Ngày 2-6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5.
Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đã 48 ngày qua, chúng ta không có ca lây nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng, phần lớn các ca nhiễm đã được chữa khỏi và ra viện, trong đó có những bệnh nhân rất nặng. Đó là tin vui đối với tất cả nhân dân. Cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao nỗ lực và thành công trong khống chế dịch COVID-19 của Việt Nam. Một điều ấn tượng là sự quyết tâm của nhiều tỉnh, thành phố phấn đấu hoàn thành toàn diện, vượt mức kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm nay. Vấn đề khôi phục thị trường nội địa đã được phát động, các khu du lịch đông khách trở lại. Ngành Hàng không bước đầu khôi phục hoạt động. Chính phủ đã có nhiều hoạt động tháo gỡ, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, trong đó có Nghị quyết 84/NQ-CP vừa được ban hành.
Chúng ta đã lấy cung làm chủ đạo và đẩy mạnh cầu của nền kinh tế. Các chỉ tiêu của tháng 5 tốt hơn hẳn tháng 4. Trong tháng 5, hình ảnh, uy tín của Việt Nam đã tăng lên trong cộng đồng quốc tế. Chúng ta đã chỉ đạo với tinh thần kiên quyết không lùi bước trước thách thức, đổi mới sáng tạo trong chỉ đạo điều hành, khắc phục sự đứt gãy chuỗi cung ứng. Đây là cơ hội quan trọng để chúng ta vươn lên trong bối cảnh thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức. Chúng ta đã tận dụng thời cơ vàng để kiểm soát dịch bệnh, nhờ đó đã tạo một không khí lan tỏa trong làm ăn, vươn lên. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, lạm phát giảm, đời sống nhân dân được bảo đảm, những địa phương khó khăn đã được hỗ trợ lương thực kịp thời. Chúng ta tiếp tục xử lý những vấn đề đặt ra của hậu COVID-19, nhất là cho các chuyên gia, nhà quản lý vào Việt Nam; như tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam (trẻ em, người già) bị kẹt ở nước ngoài về nước. Đặc biệt là sự phối hợp giữa hệ thống chính trị, sự phối hợp tốt giữa các cơ quan hành pháp, tư pháp, lập pháp trong chỉ đạo điều hành.
Tại phiên họp này, cần đánh giá những nguy cơ thách thức còn lớn đối với chúng ta, đó là khó khăn về thời tiết như hạn hán, mưa đá, dông lốc; các thị trường lớn, đối tác quan trọng của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc... chưa phục hồi bình thường do vẫn còn dịch bệnh COVID-19 hoành hành gay gắt; do đó chúng ta chưa thể mở cửa cho khách du lịch quốc tế, kết nối thị trường. Chính vì vậy, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ cần đánh giá nguy cơ, thách thức phải vượt qua, đề ra các biện pháp mạnh mẽ phát triển đất nước trong tháng 6 để làm đà trong các tháng cuối năm. Theo dõi sát tình hình quốc tế để có đối sách về thương mại, đầu tư, du lịch, nhất là đón luồng vốn đầu tư đang dịch chuyển trên toàn cầu.
Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ phát biểu không chung chung mà cụ thể với tinh thần quyết tâm cao mới tháo gỡ được khó khăn, nhất là những vấn đề kinh tế, thị trường, các lĩnh vực quản lý, các trung tâm kinh tế, vùng trọng điểm kinh tế... để làm sao tháng 6 này tạo chuyển biến mạnh mẽ trên cơ sở tiếp tục đề phòng dịch COVID-19 vì chung quanh Việt Nam vẫn còn nguy cơ dịch bệnh. Thủ tướng đề nghị thảo luận thêm về tiếp tục đưa ra những biện pháp mạnh mẽ chống xâm hại, tăng cường bảo vệ quyền trẻ em. Thủ tướng yêu cầu chính quyền các địa phương, các tổ chức, đoàn thể xã hội cần phát huy vai trò trách nhiệm của mình, chủ động giám sát, đặc biệt những nguy cơ cao. Các trường học, cơ sở giáo dục, đào tạo, vui chơi giải trí cần đánh giá nguy cơ đe dọa; cần xử lý nghiêm một số vụ xâm hại trẻ em để giáo dục, răn đe; tăng cường phối hợp đồng bộ gia đình, trường học. Chính phủ cần có giải pháp cụ thể để chủ trương, biện pháp không để xảy ra sự cố.
Thủ tướng cũng nêu vấn đề giá thịt lợn, theo đó, Chính phủ đã đưa ra nhiều chủ trương, biện pháp nhưng giá thịt lợn vẫn cao. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần trình bày một số biện pháp, yếu tố cấu thành giá thịt lợn trong đó đặc biệt về chi phí thức ăn chăn nuôi, vấn đề giống, tái đàn, nhất là khâu trung gian. Chúng ta chỉ tính đầu ra mà không tính khâu đầu vào là duy ý chí trong hành động; quan điểm Thủ tướng là giải quyết vấn đề căn cơ, bài bản giá thịt lợn tăng cao nhưng cũng tránh những thời điểm rớt giá thịt lợn nghiêm trọng, ảnh hưởng người chăn nuôi và sự phát triển bền vững ngành chăn nuôi. Phải giữ giá thịt lợn ổn định bằng tư duy chuỗi liên kết giá trị, khuyến khích đầu tư quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại, đặc biệt là giải quyết tốt khâu đầu vào, khâu giống, thức ăn, phát động tái đàn trên cơ sở đề phòng dịch bệnh như dịch tả lợn châu Phi; cùng với biện pháp khác như nhập khẩu thịt lợn.
Tháng 6 cần tiếp tục khắc phục đại dịch COVIDd-19 để đất nước phục hồi bình thường. Chúng ta phấn đấu ở mức cao nhất hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.
Tính chung năm tháng đầu năm, cả nước có 48,3 nghìn doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký là 557,9 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 407,2 nghìn lao động, giảm 10,5% về số DN, giảm 16,7% về vốn đăng ký và giảm 24,2% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 1.913,9 nghìn tỷ đồng, giảm 3,9% so cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 8,6% (cùng kỳ năm 2019 tăng 8,5%). Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 196,84 tỷ USD, giảm 2,8% so cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 99,36 tỷ USD, giảm 1,7% (riêng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước đạt 33,3 tỷ USD, tăng 10,4%); nhập khẩu 97,48 tỷ USD, giảm 3,8%; xuất siêu 1,9 tỷ USD.