Với đặc điểm là tỉnh trung tâm vùng các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, với 46 dân tộc trên tổng số 54 dân tộc tại Việt Nam sinh sống, Thái Nguyên là mảnh đất giàu truyền thống lịch sử cách mạng qua các thời kỳ đấu tranh dựng nước và giữ nước; nơi hội tụ, giao thoa của các nền văn hoá với những nét văn hoá đặc sắc trong đời sống của đồng bào các dân tộc; được thiên nhiên ban tặng cho nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp… tạo cho Thái Nguyên một nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh một cách bền vững.
Những năm qua, ngành Du lịch Thái Nguyên cũng đã có những bước phát triển quan trọng về hạ tầng, quảng bá và xây dựng các sản phẩm du lịch, từ đó tạo sức hút đối với du khách trong nước và quốc tế. Thống kê cho thấy, năm 2019, tổng lượt khách đến Thái Nguyên ước đạt 2.900.000 lượt, tăng 49.7% so với năm 2015, khách do các công ty lữ hành phục vụ ước đạt 150.000 lượt tăng 47%; tổng doanh thu từ các doanh nghiệp du lịch ước đạt 430 tỷ đồng tăng 131% so với năm 2015,với các sản phẩm du lịch như: Du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, du lịch về nguồn đã được quan tâm đầu tư. Tỉnh cũng đã thu hút được nhiều tập đoàn kinh tế lớn đến khảo sát nghiên cứu các dự án phát triển du lịch (như Doanh nghiệp Xuân Trường, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Trường An, tập đoàn FLC, Tập đoàn T&T...).
Sản phẩm du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng của Thái Nguyên tập trung khai thác chủ yếu vùng hồ Núi Cốc; các vùng chè Tân Cương, La Bằng, Trại Cài; phong cảnh thiên nhiên hang Phượng Hoàng, suối Mỏ Gà (huyện Võ Nhai), hồ Vai Miếu, suối Cửa Từ, thác Đát Đắng (huyện Đại Từ), Không gian văn hóa Trà Tân Cương, Khu bảo tồn làng nhà sàn du lịch sinh thái Thái Hải, Trung tâm Thương mại - Du lịch Dũng Tân và các làng nghề, đặc biệt là các làng nghề chè truyền thống; thưởng thức các sản vật ẩm thực đặc trưng và các di sản văn hoá đặc sắc của đồng bào các dân tộc.
Hoạt động du lịch về nguồn với các di tích lịch sử, đưa du khách về thăm chiến khu xưa tại Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK - Định Hoá, đại bản doanh của các cơ quan đầu não Trung ương trong kháng chiến chống thực dân Pháp thời kỳ 1945-1954; Khu Di tích Lịch sử Quốc gia TNXP Đại đội 915 - nơi lưu giữ các giá trị lịch sử về sự hy sinh của 60 thanh niên xung phong Đại đội 915, Khu di tích Lịch sử Quốc gia 27/7 - nơi ra đời Ngày Thương binh liệt sĩ; Khu di tích Vua Lý Nam Đế - quê hương của vị hoàng đế đầu tiên của Việt Nam. Cùng với đó, hệ thống chùa, đình, đền như Chùa Hang, Chùa Phù Liễn, Chùa Đán, Đền Xương Rồng (T.P Thái Nguyên), Đình Phương Độ, Đình Hộ Lệnh (Phú Bình); Đền Đuổm (Phú Lương), Đền Lục Giáp, Đền Mục, Chùa Hương Ấp (T.X Phổ Yên) với trên 80 lễ hội truyền thống cũng đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan, chiêm bái.
Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, được Đảng, Nhà nước xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của đất nước phát triển, cần được khai thác hiệu quả. Những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã quan tâm chỉ đạo nhằm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Ngày 03/8/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên đã ban hành Chương trình hành động số 16-CTr/TU, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 188/KH-UBND ngày 29/12/2017 về xây dựng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; tỉnh đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Hồ Núi Cốc tỉnh Thái Nguyên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (tại Quyết định số 2228/QĐ-TTg ngày 18/11/2016). Cùng với việc triển khai các Quy hoạch, Chương trình, Kế hoạch, Thái Nguyên đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, song vẫn chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế, kết quả đạt được vẫn chưa đạt yêu cầu. Đó là, việc xây dựng sản phẩm du lịch của Thái Nguyên chưa hiệu quả, chưa có sản phẩm du lịch đặc trưng riêng có của Thái Nguyên; hạ tầng du lịch còn thiếu và yếu như giao thông ở phía Đông sườn Tam Đảo, ATK Định Hóa; chưa có khách sạn 5 sao; kinh tế đêm chưa phát triển (như chợ đêm hay hoạt động văn hoá giải trí; hệ thống nhà hàng, trung tâm mua sắm phục vụ khách du lịch Đoàn chưa có); việc huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực du lịch còn hạn chế; việc xúc tiến, quảng bá du lịch chưa sáng tạo, hiệu quả chưa cao; thiếu nguồn lực, trong khi các hoạt động xúc tiến du lịch, hoạt động quảng bá du lịch ứng dụng công nghệ thông tin và chất lượng đòi hỏi lượng kinh phí lớn... Yếu tố hạn chế trên là nguyên nhân cơ bản dẫn đến du lịch Thái Nguyên thời gian qua chưa đóng góp lớn vào nền kinh tế của tỉnh.
Để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, đưa du lịch Thái Nguyên phát triển trở thành ngành kinh tế quan trọng, có tính chuyên nghiệp, đồng bộ, hiện đại, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, trong thời gian tới cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục làm tốt công tác quy hoạch về phát triển du lịch gắn với quy hoạch tổng thể kinh tế xã hội của tỉnh; gắn với quản lý quy hoạch đô thị, quy hoạch các ngành và lĩnh vực. Đẩy mạnh hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh lân cận trong vùng, khu vực và cả nước có kinh tế du lịch phát triển.
Hai là, tập trung mọi nguồn lực nhà nước, doanh nghiệp nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng du lịch sinh thái nghỉ dưỡng với tài nguyên du lịch là Hồ Núi Cốc và các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của vùng Trà Tân Cương, Đại Từ; du lịch về nguồn với tài nguyên du lịch là các giá trị lịch sử văn hóa di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa và các giá trị văn hóa phi vật thể của đồng bào các dân tộc vùng ATK; triển khai hiệu quả Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa gắn với phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030 sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông kết nối trung tâm T.P Thái Nguyên đến Khu Di tích Lch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; hệ thống đường hạ tầng du lịch kết nối các di tích trong quần thể di tích và kết nối với ATK Tân Trào (Tuyên Quang), ATK Chợ Đồn (Bắc Kạn), đường du lịch quần thể Di tích Lý Nam Đế, Đình đền chùa Cầu Muối. Có chính sách thu hút đầu tư cho phát triển hạ tầng du lịch, đặc biệt là nhà đầu tư chiến lược. Phối hợp với các địa phương trong vùng Việt Bắc đề xuất các cơ chế mang tính liên kết vùng nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh hình thành “chuỗi sản xuất”, “chuỗi giá trị” có thương hiệu, giá trị gia tăng cao.
Ba là, lập dự án Dịch vụ văn hóa, du lịch tại trung tâm T.P Thái Nguyên (theo mô hình tổ chức Chợ đêm) với các hoạt động văn hóa, dịch vụ, quảng bá giới thiệu văn hóa trà và các sản phẩm đặc trưng của địa phương làm điểm nhấn thu hút khách du lịch, giữ chân du khách lưu trú tại Thái Nguyên; nghiên cứu chính sách thúc đẩy “kinh tế ban đêm”. Hình thành Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch của tỉnh Thái Nguyên để có nguồn lực hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Tiếp tục tham mưu tổ chức các hoạt động thực hiện Quyết định số 203/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể của Trà Thái Nguyên. Trên cơ sở tiềm năng du lịch hiện có của tỉnh tạo sản phẩm du lịch đặc trưng thu hút khách du lịch đến Thái Nguyên (du lịch sinh thái Hồ Núi Cốc trên cơ sở khai thác cảnh quan, nghỉ dưỡng và thể thao đặc biệt là sân Golf; du lịch văn hoá gắn với hoạt động về nguồn, văn hoá tâm linh, di sản văn hoá; du lịch sinh thái với sản phẩm văn hoá Trà, du lịch khám phá vùng cảnh quan Đông Tam Đảo và hang động của Thái Nguyên).
Bốn là, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch theo hướng chuyên nghiệp hóa, trong đó quan tâm đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, đặc biệt là người dân ở các khu, điểm du lịch cộng đồng; tăng cường đào tạo nghiệp vụ, ngoại ngữ và kỹ năng phục vụ cho đội ngũ nhân viên, hướng dẫn viên du lịch đảm bảo tính chuyên nghiệp cao. Đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu của doanh nghiệp, khuyến khích đào tạo nghề để chuyển dịch lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang dịch vụ; thu hút nhân lực chất lượng cao để nhanh chóng khắc phục yếu kém hiện nay trong ngành du lịch của tỉnh.
Năm là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá hoạt động xúc tiến du lịch, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về vị trí, vai trò của phát triển du lịch đối với phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự đồng thuận và phát huy vai trò chủ thể của người dân trong phát triển du lịch. Thường xuyên có các hoạt động thông tin quảng bá, xúc tiến du lịch theo hướng chuyên nghiệp nhằm vào thị trường mục tiêu, lấy sản phẩm và thương hiệu du lịch làm trọng tâm. Phối hợp với các cơ quan đại diện ngoại giao, các hãng truyền thông, các hãng hàng không và lữ hành lớn để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Thái Nguyên phù hợp với các mục tiêu đã xác định. Trước mắt hoàn thành dự án Cổng thông tin du lịch thông minh tỉnh. Tiếp tục khai thác có hiệu quả các trang website du lịch của tỉnh với thông tin được cập nhật thường xuyên để quảng bá về du lịch Thái Nguyên; đầu tư quảng bá du lịch Thái Nguyên trên mạng xã hội; xây dựng các chương trình phát thanh, truyền hình chuyên về du lịch của tỉnh; tổ chức các sự kiện văn hoá du lịch có trọng tâm và chất lượng cao trong và ngoài tỉnh; tiếp tục tham gia các hội chợ, triển lãm du lịch, các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch có chất lượng trong nước và quốc tế.
Sáu là, tiếp tục chỉ đạo các địa phương làm tốt công tác bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, danh lam thắng cảnh gắn với lễ hội truyền thống tại các địa phương để phát huy giá trị các di tích lịch sử, trở thành điểm đến hấp dẫn du khách (Khu tưởng niệm 60 liệt sĩ TNXP Đại đội 915, quần thể Di tích Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; các lễ hội: Đình, Đền chùa Cầu Muối, Đền Đuổm, Lồng Tồng, Chùa Hang, Núi Văn - Núi Võ...).
Bảy là, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển du lịch kết hợp với việc nâng cao ý thức của người dân về tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, sinh thái tại các khu, điểm du lịch; ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ các hoạt động kinh doanh du lịch nhằm đa dạng hóa các loại hình dịch vụ du lịch. Triển khai thực hiện các quy hoạch, các đề án bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển hài hòa giữa các ngành kinh tế, các loại hình dịch vụ.
Tám là, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng; hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền; vai trò vận động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, mở rộng hợp tác quốc tế, xây dựng Thái Nguyên trở thành tỉnh có môi trường sống, môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh, thân thiện, an toàn và hấp dẫn; làm tốt công tác phòng chống tệ nạn xã hội, buôn lậu, gian lận thương mại và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về dịch vụ du lịch với các nước, các tổ chức quốc tế.