Giữ gìn đạo đức, phẩm cách nhà báo chân chính

09:22, 21/04/2020

Hoạt động báo chí thời gian qua đã tạo được hiệu ứng tích cực, góp phần vào sự phát triển của đời sống xã hội. Báo chí thực sự đồng hành với công cuộc đổi mới đất nước, đổi mới hệ thống chính trị, thực hiện tốt vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội.

Đội ngũ những người làm báo trong cả nước đã trưởng thành, vững vàng, tự tin làm chủ công nghệ, vận dụng kinh nghiệm thực tiễn cuộc sống và nền tảng lý luận, tạo nên những tác phẩm báo chí xuất sắc, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Đã xuất hiện không ít tấm gương nhà báo, hội viên trong sáng về đạo đức, tinh thông về nghiệp vụ, lao động cần cù, sẵn sàng hy sinh, cống hiến vì lợi ích của nhân dân, của đất nước. Tuy nhiên, cùng với các thành tựu, do tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường thời mở cửa, hội nhập nên hoạt động báo chí vẫn còn một số tồn tại, bất cập. Đã xuất hiện nhiều biểu hiện tiêu cực trong hoạt động báo chí diễn ra dưới nhiều phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi, lách luật, đối phó với các biện pháp quản lý của các cơ quan chức năng nhằm mục đích không trong sáng. Biểu hiện dễ nhận thấy là những bài báo giật gân, câu khách, chú trọng tới việc miêu tả rùng rợn, ly kỳ, dung tục, kích thích những thị hiếu thấp kém. Quá trình thương mại hóa báo chí dẫn đến quá trình tầm thường hóa báo chí, còn được gọi là báo chí lá cải. Một số cơ quan báo chí không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, thông tin sai sự thật có chiều hướng ngày càng tăng. Báo chí còn nặng xu hướng báo chí phanh phui nhiều hơn là khắc họa đậm nét những mô hình, điển hình và đưa ra giải pháp xây dựng. Hiện tượng “sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ” diễn ra với các báo điện tử đã gây không ít bức xúc đối với bạn đọc và dư luận xã hội, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến những hành vi trục lợi vì động cơ không trong sáng. Không ít người làm báo bị vấp váp, sa ngã, thậm chí rơi vào vòng lao lý.

Những biểu hiện tiêu cực diễn ra do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nguyên nhân khách quan quan trọng nhất chính là nền kinh tế thị trường ảnh hưởng mạnh mẽ đến đạo đức nhà báo trong điều kiện thu nhập của nhà báo không tăng. Bên cạnh đó, hành lang pháp lý cho hoạt động báo chí còn nhiều kẽ hở khiến cho những vi phạm trong đạo đức nghề báo chưa được kiểm soát chặt chẽ. Về nguyên nhân chủ quan, đó là sự thiếu bản lĩnh chính trị và văn hóa, thiếu tu dưỡng và sự rèn luyện đạo đức thường xuyên của một bộ phận nhà báo; thiếu kiến thức cơ bản về nghiệp vụ báo chí.

Để góp phần khắc phục những tồn tại, hạn chế này, Luật Báo chí và 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam ra đời đã được giới báo chí và cuộc sống đón nhận. Thực hiện Chương trình hoạt động toàn khóa của Ban chấp hành Hội Khóa X, Hội Nhà báo Việt Nam đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin Truyền - Thông tổ chức triển khai đến tất cả các cấp hội, các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương một đợt học tập, quán triệt Luật Báo chí 2016 và góp ý kiến sửa đổi, bổ sung, xây dựng Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam phù hợp với Luật Báo chí 2016 và thực tiễn đời sống báo chí, truyền thông và đời sống xã hội hiện nay.

Song song với việc Ban hành 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, trước những đòi hỏi cấp thiết của công tác bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của hội viên, để theo dõi ngăn chặn và xử lý nghiêm những hành vi của hội viên vi phạm Điều lệ Hội và 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam một cách triệt để, Hội Nhà báo Việt Nam  thành lập Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. 255/285 tổ chức Hội có Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức người làm báo. Bên cạnh xử lý vi phạm, Hội đồng còn có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi phóng viên tác nghiệp. Có thể nói, nếu như trước đây việc tôn vinh cái tốt hoặc xử lý vi phạm rất khó khi chưa có khung pháp lý đủ mạnh, thì nay việc Hội Nhà báo Việt Nam ban hành 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo đã tạo ra được bộ khung để Hội đồng có căn cứ xử lý những vi phạm. Việc Hội Nhà báo Việt Nam ban hành và triển khai thực hiện 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo và thành lập Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp từ Trung ương xuống các địa phương thời gian qua đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Số vụ phóng viên, nhà báo khi tác nghiệp vi phạm pháp luật cũng như đạo đức nghề nghiệp đã giảm đáng kể so với những năm trước, bình quân mỗi năm chỉ xảy ra trên dưới 10 vụ.

Một nền báo chí phát triển lành mạnh, trung thực, có uy tín, luôn nhận được sự tin cậy của bạn đọc là mục tiêu hướng tới của những người làm báo chân chính. Hiệu quả của công việc và uy tín của mỗi người làm báo luôn luôn phụ thuộc vào sự kết hợp hài hòa giữa trình độ nghề nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, sự say mê nghề nghiệp. Vì thế, việc tu dưỡng, rèn luyện theo 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo là hết sức quan trọng, là yếu tố cấu thành nên phẩm cách của mọi hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, giúp nhà báo hội viên đủ bản lĩnh, tự tin vượt qua mọi thử thách, cám dỗ của đời sống xã hội, giữ vững đạo đức nghề nghiệp và bảo vệ uy tín, danh dự của những người làm báo, hoàn thành xuất sắc trọng trách của người chiến sĩ trên mọi mặt trận tư tưởng mà Đảng, nhân dân giao phó.