Đúng ngày 2-9 của 75 năm về trước, tại vườn hoa Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập”, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dưới sự chứng kiến của hàng chục vạn quốc dân đồng bào. Những ký ức về buổi lễ hào hùng ngày ấy đã được cố nhà báo Hồng Hà thuật lại chi tiết qua bài báo CUỘC MÍT-TINH VÀ BIỂU TÌNH TẠI VƯỜN HOA BA-ĐÌNH TRONG BUỔI LỄ “NGÀY ĐỘC LẬP” đăng trên Báo Cứu quốc (cơ quan tuyên truyền, tranh đấu của Mặt trận Việt Minh) trong số báo ra ngày 5-9-1945.
Kỷ niệm 75 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2020), Trân trọng gửi đến độc giả toàn văn bài viết này (để tôn trọng lịch sử, chúng tôi xin dùng nguyên văn cách dùng từ thời đó).
Mới từ 12 giờ trưa, những nẻo đường dẫn vào vườn hoa Ba đình, nơi đã chọn để cử hành lễ “Ngày Độc lập” đã thấy cuồn-cuộn những giòng người chảy đến. Đủ mặt các giới, các đoàn-thể. Các anh em công nhân, nhân viên sở công sở tư, các bô lão trong thành-phố, các chị em phụ-nữ, các anh em thanh-niên, các trẻ em nhi-đồng, v.v... Người ta chú ý đến trong buổi lễ này, lại có cả những người từ trước tới nay vẫn vắng mặt trong các cuộc biểu tình chính-trị: các nhà tu hành. Tất cả, hôm đó, đều không còn giữ sự phân biệt của mọi ngày thường về đẳng-cấp, về tín-ngưỡng, về nam-nữ, về thế-hệ... Đến đấy, ai cũng chỉ còn là một người dân Việt-Nam giữa những người dân Việt-Nam khác đi đón nhận lời tuyên-bố chính-thức về cuộc độc-lập của nước nhà.
Giữa công-trường vườn hoa Ba-đình, đã dựng sẵn một cái diễn-đài cao, căng vải đỏ và trắng, giữa là cột cờ sơn trắng vươn lên cao trót vót. Máy truyền-thanh đặt ở trên diễn-đài.
Các đoàn-thể đến dự lễ theo trật tự đã định sẵn do ban tổ chức, đứng bao quanh lấy công-trường. Gần diễn-đài nhất người ta nhận thấy đoàn-thể các bô lão thành phố, đoàn-thể Phật-giáo, đoàn-thể Công-giáo và đoàn-thể các chị em phụ-nữ. Một bộ-đội giải phóng quân, lưỡi lê cắm ở đầu súng sáng loáng, đứng dàn ở phía sau kỳ đài. Vòng ngoài, trông ra xa người ta chỉ thấy một biển người trắng xóa, trên đó phấp-phới một rừng cờ đỏ rực rỡ dưới ánh nắng của một ngày thu chói lọi.
Hai giờ. Các nhân-viên của Chính-phủ tới để khai-mạc cuộc lễ. Trật-tự quanh diễn-đài lúc ấy rất nghiêm. Một đội tự vệ, súng lục cầm tay, đứng chen khít nhau thành một hàng rào tròn quanh kỳ đài. Lính bồng súng, đứng dàn ra cho đến đầu con đường Cột-cờ. Mọi người im lặng hồi hộp đợi cho đến lúc đội âm nhạc giải-phóng-quân cử bài kèn chào. Đoàn xe hơi của Chính-phủ, có đội cảnh-sát đi trước dẫn đầu, từ từ đỗ. Các nhân viên trong Chính-phủ bước lên kỳ đài.
