Bế mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53

09:13, 13/09/2020

Ngày 12-9, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM 53) và các hội nghị liên quan đã bế mạc. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì họp báo quốc tế, theo hình thức trực tuyến, thông báo kết quả của các hội nghị. Tổng Thư ký ASEAN Lim Giốc Hoi cùng dự họp báo.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, tại các hội nghị lần này, các Bộ trưởng ASEAN tiếp tục khẳng định quyết tâm duy trì khu vực Ðông - Nam Á hòa bình, an ninh, trung lập và ổn định, củng cố đoàn kết, tự cường và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN, tăng cường lòng tin, đề cao thượng tôn pháp luật; cam kết thực hiện đầy đủ, hiệu quả các mục tiêu và ưu tiên hợp tác trên tinh thần “Gắn kết và chủ động thích ứng”; nhấn mạnh tầm quan trọng duy trì đoàn kết, thống nhất và cách tiếp cận tổng thể của Cộng đồng ASEAN, giữ vững đà hợp tác, liên kết xây dựng cộng đồng; nhất trí triển khai hiệu quả các sáng kiến quan trọng của ASEAN về ứng phó dịch Covid-19. ASEAN và các đối tác tái khẳng định cam kết ủng hộ và thúc đẩy hợp tác đa phương và quan hệ giữa các quốc gia dựa trên nền tảng luật pháp quốc tế. Các đối tác tiếp tục bày tỏ coi trọng ASEAN, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong định hình cấu trúc khu vực rộng mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ.

Tại các hội nghị, ASEAN và các đối tác đã xem xét, thông qua 42 văn kiện quan trọng; các nước nhất trí với nhiều sáng kiến, đề xuất của Việt Nam, như Tuyên bố Lãnh đạo ASEAN+3 về tăng cường hợp tác kinh tế và ổn định tài chính, Tuyên bố Hà Nội kỷ niệm 15 năm thành lập Hội nghị cấp cao Ðông Á (EAS)...

* Trước đó, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã chủ trì Hội nghị Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 27 (ARF 27) theo hình thức trực tuyến, với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao 27 nước và tổ chức tham gia ARF, cùng Tổng Thư ký ASEAN. Các bên nhất trí tiếp tục triển khai các biện pháp xây dựng lòng tin và thực thi ngoại giao phòng ngừa; đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên, như cứu trợ thảm họa, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, an ninh biển, an ninh mạng, chống phổ biến và giải trừ vũ khí hạt nhân, vũ khí hủy diệt hàng loạt; cải tiến phương thức và nâng cao hiệu quả hoạt động của diễn đàn; tăng cường phối hợp giữa ARF với các cơ chế khác của ASEAN, như EAS, ADMM+…  

Các Bộ trưởng tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Ðông. Trước những diễn biến phức tạp, vụ việc nghiêm trọng và các hành động vi phạm luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), các Bộ trưởng một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu tự kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình, không quân sự hóa, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982. Hội nghị ủng hộ việc triển khai hiệu quả và đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC), ASEAN và Trung Quốc sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Ðông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982; tái khẳng định UNCLOS 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương. Các Bộ trưởng đã thông qua Kế hoạnh hành động Hà Nội II, đề ra các ưu tiên, định hướng hợp tác của ARF giai đoạn 2020 - 2025.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, ARF cần phát huy hơn nữa vai trò, đóng góp, nhất là trong duy trì đối thoại và hợp tác, tăng cường xây dựng lòng tin và hiểu biết lẫn nhau và phối hợp chính sách, hành động để ứng phó chủ động, hiệu quả những thách thức, trong đó có dịch Covid-19. Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu thượng tôn pháp luật, tự kiềm chế, không có các hành động gây phức tạp thêm tình hình, không quân sự hóa, giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982; khẳng định ASEAN nỗ lực cùng Trung Quốc thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và sớm hoàn tất COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982.

* Trong khuôn khổ AMM 53, đã diễn ra các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Liên hiệp châu Âu (EU) và ASEAN - Ấn Ðộ. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự các hội nghị. Các bên trao đổi về các vấn đề thế giới và khu vực cùng quan tâm. Về tình hình Biển Ðông, các bên tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, không quân sự hóa, không có các hành động gây phức tạp tình hình hoặc gia tăng căng thẳng, giải quyết hòa bình các tranh chấp, phù hợp luật pháp quốc tế, bao gồm UNCLOS 1982; ủng hộ thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và sớm hoàn tất COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

* Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - EU, hai bên nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của quan hệ giữa hai tổ chức khu vực được đánh giá thành công nhất hiện nay; ghi nhận tiến triển tích cực trong hợp tác, nhất là triển khai Kế hoạch hành động ASEAN - EU giai đoạn 2018 - 2022; nhất trí tiếp tục hợp tác hiệu quả về kinh tế, thương mại, kết nối, giao thông, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, an ninh mạng, an ninh biển, y tế… ASEAN và EU nhất trí phối hợp thúc đẩy liên kết kinh tế và tự do hóa thương mại; nghiên cứu xây dựng khu vực thương mại tự do giữa hai bên, sớm hoàn tất Hiệp định Vận tải hàng không toàn diện ASEAN-EU (CATA). ASEAN đề nghị EU tiếp tục phối hợp triển khai các chương trình hợp tác phát triển; hoan nghênh EU đề xuất ra Tuyên bố chung Bộ trưởng ASEAN - EU về kết nối và ủng hộ thúc đẩy gắn kết, bổ trợ trong triển khai Kế hoạch tổng thể về kết nối ASEAN năm 2025 và Chiến lược kết nối EU.

* Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Ấn Ðộ, các Bộ trưởng ghi nhận quan hệ đối thoại ASEAN - Ấn Ðộ tiến triển tích cực, trong đó có triển khai Kế hoạch hành động ASEAN - Ấn Ðộ giai đoạn 2016 - 2020. Ấn Ðộ khẳng định coi trọng quan hệ với ASEAN, nhấn mạnh ASEAN giữ vai trò trung tâm trong chính sách Hành động hướng Ðông của Ấn Ðộ. ASEAN đánh giá cao Ấn Ðộ cam kết và tham gia tích cực các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, như EAS, ARF, ADMM... Hai bên nhất trí đẩy mạnh hợp tác biển, kinh tế, thương mại và đầu tư, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, kết nối, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, giao lưu nhân dân…