Phát huy lợi thế của báo điện tử trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái

09:11, 29/07/2020

Trong tình hình hiện nay, nhất là giai đoạn trước thềm Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các thế lực thù địch sẽ tiếp tục lợi dụng những tiện ích trên không gian mạng để đẩy mạnh âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình”, tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước ta. Điều đó đặt ra cho báo chí nói chung, trong đó có báo điện tử nêu cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên củng cố, xây dựng lực lượng cán bộ, phóng viên (CBPV) đủ phẩm chất, trí tuệ, biết tận dụng những ưu thế vượt trội để có những tác phẩm báo chí sắc bén, kịp thời vạch trần những quan điểm sai trái, những thông tin sai lệch.

Cùng với tất cả các loại hình báo chí, báo điện tử đã có sự phát triển mạnh mẽ, đổi mới nội dung và phương thức, thích ứng với xu thế phát triển chung của nền báo chí hiện đại. Báo điện tử ngày càng đóng góp tích cực vào mọi mặt đời sống, xã hội, nhất là trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Báo điện tử đã từng bước trở thành lực lượng nòng cốt, chủ lực của hệ thống báo chí, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đấu tranh bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác để xây dựng và phát triển đất nước.

Báo điện tử đã phát huy ưu thế để đấu tranh với những luận điệu sai trái, xuyên tạc, bịa đặt của các thế lực thù địch; trở thành công cụ, phương tiện, vũ khí sắc bén, nhanh nhạy hơn hẳn các loại hình báo chí khác. Đây là diễn đàn huy động được đông đảo các lực lượng xã hội tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch bằng sự tương tác đa chiều trên không gian mạng. Có thể nói, trên mặt trận đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, báo điện tử đã phát huy thế mạnh nổi trội và ngày càng xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và Nhân dân.

Là một trong những địa phương có báo điện tử được hình thành đầu tiên, cùng với báo chí cả nước, với đội ngũ CBPV viên dày dặn kinh nghiệm, Báo Điện tử Thái Nguyên luôn đổi mới cả về giao diện cũng như cách thức tuyên truyền, phấn đấu theo kịp xu thế chung ở cả trong nước và quốc tế; phát huy tốt lợi thế của báo điện tử để phục vụ kịp thời công tác tuyên truyền thường xuyên cũng như đấu tranh phản bác những thông tin sai lệch, những quan điểm sai trái của các thế lực phản động.

Tuy nhiên, báo điện tử vẫn còn bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa thật sự tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Vẫn còn một số cơ quan báo điện tử chưa thực sự chủ động, nhạy bén trong đấu tranh, phản bác những thông tin, quan điểm sai trái. Một số vụ việc bị kẻ xấu lợi dụng, lan truyền trên mạng xã hội chưa được đấu tranh, ngăn chặn kịp thời; chưa có nhiều tác phẩm có chiều sâu, sắc bén về lý luận và thực tiễn để đấu tranh trực diện với những luận điệu xuyên tạc, vu khống. Chính vì vậy, ở một vài sự kiện, tính định hướng và sức lan tỏa của báo chí chưa cao. Cá biệt, có nhà báo còn biểu hiện thờ ơ chính trị, thiếu quan tâm đến mảng đề tài này. Họ cho rằng đây là mảng đề tài khó, nhạy cảm nên ngại tham gia hoặc có khi chỉ tham gia mang tính chiếu lệ, cầm chừng.

Để phát huy tốt hơn nữa vai trò, trách nhiệm xã hội của báo chí, trong đó có báo điện tử trong giai đoạn cách mạng mới, thực hiện tốt nhiệm vụ đấu tranh phản bác thông tin, quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, cấp ủy, ban biên tập các cơ quan báo điện tử hãy nêu cao nhận thức, trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ này. Thực tiễn cho thấy, ở đâu cán bộ lãnh đạo, nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí quan trọng của công tác đấu tranh chống “diễn biến hòa bình”, phản bác các quan điểm sai trái thì mảng đề tài này mới được quan tâm đúng mức và mới có các sản phẩm báo chí chất lượng, kịp thời, hiệu quả.

Bên cạnh đó là tăng cường đào tạo, rèn luyện bản lĩnh chính trị, bồi dưỡng năng lực, trau dồi khả năng đấu tranh, phản bác các quan điểm, thông tin sai trái của các thế lực thù địch cho đội ngũ CBPV báo điện tử; đổi mới nội dung, phương thức đấu tranh, phản bác quan điểm sai trái, thù địch trước sự phát triển đa dạng, đầy biến động trên không gian mạng. Và một điều không kém phần quan trọng, đó là quan tâm hỗ trợ chế độ, chính sách đãi ngộ hợp lý cho CBPV cũng như các lực lượng tham gia đấu tranh phản bác thông tin, quan điểm sai trái, thù địch trên báo chí điện tử.

 “Bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch là một nội dung cơ bản, hệ trọng, sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó lực lượng tuyên giáo các cấp là nòng cốt; là công việc tự giác, thường xuyên của cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, của từng địa phương, cơ quan, đơn vị, của từng cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu”.

(Trích Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị)