Hội nghị thi đua toàn quốc “Biểu dương người tốt, việc tốt trong đồng bào công giáo" lần thứ V, giai đoạn 2015-2020, do Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo (UBĐKCG) Việt Nam tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội. Đại biểu từ các giáo xứ, giáo họ trên cả nước đã mang đến hội nghị nhiều bài học quý về hoạt động từ thiện nhân đạo, những mô hình, kinh nghiệm phong phú từ phong trào thi đua (PTTĐ) yêu nước, "sống tốt đời, đẹp đạo"...
Nhiều tấm lòng thơm thảo vì cộng đồng
Giờ giải lao của hội nghị, chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Gái (80 tuổi, trú tại phố Bùi Ngọc Dương, phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, T.P Hà Nội), là giáo dân sinh hoạt tại Giáo xứ Thái Hà (Đống Đa, Hà Nội). Bà Gái được nhiều người ví như “bà tiên giữa đời thường" bởi nhiều năm qua, đều đặn vào các ngày thứ năm hằng tuần, bà cùng cán bộ, hội viên phụ nữ trong khu dân cư góp gạo, thịt... nấu hàng trăm suất cháo dinh dưỡng gửi tới các cháu nhỏ bệnh nặng, hoàn cảnh khó khăn tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Khi chúng tôi bày tỏ lòng cảm mến trước việc làm nhân ái đó, bà Nguyễn Thị Gái cười hiền: “Tôi thấy hạnh phúc khi mỗi ngày giúp được ai đó vơi bớt khó khăn trong cuộc sống...”.
Báo cáo tổng kết PTTĐ yêu nước, "sống tốt đời, đẹp đạo" trong đồng bào công giáo (ĐBCG) nhắc đến nhiều tấm lòng thơm thảo, tương thân tương ái, hết lòng vì cộng đồng của nhiều linh mục, tu sĩ, giáo dân mà những việc làm của họ đã góp phần nâng đỡ biết bao số phận bất hạnh, hoàn cảnh éo le. Điển hình là bà Nguyễn Thị Thanh Hương, giáo dân ở Giáo xứ Ba Làng (Nha Trang, Khánh Hòa), Giám đốc Công ty TNHH Tâm Hương (Khánh Hòa), đã bỏ tiền xây dựng hơn 300 căn nhà tình thương; sửa chữa hàng trăm căn nhà tặng hộ nghèo, gia đình có công với cách mạng, nạn nhân chất độc da cam/dioxin; tặng quà Bà mẹ Việt Nam anh hùng với tổng số tiền hơn 50 tỷ đồng. Linh mục Nguyễn Hữu Triết, Chánh xứ Tân Sa Châu (Tân Bình, TP Hồ Chí Minh), 10 năm qua duy trì “Bữa cơm nhân ái” miễn phí vào buổi trưa hằng ngày để hỗ trợ người lang thang cơ nhỡ, bán hàng rong, bán vé số, mua ve chai... Nữ tu Mai Thị Mậu 40 năm gắn bó với bệnh nhân phong tại Trại phong Di Linh (Lâm Đồng); chị Trần Thị Mai, giáo dân ở Quảng Bình, hy sinh thân mình cứu người trong lũ dữ, được truy tặng liệt sĩ; nữ tu Anna Trần Thị Hồng Phúc (Phòng khám từ thiện Kim Long, TP Huế) nhiều năm khám và điều trị miễn phí, hỗ trợ y tế cho hàng vạn lượt người...
Cùng với đó, nhiều tập thể giáo xứ, giáo họ cũng tích cực đóng góp công sức, tiền của tham gia xây dựng nông thôn mới, góp phần làm “thay da đổi thịt” nhiều vùng quê nghèo. Như tại Đắc Lắc, được sự động viên, kêu gọi của các linh mục quản xứ, hội đồng mục vụ giáo xứ, cộng đoàn giáo dân đã tự nguyện đóng góp hàng chục tỷ đồng nâng cấp, mở rộng, từng bước nhựa hóa đường liên thôn, liên xã, đường vào trường học. Đặc biệt, Giáo xứ Vinh Hòa ở xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin tự nguyện đóng góp 100% kinh phí, xây dựng hơn 5km đường nhựa và hệ thống kênh mương thoát nước. Tại tỉnh Sóc Trăng, kinh phí đóng góp của ĐBCG đã giúp xây được 5 cây cầu bê tông mới, kéo đủ đường điện phục vụ nhân dân. Ở tỉnh Long An, nhiều gia đình giáo dân huyện Thủ Thừa tự nguyện hiến đất, chặt cây giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho địa phương xây dựng các công trình công cộng...