Tất cả sự chú-ý của đám đông khổng lồ tới dự lễ đều dồn cả vào vị Chủ-tịch của Chính-phủ, lần này là lần đầu tiên mới ra mắt quốc-dân, trong cái dịp long-trọng này để tuyên bố chính thức về sự thành-lập của nước Việt-Nam dân-chủ cộng-hòa. Một ông già giáng gầy yếu, nhưng tinh-thần hiên ngang vẫn lộ ra trong bộ điệu ung-dung, trong vầng trán cao mênh-mông và đôi mắt sáng quắc. Ông vận một bộ quần áo bằng vải vàng đã bạc màu và… (hai chữ bản lưu Báo Cứu quốc tại Thư viện Quốc gia bị mờ, đọc không rõ nghĩa), có lẽ vẫn là y-phục của ông mang theo về từ những ngày lận-đận bôn-ba ở hải ngoại. Hình-ảnh của ông đúng vẹn như cái hình-ảnh mà mọi người trong nước vẫn vẽ trong trí tưởng-tượng về nhà chí-sĩ đầu tóc hoa râm đã bao năm rong-ruổi phương xa, mưu tính sự tự do, độc-lập cho Tổ-quốc.
Buổi lễ bắt đầu. Lá cờ màu đỏ sao vàng được từ từ kéo lên ngọn cột cờ, trong khi đội âm-nhạc cử bài “Tiến-quân-ca”. Trên kỳ-đài các nhân-viên Chính-phủ, đầu trần, đứng lên dơ nắm tay chào. Bên dưới, một rừng cánh tay cũng dơ lên. Một yên-lặng trang-nghiêm. Một quang-cảnh vừa lớn-lao vừa rung-động.
Anh Nguyễn-hữu-Đang, đại-biểu ban tổ chức ngày lễ Độc-lập, đứng trước máy truyền thanh đọc chương trình buổi lễ và giới thiệu Chính-phủ lâm-thời của nước Việt-Nam dân-chủ cộng-hòa.
Đoạn, vị chủ-tịch Chính-phủ lâm-thời đứng lên. Bằng một giọng rành-mạch, dản-dị (thỉnh thoảng lại hỏi xuống: “Tôi nói thế này đồng bào nghe có rõ không?”, tỏ ra mỗi lời nói của ông cất lên lúc này đều rất nghiêm-trọng và ông muốn quốc-dân không để lọt mất lời nào), ông đọc lời tuyên ngôn của nước Việt-Nam dân-chủ cộng-hòa. Bản tuyên ngôn lúc đầu nhắc đến cái quyền sống của tất cả mọi dân-tộc, cái quyền được hưởng tự-do và mưu cầu hạnh-phúc cho mình. Nước Việt-Nam ngày nay căn cứ vào lợi quyền ấy, lật đổ chế-độ cũ đi, chế-độ thuộc-địa áp-bức dã-man của người Pháp và chế độ quân-chủ phong kiến thoái-hóa, tự dựng thành một nước Việt-Nam độc-lập, một nước Việt-Nam dân-chủ cộng-hòa. Ngày hôm nay, Chính-phủ lâm-thời do quốc-dân đại hội bầu lên trịnh-trọng tuyên-bố cho cả thế-giới và quốc-dân rằng nền độc-lập và dân-chủ của nước Việt-Nam đã thành lập. Rứt lời tuyên-ngôn đanh-thép có một giá-trị lịch-sử lớn lao, tất cả quốc-dân dưới đài đều đồng thanh cất tiếng lên hoan-hô như sấm vang, trong một sự nhiệt-liệt say sưa chưa bao giờ thấy.
Tiếp đến cuộc tuyên-thệ của Chính-phủ. Đứng trước lá quốc-kỳ, đứng trước quốc-dân, các nhân-viên của Chính-phủ lâm-thời nước Việt-Nam dân-chủ cộng-hòa bỏ mũ, đứng thẳng người, thề rằng: “sẽ kiên quyết lĩnh-đạo toàn dân giữ vững nền độc-lập cho tổ-quốc và thực-hiện bản chương-trình của Việt-Minh, đặng mang lại tự-do hạnh-phúc cho dân tộc; trong lúc giữ nền độc-lập, sẽ quyết vượt qua mọi nỗi khó-khăn, nguy-hiểm, dù phải hy-sinh tính-mệnh cũng không từ”.
