về đại dịch và thực hiện thành công “mục tiêu kép” đã đề ra.