Bộ Chính trị mới đây có Kết luận về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch COVID-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước. Trong đó, đưa ra một số định hướng lớn mang tầm chiến lược và các giải pháp cấp bách, lâu dài, yêu cầu cấp ủy các cấp nghiêm túc quán triệt triển khai thực hiện.
Bộ Chính trị đánh giá, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực, khiến nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể, tạm dừng hoạt động hoặc thu hẹp quy mô. GDP quý I/2020 của cả nước chỉ tăng 3,82%, là mức thấp nhất trong 10 năm gần đây, ảnh hưởng mạnh đến tâm lý và đời sống nhân dân. Việc khống chế và dập dịch thành công ở nước ta là rất đáng ghi nhận, nhưng trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường. Do đó, chúng ta vừa phải ưu tiên chống dịch, vừa có chính sách, giải pháp cả trước mặt và lâu dài để vượt qua khó khăn, phục hồi kinh tế.
Theo định hướng của Trung ương, trước mắt chúng ta cần khai thác tối đa thị trường trong nước, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn phù hợp với xu thế mới. Từ đó đưa ra các giải pháp cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng; xây dựng cơ chế, chính sách thu hút mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư quốc tế và trong nước, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Để kinh tế nhanh chóng phục hồi, giải pháp cấp bách được đưa ra là: Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả cơ chế, chính sách về tài chính, tiền tệ, an sinh xã hội; tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước, kích thích tiêu dùng nội địa; tăng cường iết kiệm trong toàn hệ thống chính trị và xã hội… Kéo dài thời kỳ ổn định ngân sách Nhà nước giai đoạn 2017-2020 sang năm 2021. Đẩy mạnh giải ngân, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công; khởi công, thực hiện ngay các dự án quy mô lớn, quan trọng có tác động lan tỏa đến nền kinh tế địa phương, vùng, ngành, lĩnh vực…
Về lâu dài, Trung ương cũng yêu cầu các cấp, ngành tiếp tục đổi mới hoàn thiện thể chế, khơi thông nguồn lực phát triển; đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế; nâng cao năng lực, sức cạnh tranh nhằm đón đầu các thời cơ, lợi thế; đẩy mạnh phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm, đào tạo nguồn nhân lực phù hợp xu thế mới; phát huy thế mạnh các vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn là đầu tàu cho phát triển kinh tế -xã hội.
Với Thái Nguyên, dịch COVID-19 cũng đã khiến tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm giảm sút, không dễ để hoàn thành kế hoạch tăng 7,3% cả năm. Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, tỉnh đã xây dựng các nhóm giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế sau dịch. Trong đó, tăng cường chỉ đạo, điều hành, phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu kép là chống dịch hiệu quả và đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế. Tăng cường các biện pháp quản lý, tăng thu ngân sách; kiểm soát chặt các khoản chi ngân sách, tiết kiệm tối đa chi phí không cần thiết; làm tốt công tác bình ổn giá, xử lý các trường hợp gian lận thương mại. Tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao thứ hạng các chỉ số: năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công…
Định hướng thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, nhất là Khu công nghiệp Sông Công II, ưu tiên các ngành công nghiệp phụ trợ của các tập đoàn kinh tế lớn dịch chuyển từ các nước khác sang. Tập trung cao độ công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư các dự án, tổ chức giao đất cho các dự án thông qua đấu giá theo quy định; giám sát việc triển khai các dự án đầu tư ngoài ngân sách; kiên quyết thu hồi các dự án không triển khai hoặc có dấu hiệu trục lợi mua bán dự án…