Sau khi Chính-phủ tuyên-thệ, anh Võ-nguyên-Giáp, bộ-trưởng bộ Nội-vụ trong Chính-phủ lâm-thời đứng lên giãi bầy về tình-hình trong nước và những chính-sách của Chính-phủ. Lời nói của anh bộ-trưởng trẻ tuổi ấy có một sức hùng hồn, khích động vô cùng. Những tiếng vỗ tay, những tiếng gào thét phẫn-khích của dân-chúng luôn luôn đưa lên từ cái bể người đứng dưới đài.
Sau anh Võ-nguyên-Giáp là anh Trần-huy-Liệu, tường trình về cái sứ mệnh của anh vừa rồi vào Huế nhận sự thoái vị của vua Bảo-Đại. Anh đưa ra trình với quốc-dân chiếc ấn quốc-bảo và thanh kiếm bằng vàng mà vua Bảo-Đại đã trao cho anh tỏ dấu rằng từ nay đã trao chủ-quyền trong nước vào tay Chính-phủ của nhân-dân.
Đến lượt anh Nguyễn-lương-Bằng, đại-biểu của tổng-bộ Việt-Minh. Nhà chiến-sỹ Việt-Minh thuật qua lại cuộc tranh đấu đầy nỗi gian lao, khó khăn mà Việt-Minh đã theo đuổi trong mấy năm nay để mưu giải-phóng cho dân-tộc và kêu gọi toàn thể đồng-bào thống nhất, đoàn-kết lại để ủng-hộ Chính-phủ, để Chính-phủ có thể thi hành triệt để chương-trình kiến quốc của Việt-Minh.
3 giờ rưỡi, quốc-dân tuyên-thệ. Một anh trong ban tổ-chức đứng trước đài đọc to những lời thề. Mỗi lời đọc xong, toàn thể đồng-bào đứng dưới đài đều hô to: “xin thề!”. Trong cái tiếng “xin thề” đanh thép cất lên bởi hàng triệu người đồng-thanh một lúc ấy, biểu-lộ rõ cái ý-chí bền vững không gì lay-chuyển được của cả một dân-tộc đã quyết giữ lấy tự-do, độc-lập của mình bằng bất cứ một giá nào.
Vị Chủ-tịch Chính-phủ lâm-thời lại bước ra trước kỳ-đài nói thêm với quốc-dân một lời nữa, một lời tâm-huyết, nói bằng một giọng tha-thiết, thấm-thía vô cùng. Ông nhủ rằng: độc-lập là một của báu quí-giá vô-ngần, nay ta đã khổ-sở đau-đớn trong bao nhiêu lâu mới dành được nó, cần phải cố gắng dù phải hi-sinh đến bậc nào đi cũng quyết giữ lấy nó. Đám đông đứng im phăng phắc, trầm-ngâm nghe lời căn-dặn chí-tình của nhà chí-sĩ già mà nỗi lo âu về vận-mệnh của nước nhà đã suốt cả đời canh cánh bên lòng, nên mỗi lời nói ra đều nặng chĩu một ý thắc-mắc lớn...
Cuộc lễ đã hết. Bài “Tiến quân ca” do đội âm-nhạc nhà binh cử lên, được vang trên miệng hàng ngàn, hàng vạn con người... Các nhân viên Chính-phủ xuống đài...
Cuộc “mít-tinh” biến thành một cuộc biểu-tình vĩ-đại. Các đoàn-thể biểu-tình lần-lượt riễu quanh kỳ-đài rồi chia làm ba đường kéo đi...
Những giòng người ấy chẩy mãi đến hơn hai giờ mà vẫn chưa hết...