Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có văn bản chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Công văn nêu rõ, từ đầu năm 2020 đến nay, tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp và gặp những khó khăn, thách thức chưa từng có trong nhiều thập kỷ do tác động của đại dịch COVID-19. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng 1929-1933; các quốc gia, đối tác lớn của ta đều bị tác động, ảnh hưởng rất nặng nề.
Là nền kinh tế hội nhập sâu rộng và có độ mở lớn, nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế nước ta chịu ảnh hưởng rất lớn của dịch bệnh, nhất là một số lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch do tác động trực tiếp của dịch bệnh và xu hướng thị trường quốc tế, trong nước.
Trước tình hình đó, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện “mục tiêu kép”: Vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tập trung tháo gỡ vướng mắc, hỗ trợ kịp thời các doanh nghiệp gặp khó khăn, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống cho nhân dân.
Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, chúng ta đã đạt được những kết quả bước đầu trong kiểm soát, phòng chống dịch và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức còn rất lớn; nhiệm vụ đặt ra từ nay đến cuối năm 2020 và đầu năm 2021 là rất nặng nề.
Để phấn đấu thực hiện đạt mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2020 và tạo tiền đề thuận lợi cho năm 2021 và thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục quán triệt, tập trung chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trên các lĩnh vực theo các nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tập trung thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng trong nước, xuất khẩu và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để góp phần sớm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung vào một số nội dung trọng tâm sau:
Thứ nhất, lãnh đạo các địa phương và các bộ, cơ quan Trung ương phải đi sâu, đi sát, bám sát yêu cầu thực tiễn để tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh; theo dõi sát, nắm bắt kịp thời tình hình, xác định rõ những vướng mắc, khó khăn cụ thể đối với từng ngành, lĩnh vực, từng doanh nghiệp và trên từng địa bàn để có biện pháp, đối sách cụ thể sớm khắc phục, đồng thời tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Tiếp tục rà soát kỹ các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật để kịp thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện theo hướng thuộc thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó sửa đổi ngay; trường hợp vượt thẩm quyền kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để thống nhất giải quyết. Kiên quyết không để tình trạng còn rào cản, còn cơ chế, chính sách, quy định bất cập, không phù hợp với tình hình thực tiễn đối với đầu tư, sản xuất kinh doanh và các hoạt động kinh tế - xã hội.
Theo dõi sát tình hình thực tiễn để có giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, cả doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI và hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể.
Chú trọng đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, trong đó lưu ý rà soát, tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng, đất đai, tín dụng, thủ tục hành chính, nguồn nhân lực và những vấn đề liên quan. Kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, làm chậm, gây phiền hà, nhũng nhiễu cho người dân, doanh nghiệp.
Các đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo khẩn trương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bức xúc của người dân, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực phụ trách và trên địa bàn; trong đó, lưu ý rà soát kỹ, có giải pháp phù hợp, thúc đẩy mạnh mẽ, tạo thuận lợi cho tất cả các khâu trong quá trình đầu tư, sản xuất kinh doanh, từ nguyên vật liệu, các yếu tố đầu vào, đến sản xuất, chế biến và trung gian phân phối, thị trường, tiêu thụ sản phẩm…
Thứ hai, thúc đẩy mạnh mẽ tiêu dùng, trong đó đặc biệt chú trọng thị trường trong nước gần 100 triệu dân và có biện pháp phù hợp, hiệu quả để duy trì, phát triển các thị trường xuất khẩu, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các chương trình, giải pháp kích cầu tiêu dùng, phát triển mạnh thị trường trong nước dưới hình thức phù hợp như khuyến mại, giảm giá bán, tín dụng tiêu dùng, các biện pháp khác hỗ trợ người tiêu dùng trên toàn quốc.