Khơi dậy lòng tự hào, hăng hái thi đua
Trong những năm qua, PTTĐ yêu nước, "sống tốt đời, đẹp đạo", nhân rộng điển hình tiên tiến (ĐHTT) trong ĐBCG nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các đấng bậc trong giáo hội và sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), đoàn thể các cấp. Các PTTĐ có sự phát triển sâu rộng, khơi dậy lòng tự hào, sự năng động, sáng tạo của ĐBCG, qua đó xuất hiện ngày càng nhiều gương người tốt, việc tốt, ĐHTT xuất sắc trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, giúp bộ mặt của xứ, họ đạo ngày càng khởi sắc, đồng bào yên tâm giữ đạo, chu toàn trách nhiệm công dân.
Đặc biệt, giai đoạn 2015-2020, nhiều PTTĐ, nhân rộng ĐHTT trong ĐBCG tiếp tục có sự điều chỉnh, bổ sung qua từng giai đoạn, phù hợp với hoàn cảnh thực tế, nhằm định hướng tinh thần yêu nước cho ĐBCG thông qua những hành động thiết thực. Việc làm và đóng góp đáng kể của ĐBCG trong xây dựng, phát triển đất nước là minh chứng sống động, khẳng định truyền thống đoàn kết, gắn bó, đồng hành với dân tộc của ĐBCG.
Theo Linh mục Trần Xuân Mạnh, Chủ tịch UBĐKCG Việt Nam, đồng hành với các cấp, các ngành và toàn xã hội, UBĐKCG nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã đề ra các PTTĐ cụ thể, thiết thực, phù hợp với đặc điểm, tình hình địa phương, như: “Xây dựng xứ họ đạo 4 gương mẫu”; “Giáo dân sản xuất giỏi”; “Xây dựng xứ họ đạo tiên tiến, gia đình công giáo gương mẫu”... Tinh thần thi đua được khơi dậy, lan tỏa trên khắp cả nước với quy mô, hình thức tổ chức phong trào phong phú, đa dạng, nội dung thiết thực. Kết quả cho thấy, nhiều khu dân cư vùng ĐBCG trở thành ĐHTT trong phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tích cực tham gia Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo, chăm lo sự nghiệp giáo dục, dạy nghề, chăm sóc sức khỏe cộng đồng và trẻ mồ côi, khuyết tật, người già không nơi nương tựa; bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội và tham nhũng... Không ít gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng là người công giáo và nhiều quý linh mục, nam, nữ tu sĩ đã nêu gương sáng trong cuộc sống đạo-đời, xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp, văn minh.
Đặc biệt, chung tay phòng, chống đại dịch Covid-19 vừa qua, Giáo hội và ĐBCG cả nước đã tham gia hết sức hiệu quả, thể hiện nhiều nghĩa cử cao đẹp và việc làm bác ái, yêu thương, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nhanh chóng ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch. Những việc làm thiết thực đó vừa phù hợp với đạo đức Kitô giáo, vừa phù hợp với tôn chỉ, mục đích của UBĐKCG Việt Nam cũng như tinh thần gắn bó, đồng hành với dân tộc của Hội đồng Giám mục Việt Nam thể hiện trong các bản Thư chung.
Đánh giá hiệu quả thiết thực của PTTĐ, nhân rộng ĐHTT trong ĐBCG, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương, khẳng định: “Truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc và những huấn thị tốt đẹp của Giáo hoàng chính là cơ sở và điều kiện thuận lợi để ĐBCG Việt Nam tiếp tục dấn thân phục vụ đất nước và Giáo hội. Các ĐHTT xuất sắc trong ĐBCG Việt Nam chính là những tấm gương sáng, biểu hiện sinh động cho sự dấn thân phục vụ, “sống phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” theo tinh thần Thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam và Sứ điệp của Đại hội Dân Chúa năm 2010; thể hiện sâu sắc tấm lòng "kính Chúa yêu nước", sống tốt đời, đẹp đạo của ĐBCG Việt Nam”.