Về Kha Sơn Anh hùng

10:34, 02/09/2020

Những ngày tháng Tám lịch sử, chúng tôi lại về Kha Sơn (Phú Bình), xã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân” thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đi giữa rợp đường cờ, hoa, biểu ngữ, chúng tôi lây vui trước những đổi thay của một miền quê giàu truyền thống cách mạng. 

Cụ Nguyễn Thị Lung, 97 tuổi, cán bộ tiền khởi nghĩa ở xóm Tây Bắc: “Kha Sơn là một trong những vùng đất đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên thành lập được chính quyền cách mạng; là địa phương giành được chính quyền sớm nhất trong cả nước”

Đã 75 trôi qua, nhưng thời gian không làm lạt phai những sự kiện lịch sử trọng đại của một vùng đất. Các thế hệ người Kha Sơn lớp sau theo lớp trước phát huy truyền thống, đồng lòng, chung sức xây dựng quê hương ngày thêm đổi mới.

Cụ Nguyễn Thị Lung, 97 tuổi, là cán bộ tiền khởi nghĩa ở xóm Tây Bắc. Cụ được ví là nhân chứng sống của lịch sử. Gần trăm năm cuộc đời, cụ thấm thía nỗi nhục của người dân mất nước; thấu nỗi đau của những người mẹ liệt sĩ, và cảm nhận được sâu sắc niềm vinh quang của một dân tộc được đổi bằng máu xương. Dù cao tuổi, trí nhớ lào phào như mây gió, nhưng khi kể về ngày “đất nước đứng lên”, cụ nói bằng cả niềm tự hào: Kha Sơn, một trong những vùng đất đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên thành lập được chính quyền cách mạng; đồng thời là địa phương giành được chính quyền sớm nhất trong cả nước.

Cụ Nguyễn Thị Lung, 97 tuổi, cán bộ tiền khởi nghĩa ở xã Kha Sơn kể chuyện về phong trào đấu tranh cách mạng tháng Tám năm 1945.

Vâng! Kha Sơn - vùng An toàn khu thứ 2, nơi các cơ quan Trung ương và Xứ ủy Bắc Kỳ hoạt động. Và từ đây phong trào đấu tranh cách mạng được lan rộng sang các vùng lân cận. Chị Nguyễn Thị Nga, công chức văn hóa xã ví von: Dẫu thời gian trôi đi, nhưng trên miền đất Kha Sơn còn lưu lại bao dấu tích tự hào. Đó là các di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh, gồm: Chùa Mai Sơn, đình Kha Sơn Hạ, chùa làng Ca, đình Kha Sơn Thượng, nền nhà ông Cao Nhật, rừng Mấn và rừng Rác. Hầu hết các di tích đình, chùa còn giữ nguyên trạng cho nhân dân trong vùng thực hành các nghi lễ tín ngưỡng tâm linh theo quy định của pháp luật; nền nhà ông Cao Nhật được dựng bia lưu lại dấu tích… 

Nhìn trên bản đồ hành chính, dễ nhận thấy Kha Sơn là vùng địa lợi, nhân hòa, hết sức thuận tiện cho việc hoạt động bí mật an toàn của cán bộ cách mạng. Chính vì thế Kha Sơn được coi là “mắt nối” quan trọng giữa hai vùng An toàn khu II của Hiệp Hòa (Bắc Giang) với Phổ Yên (Thái Nguyên) những năm 1939-1945. Trong giai đoạn này, nhiều cán bộ của Đảng đã ở và làm việc như đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng; các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Hoàng Quốc Việt là Thường vụ Trung ương cùng nhiều cán bộ của Xứ ủy Bắc kỳ là các đồng chí Lê Thanh Nghị, Hoàng Văn Thái, Ngô Thế Sơn, Hà Thị Quế...

Vẫn còn đây bia đá tạc thành dòng sử: Đình Kha Sơn Thượng, Di tích lịch sử xếp hạng Quốc gia. Nơi đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt từng hoạt động thời kỳ 1939-1945. Ngày 14/3/1945, nhân dân xã Kha Sơn tập trung tại đình dự mít tinh thành lập chính quyền của xã. Rồi chùa Mai Sơn, Di tích lịch sử xếp hạng Quốc gia. Chùa xây dựng năm 1704, là nơi Xứ ủy Bắc Kỳ đặt “Nhà in đặc biệt Khu”, in Báo Cờ Giải phóng… thời kỳ 1943-1944. Tại đây còn mở các lớp huấn luyện chính trị, quân sự do các đồng chí Trần Độ, Hà Thị Quế… giảng dạy.

Vào tháng Tám hằng năm, người dân trong vùng đến chùa Mai Sơn để cùng nói chuyện truyền thống và xây dựng quê hương đổi mới. 

Bên mái chùa Mai Sơn, tiếng mõ cùng lời kinh nguyện vọng vào thinh không, rơi xuống dòng sông Cầu. Đã 316 năm nay ngôi chùa đứng đó và chứng kiến bao đổi thay xã hội. Nhiều tài liệu quan trọng của Đảng như Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8; Chương trình; Điều lệ Việt Minh; Báo Cờ Giải Phóng; một số cuốn sách viết về chiến tranh du kích... đã được in ấn tại chùa. Rồi từ đây các loại sách, báo, tài liệu quan trọng của Đảng được chuyển đến tay cán bộ, nhân dân trong vùng. Các tài liệu ấy ví như ngọn đuốc soi sáng bao làng quê lầm than, lam lũ và có sức mạnh hiệu triệu hàng vạn nông dân đứng lên đấu tranh phá bỏ gông cùm.

Như một hướng dẫn viên du lịch, bà Phó Thị Xuân, 63 tuổi, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Kha Sơn, nay trực tiếp làm Trưởng Ban Hộ tự chùa Mai Sơn giới thiệu với chúng tôi về lịch sử, giá trị văn hóa của ngôi chùa Mai Sơn, đặc biệt là giai đoạn lịch sử trước cách mạng Tháng Tám năm 1945… Giây lát dừng lời, bà tiếp tục câu chuyện: Liên quan đến các sự kiện lịch sử trong vùng là đình Kha Sơn Hạ, nơi cất giấu tài liệu của Trung ương; đình Kha Sơn Thượng, nơi các đồng chí Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt ở và chỉ đạo phong trào; đồng thời kiểm tra các hoạt động của cơ quan Trung ương; nhà ông Cao Nhật, nơi ở và làm việc của cán bộ Xứ ủy Bắc kỳ; rừng Rác, nơi thành lập tổ trung kiên cách mạng năm 1943; rừng Mấn, nơi đặt trạm liên lạc của Xứ ủy Bắc kỳ.

Có mặt ở sân chùa Mai Sơn, cụ Dương Thị Thịnh, 86 tuổi kể: Được rừng che trở, nhân dân đùm bọc, bảo vệ, nên địa bàn xã Kha Sơn còn được Trung ương Đảng lựa chọn tổ chức nhiều các Hội nghị quan trọng như: Hội nghị Quân sự Bắc kỳ tổ chức vào tháng 8-1944, do đồng chí Trường Chinh và Hoàng Quốc Việt chủ trì; Hội nghị phổ biến Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của Thường vụ Trung ương diễn ra vào ngày 13/3/1945. 

Ông Nguyễn Văn Hào, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Phát huy truyền thống quê hương cách mạng, các thế hệ cán bộ, nhân dân xã Kha Sơn luôn phấn đấu, xây dựng một Kha Sơn đổi mới, giàu đẹp, xứng tầm với lợi thế vùng đất cửa ngõ phía Nam huyện; xứng đáng với mong cậy của người đi trước.