Các doanh nghiệp, tổ chức kinh doanh thương mại, tiểu thương… tổ chức tốt việc đưa hàng hóa, dịch vụ đến các khu dân cư, khu công nghiệp, các địa bàn nông thôn, miền núi…, tạo thuận lợi và đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trên cả nước.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển mạnh thương mại điện tử và các mô hình kinh doanh mới phù hợp với đặc điểm tình hình và yêu cầu phát triển của từng ngành, lĩnh vực, địa bàn. Trong đó chỉ đạo điều hành cần đặt ra mục tiêu, nhiệm vụ và có chương trình, biện pháp cụ thể để kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường trong nước hiệu quả, bền vững. Đẩy mạnh các hình thức, phương thức kinh doanh khuyến khích tiêu dùng như kinh tế ban đêm, các hội chợ, triển lãm sản phẩm hàng hóa, dịch vụ…
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện và thực hiện đồng bộ, hiệu quả hơn các chính sách xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; xây dựng, triển khai hiệu quả các chương trình cụ thể phát triển thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao; có biện pháp thông tin truyền thông mạnh mẽ và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tận dụng hiệu quả các cơ hội của các hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA.
Triển khai hiệu quả các biện pháp phù hợp để duy trì và mở rộng, không để giảm thị phần, mất thị trường xuất khẩu, nhất là đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Đồng thời, đẩy mạnh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, góp phần bảo vệ phù hợp sản xuất kinh doanh và tiêu dùng trong nước.
Các bộ, ngành chức năng và các tỉnh, thành phố tập trung rà soát, có các cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp về huy động vốn, tín dụng, tài chính - ngân sách nhà nước, thuế, phí, lệ phí, thủ tục hành chính về xuất nhập khẩu, thuế, hải quan… gắn với các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước và thúc đẩy xuất khẩu để tạo thuận lợi, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thực hiện các chương trình này.
Thứ ba, quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là nguồn vốn ODA, tạo động lực góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động theo tinh thần các nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Từng bộ, ngành, địa phương tập trung rà soát kỹ danh mục các dự án đầu tư công, nắm bắt tình hình triển khai từng dự án để có biện pháp cụ thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoặc điều chuyển vốn sang các công trình, dự án khác có khả năng giải ngân tốt, sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là phấn đấu giải ngân hết số vốn kế hoạch năm 2019 và những năm trước chuyển sang; tập trung tháo gỡ khó khăn, giải ngân tối đa nguồn vốn ODA được giao theo kế hoạch.
Thực hiện nghiêm việc đánh giá cán bộ, công chức, cơ quan, đơn vị liên quan trong triển khai thực hiện nhiệm vụ; xử lý nghiêm minh các trường hợp cố tình làm chậm, gây khó khăn, nhũng nhiễu, vi phạm quy định, lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí về đầu tư công.
Yêu cầu các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và Văn phòng Chính phủ khẩn trương tổng hợp tình hình triển khai thực hiện, những khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị cụ thể để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt là đối với các dự án ODA và các dự án quan trọng, cấp bách để đưa ra thảo luận tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ với các địa phương tổ chức vào cuối tháng 9 năm 2020.
Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật và thực hiện hiệu quả các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi thuận lợi để thu hút hiệu quả các nguồn vốn đầu tư xã hội, trong đó có khu vực kinh tế tư nhân và khu vực FDI phục vụ cho các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, các đồng chí Bộ trưởng, Trưởng ngành, Chủ tịch UBND cấp tỉnh chú trọng chỉ đạo thực hiện hiệu quả hơn nữa các chính sách hỗ trợ người lao động, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, đời sống người dân và các nhiệm vụ phát triển văn hóa, xã hội, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh và tăng cường công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; đồng thời chuẩn bị phục vụ, tổ chức tốt Đại hội các đảng bộ trực thuộc Trung ương và thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Thủ tướng Chính phủ mong muốn và tin tưởng rằng, các đồng chí Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, tập trung quán triệt, động viên đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn thể hệ thống hành chính nhà nước tận tụy, nhiệt tâm, trách nhiệm với công việc; tập trung giải quyết, xử lý kịp thời, hiệu quả những vướng mắc, tạo thuận lợi và luôn đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức rất lớn hiện nay; kịp thời báo cáo và đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những vấn đề mới phát sinh để thống nhất biện pháp xử lý.