Trong buổi chiều ngày làm việc thứ hai, kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XIII, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh và thủ trưởng một số sở liên quan đã giải trình nhiều vấn đề cử tri quan tâm. Báo Thái Nguyên điện tử lược ghi các nội dung được giải trình.
Về những bất cập trong việc bàn giao hạ tầng kỹ thuật các khu dân cư, khu đô thị cho địa phương quản lý theo Quyết định số 33/2017/QĐ-UBND: Ông Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh giải trình: Ngày 3/11/2017, UBND tỉnh ban hành QĐ 33 quy định một số nội dung về quản lý, đầu tư xây dựng khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn tỉnh. Đến ngày 17/10/2018, UBND tỉnh tiếp tục ban hành QĐ25 sửa đổi, bổ sung một số điều của QĐ 33. Theo đánh giá sơ bộ, quy định đã phát huy hiệu quả trong quản lý, thực hiện đầu tư phát triển đô thị liên quan đến các khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn phát sinh một số khó khăn, vướng mắc trong quyết toán các dự án đầu tư trước ngày Luật Đất đai 2013 có hiệu lực (1/7/2017) và trước ngày QĐ 33 có hiệu lực; chưa thống nhất giữa các luật về đầu tư, đất đai, nhà ở, đấu thầu… Để khắc phục những vướng mắc này, UBND tỉnh có văn bản giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu điều chỉnh QĐ 33. Dự kiến đầu quý IV/2020 sẽ thực hiện xong việc điều chỉnh.
Đối với giải pháp điều hành để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020 và để đảm bảo hoàn thành kế hoạch giải ngân các nguồn vốn đầu tư công năm nay, ông Phạm Duy Hùng, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư cho biết: Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm chỉ đạt 2,63%. Thấp hơn nhiều so với kế hoạch năm. Do đó, UBND tỉnh đã đề ra các kịch bản tăng trưởng và đề xuất 10 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong 6 tháng cuối năm. Cụ thể là: Tập trung chỉ đạo các sở, ngành, chủ đầu tư rà soát tiến độ thực hiện tất cả các dự án đầu tư, có văn bản cam kết tiến độ và giải ngân kế hoạch vốn năm 2020; triển khai kịp thời, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tăng cường tiếp cận, mời gọi trực tiếp và tạo điều kiện thuận lợi nhất về thủ tục, nhất là lĩnh vực đất đai để các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ...
Nhằm đảm bảo hoàn thành kế hoạch giải ngân các nguồn vốn đầu tư công năm 2020, từ cuối tháng 4 đến nay, UBND tỉnh đã ban hành 2 văn bản đôn đốc thực hiện nội dung này đến các sở, ngành, địa phương. Đến cuối tháng 9, các đơn vị phải đảm bảo giải ngân trên 60% kế hoạch vốn cả năm; nếu thấp hơn sẽ điều chuyển vốn cho dự án, công trình khác. UBND tỉnh sẽ lấy tiêu chí giải ngân các nguồn vốn để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ đối với người đứng đầu đơn vị; xử lý nghiêm trường hợp gây cản trở, ảnh hưởng đến việc giải ngân này. UBND tỉnh cũng đã điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn làm cơ sở điều chỉnh vốn năm 2020 cho các dự án, công trình đã hoàn thành, phê duyệt quyết toán còn thiếu vốn để tránh phát sinh nợ đọng; đẩy nhanh các thủ tục đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện một số dự án...
Giải trình nguyên nhân chỉ số giá tiêu dùng (CPI) những tháng đầu năm của tỉnh tăng tới 6,27%, cao hơn 3,73% so với cùng kỳ và cao hơn mức tăng bình quân của cả nước là 2,08%, ông Nguyễn Ngô Quyết, Giám đốc Sở Công Thương cho rằng: CPI bình quân 6 tháng qua tăng cao chủ yếu do tác động của chỉ số giá thịt lợn tăng cao. Mặc dù giá thịt lợn 6 tháng qua trên địa bàn tỉnh chỉ tương đương với bình quân chung cả nước nhưng so với giá cùng thời điểm năm 2019, thì chỉ số giá thịt lợn 6 tháng đầu năm nay tăng tới 85,58%.
Để kiềm chế, kiểm soát tốc độ tăng chỉ số CPI, những tháng cuối năm, tỉnh sẽ duy trì kiểm soát tốt việc phòng chống dịch tả lợn châu Phi để các cơ sở chăn nuôi lợn yên tâm tái đàn; khuyến khích các cơ sở chăn nuôi lớn, đảm bảo an toàn tăng quy mô, tăng tỷ lệ tiêu thụ tại tỉnh; triển khai có hiệu quả nguồn hỗ trợ của Trung ương đối với việc bảo vệ và thúc đẩy đàn lợn; thực hiện cho vay ưu đãi để doanh nghiệp lưu thông thực hiện bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu…
Về nội dung hỗ trợ cho cán bộ không chuyên trách ở xã và xóm, tổ dân phố (TDP) dôi dư: Đại biểu HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu chia đối tượng người hoạt động không chuyên trách ở xóm, TDP có thời gian làm việc liên tục đủ 5 năm trở xuống thành 2 mức hỗ trợ tương ứng với nhiệm kỳ hoạt động của trưởng xóm, tổ trưởng TDP là 30 tháng; làm rõ nguồn kinh phí để thực hiện chính sách và khả năng cân đối của tỉnh. Theo ông Nguyễn Đức Lực, Giám đốc Sở Nội vụ: Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh lại thời gian tính hưởng chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở xóm, TDP theo 2 mức hỗ trợ mà đại biểu HĐND tỉnh đề xuất. Kinh phí thực hiện chế độ chi trả đối với nội dung này (Nghị quyết Quy định chính sách hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở xóm, TDP dôi dư trên địa bàn tỉnh) năm 2020 khoảng 8 tỷ đồng (trên tổng số vốn thực hiện chính sách là 12,5 tỷ đồng). Để triển khai kịp thời, Sở đề nghị sử dụng nguồn dự phòng của ngân sách tỉnh và kinh phí cho những năm tiếp theo, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nội vụ phối hợp với Sở Tài chính tham mưu cân đối trong dự toán đầu năm với số kinh phí còn lại là 4,5 tỷ đồng.