Đề xuất tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu giấy đến hết năm 2022

14:03, 21/10/2020

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng nay (21-10), dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã thảo luận trực tuyến về Luật Cư trú (sửa đổi).

Hai phương án cho việc bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, so với dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ chín, dự thảo đã được tiếp thu, chỉnh lý tại 42 điều, trong đó tập trung làm rõ phạm vi điều chỉnh của Luật; chỉnh lý, bổ sung nội dung giải thích một số từ ngữ liên quan đến cư trú; quy định nguyên tắc thực hiện quyền tự do cư trú của công dân, nguyên tắc về quản lý cư trú. Đồng thời, rà soát các trường hợp quyền tự do cư trú cần bị hạn chế, việc bảo đảm thực hiện quyền tự do cư trú và hoạt động quản lý cư trú, các hành vi bị nghiêm cấm về cư trú; quy định cụ thể hơn quyền, nghĩa vụ của công dân về cư trú, nghĩa vụ của chủ hộ và thành viên hộ gia đình về cư trú…

Đáng chú ý, tiếp thu ý kiến của các đại biểu tại kỳ họp thứ chín, dự thảo bổ sung quy định cho phép người dân được tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp cho đến hết ngày 31-12-2022 để chứng minh thông tin về nơi cư trú. Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú trong trường hợp này không được coi là công cụ quản lý cư trú như hiện nay mà chỉ đơn thuần là giấy tờ xác nhận nơi cư trú công dân.

Bởi mặc dù việc chuyển sang phương thức quản lý cư trú mới là hết sức cấp bách và cần được thực hiện ngay từ thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành (ngày 1-7-2021), nhưng trong giai đoạn đầu khi việc bảo đảm điều kiện kỹ thuật cho kết nối liên thông giữa các bộ, ngành, địa phương với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú vẫn đang trong quá trình triển khai, hoàn thiện, thì khi thực hiện thủ tục hành chính hoặc giao dịch tại các cơ quan, tổ chức chưa kịp triển khai xong việc kết nối liên thông hoặc với các tổ chức, cá nhân bên ngoài hệ thống các cơ quan nhà nước, người dân vẫn phải có giấy tờ nhất định để chứng minh về nơi cư trú của mình.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh: “Việc cho phép người dân tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú sẽ tránh được việc làm phát sinh thêm thủ tục, thêm khó khăn, phiền phức cho người dân, tạo áp lực quá lớn cho các cơ quan quản lý, đăng ký cư trú tại thời điểm Luật mới có hiệu lực thi hành. Do ý kiến còn khác nhau nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép thiết kế nội dung này thành hai phương án". 

Trong đó, phương án 1, quy định sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31-12-2022. Phương án 2, quy định sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không có giá trị sử dụng trong các giao dịch, quan hệ pháp luật được xác lập mới kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành (ngày 1-7-2021).

Đề xuất sử dụng sổ hộ khẩu giấy đến hết năm 2022

Thảo luận trực tuyến, đa số ý kiến đề nghị cho phép người dân được tiếp tục sử dụng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã được cấp cho đến hết ngày 31-12-2022 để chứng minh thông tin về nơi cư trú.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Đoàn Quảng Bình) đồng ý với phương án 1. Đại biểu nêu quan điểm, khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký, khai báo về cư trú dẫn đến thay đổi thông tin trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi sổ hộ khẩu, sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật này và không cấp mới, cấp lại sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

Về vấn đề này, đại biểu Trần Thị Dung (Đoàn Điện Biên) cho rằng, việc bỏ sổ hộ khẩu là vấn đề lớn liên quan trực tiếp đến cuộc sống người dân và phương thức hoạt động của các cơ quan, tổ chức liên quan. Do đó, phải được xem xét, cân nhắc, đánh giá toàn diện một cách thận trọng để tránh làm khó cho người dân. Cá nhân đại biểu này đồng ý với phương án kéo dài thời gian có hiệu lực đối với sổ hộ khẩu cho đến ngày 31-12-2022. 

Bên cạnh đó, có ý kiến vẫn còn lo ngại rằng, thời điểm ngày 31-12-2022 có thể vẫn chưa bảo đảm để hoàn tất việc kết nối liên thông, chuyển đổi số đối với quản lý thông tin về cư trú trong toàn xã hội, nên cần kéo dài hơn nữa thời hạn này.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn Hà Nội) cho rằng, dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) đi vào cuộc sống cần có thời gian để bảo đảm sự thích ứng kịp thời của các cơ quan nhà nước có liên quan, tránh làm phát sinh thêm thủ tục, gây khó khăn, phiền hà cho người dân.

Ngoài ra, đại biểu Trần Văn Mão (Đoàn Nghệ An) băn khoăn về quy định: “Vắng mặt tại nơi thường trú trên 12 tháng liên tục mà không đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không phải để định cư”.

“Cần cân nhắc điều này vì trên thực tế, nhiều công dân Việt Nam đi lao động, học tập ở nước ngoài nhưng vẫn đăng ký chỗ ở hợp pháp tại Việt Nam. Quy định này sẽ gây khó khăn cho việc đăng ký tạm trú tại địa phương cũng như công tác quản lý hộ tịch, chi phí của công dân”, đại biểu Trần Văn Mão nói.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan soạn thảo, thẩm tra tiếp tục tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để bổ sung hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua.