Góp phần làm trong sạch bộ máy

09:03, 10/10/2020

Trong giai đoạn 2015-2020, các cấp, ngành chức năng trong tỉnh đã tập trung quán triệt, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng (PCTN), đồng thời nghiêm khắc xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, tạo được sự răn đe, ngăn ngừa rất lớn. Song hành với công tác điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, cơ quan chức năng đã xử lý tình trạng tham nhũng vặt đối với một số cán bộ, công chức, viên chức có hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp để kiếm lợi bất chính… Từ đó góp phần làm trong sạch bộ máy, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.  

Từ thực tế cho thấy, 5 năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp trong công tác PCTN. Cùng với việc thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các văn bản chỉ đạo của Trung ương về công tác này, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã xây dựng và ban hành Đề án số 07-ĐA/TU ngày 25/11/2016 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện và xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020”. Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng trong tỉnh tăng cường quán triệt, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về PCTN, triển khai thực hiện toàn diện công tác này.

Ban Nội chính Tỉnh ủy đã phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa, hàng năm, trong đó có nội dung kiểm tra, giám sát về PCTN; tiến hành 04 cuộc kiểm tra về lĩnh vực PCTN tại 24 đơn vị; tập trung thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng; thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Qua kiểm tra, giám sát, cơ quan chức năng đã giúp cho cấp ủy, tổ chức đảng nhận thức rõ hơn về trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và phương pháp kiểm tra, giám sát công tác PCTN, kịp thời phát hiện những thiếu sót, sơ hở trong lãnh đạo, quản lý để điều chỉnh, bổ sung, đồng thời chấn chỉnh, uốn nắn, xử lý những tổ chức, cá nhân sai phạm. Sau các cuộc kiểm tra, cơ quan chức năng đã chuyển 05 vụ việc đến Cơ quan điều tra Công an tỉnh để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Riêng ban Nội chính Tỉnh ủy tổ chức 03 cuộc kiểm tra, giám sát tại 15 đơn vị về công tác PCTN.   

Cơ quan chức năng của tỉnh cũng đã tập trung thanh tra một số lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như: Quản lý, sử dụng đất đai, khoáng sản, đầu tư xây dựng; tài chính, ngân sách... kịp thời kiến nghị xử lý nghiêm các sai phạm, góp phần PCTN. Trong đó, các cơ quan tố tụng đã vào cuộc tích cực để phát hiện, xử lý các vụ án tham nhũng, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng được dư luận xã hội đồng tình, góp phần răn đe, giáo dục, phòng ngừa tham nhũng, thu hồi tài sản bị thất thoát. Cụ thể, cơ quan điều tra của Công an tỉnh và công an cấp huyện khởi tố mới 16 vụ/31 bị can; viện kiểm sát nhân dân hai cấp trong tỉnh truy tố 12 vụ/20 bị can; tòa án nhân dân hai cấp xét xử 15 vụ/26 bị cáo, tài sản tham nhũng đã thu hồi trong quá trình điều tra là gần 3,6 tỷ đồng, đạt 86,6%.

Ngày 24/9/2020, Tòa án Nhân dân huyện Phú Bình đã mở phiên tòa công khai xét xử vụ án “lạm quyền trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại UBND xã Tân Khánh (ảnh chụp qua màn hình tại phiên tòa). Ảnh: C.T.V

Xác định vấn nạn tham nhũng vặt tác động xấu, ảnh hưởng lớn đến cơ quan Đảng, hành chính Nhà nước trên địa bàn nên Thường trực Tỉnh ủy đã ban hành 02 văn bản chỉ đạo xử lý tham nhũng vặt và rà soát, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN.

Thực hiện sự chỉ đạo này, các cơ quan chức năng của tỉnh đã phát hiện, tham mưu với Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh xử lý 1 vụ án, 4 vụ việc “tham nhũng vặt”, cụ thể là: Vụ án “lạm quyền trong khi thi hành công vụ” tại Đảng ủy, UBND xã Tân Khánh (Phú Bình); vụ việc công chức địa chính xã Văn Hán (Đồng Hỷ) có hành vi nhũng nhiễu, nhận tiền của người dân để thực hiện việc lập hồ sơ chuyển nhượng, chuyển đổi quyền sử dụng đất; vụ cán bộ Tư pháp xã Tân Lợi (Đồng Hỷ) có hành vi nhũng nhiễu, nhận tiền của nhân dân; vụ cán bộ thú y xã Dân Tiến (Võ Nhai) có hành vi nhũng nhiễu, nhận tiền của người dân khi tham gia đoàn tiêu hủy, dập dịch tả lợn châu Phi; vụ thư ký Tòa án Nhân dân T.P Sông Công vi phạm quy tắc ứng xử của ngành Tòa án trong khi thi hành công vụ, vòi vĩnh người dân tham gia phiên tòa xét xử. Số cán bộ, công chức, viên chức tham nhũng vặt bị cơ quan chức năng của tỉnh phát hiện, xử lý và thông tin công khai đã góp phần tuyên truyền, phòng ngừa, khắc phục những kẽ hở về thể chế, về quản lý cán bộ, đảng viên để tăng cường PCTN…

Kết quả công tác PCTN trên địa bàn tỉnh trong nhiệm kỳ qua đã có sự chuyển biến tích cực, nhận được sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tuy nhiên, nguy cơ tham nhũng vẫn còn tiềm ẩn, tình trạng cán bộ, công chức, viên chức cố tình gây phiền hà để nhũng nhiễu chưa được xử lý triệt để. Do đó, trong thời gian tới, các cơ quan chức năng trong tỉnh xác định cần tiếp tục nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ án, vụ việc về tham nhũng. Cùng với đó, người dân kiến nghị nên có hòm thư, đường dây nóng để kpj thời tố cáo hành vi nhũng nhiễu, tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức; các cấp, ngành, cơ quan chức năng có chính sách bảo vệ toàn diện người tố cáo tham nhũng…