Vai trò của ĐHTN trong đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ

14:30, 13/10/2020

Đảng bộ Đại học Thái Nguyên (ĐHTN) có 7 trường đại học thành viên; 1 trường cao đẳng; 1 trường Ngoại ngữ, Khoa Quốc tế và Phân hiệu ĐHTN tại tỉnh Lào Cai, 17 viện nghiên cứu và các đơn vị trực thuộc. Đội ngũ có gần 4.000 người, trong đó có 2.543 cán bộ giảng dạy, 151 giáo sư, phó giáo sư, 764 tiến sĩ.   

Năng lực của Đảng bộ ĐHTN

Năng lực đào tạo và NCKH ở tất cả các lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp, y dược, giáo dục, khoa học cơ bản, kinh tế, ngoại ngữ và CNTT…Đây là những lĩnh vực cơ bản, trọng yếu cho phát triển kinh tế - xã hội. Đại học Thái Nguyên tăng cường việc gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ - coi đây là chiến lược mũi nhọn của toàn Đại học.

Đại học Thái Nguyên đã ký hợp tác toàn diện về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ với các tỉnh thuộc vùng trung du, miền núi phía Bắc, thực hiện hàng trăm chương trình chuyển giao công nghệ cho hầu hết các tỉnh trong vùng, nhiều chương trình mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Trong đó, Chương trình hợp tác với tỉnh Thái Nguyên ký kết từ tháng 9/2016 thực hiện trong 5 năm, đến nay đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận. 

Đại học Thái Nguyên trong nhóm 10 các trường đại học có công bố quốc tế tốt nhất Việt Nam. Theo xếp hạng chỉ số nghiên cứu nội lực, ĐHTN xếp hạng thứ 3/35 trường đại học. Với quy mô gần 60.000 SV, trong đó có 4.000 học viên cao học và NCS, hơn 1.000 SV quốc tế, ĐHTN đã và đang đào tạo có chất lượng nguồn nhân lực cho vùng và đất nước, chuyển giao KHCN thành công; tư vấn chính sách có hiệu quả và góp phần tăng trưởng kinh tế của vùng và đất nước.

Các nhà khoa học Đại học Thái Nguyên đã được tín nhiệm giao các nhiệm vụ KHCN do Trung ương và các Bộ, ban ngành đặt hàng. ĐHTN đã tham gia đánh giá, phản biện, tư vấn các chính sách của Đảng và Nhà nước trong 30 năm đổi mới; đề án quy hoạch mạng lưới trường đại học và xây dựng các Luật; tham gia đề xuất và phản biện đối với các chính sách xã hội liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số, vùng núi và khu vực đặc biệt khó khăn; đồng hành cùng với Chương trình nông thôn mới trong việc chuyển giao các tiến bộ KHCN vào thực tiễn sản xuất. Đặc biệt, ĐHTN đã tham gia xây dựng, góp ý đối với các chiến lược mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trọng điểm trong xây dựng văn kiện trình Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 một số tỉnh thuộc khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ.

Kết quả đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh Thái Nguyên

- Về đào tạo trình độ đại học: Trong 5 năm qua, số lượng thí sinh Thái Nguyên trúng tuyển đại học chính quy vào Đại học Thái Nguyên từ 3.200 - 3.500/năm (40 - 45%); 25,5% học sinh THPT lựa chọn vào học đại học tại Đại học Thái Nguyên. Sinh viên có hộ khẩu tại tỉnh Thái Nguyên tốt nghiệp hằng năm từ 2.500 - 3.200 sinh viên ở các lĩnh vực: khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, nông lâm nghiệp, quản lý tài nguyên và môi trường, kinh tế và quản trị kinh doanh, du lịch và dịch vụ, y tế và giáo dục. Sinh viên tốt nghiệp đã góp phần bổ sung nhân lực cho các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp công nghiệp và dịch vụ trên địa bàn, tỷ lệ có việc làm gần 80%. Đặc biệt, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đã phối hợp với Đại học Thái Nguyên, hợp tác với Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông, Trường Ngoại ngữ, Trường Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật để đào tạo sinh viên chuyên về lập trình phần mềm, với tỷ lệ tuyển dụng gần 80%; sinh viên tiếng Trung, tiếng Hàn Quốc có việc làm từ 80-100% sau tốt nghiệp.

- Về đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ: Số lượng cán bộ công chức, viên chức và các thành phần kinh tế của tỉnh học Thạc sĩ tại Đại học Thái Nguyên là 2.398 người, chiếm 30,7% toàn Đại học; mỗi năm có từ 400 - 420 người có hộ khẩu tỉnh Thái Nguyên tốt nghiệp thạc sĩ. Số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tốt nghiệp thạc sĩ này góp phần nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn theo hương chuyên sâu, nhất là các nghiên cứu đề tài thạc sĩ ứng dụng vào lĩnh vực công tác của cơ quan đơn vị. Số lượng bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ nội trú tốt nghiệp từ 150 - 200 người/năm có trình độ chuyên môn cao tốt, phục vụ hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe cán bộ và nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương; số TS tốt nghiệp là 195 người thuộc các ngành đào tạo thuộc lĩnh vực nông lâm nghiệp, khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên, y học, khoa học cơ bản, kỹ thuật cơ khí và kỹ thuật điện, kinh tế và quản lý (70% là đào tạo cán bộ cho đội ngũ giảng viên của Đại học Thái Nguyên và cán bộ, công chức của tỉnh). Số cán bộ do đại học đào tạo đã phát huy tốt kiến thức chuyên môn, năng lực thực tiễn, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du, miền núi Bắc bộ và cả nước; nhiều người đã trở thành cán bộ lãnh đạo cấp Trung ương, cán bộ chủ chốt của địa phương, doanh nghiệp. Cựu SV Đại học Thái Nguyên có 13 người đã và đang là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng; hơn 30 người đã và đang giữ các chức vụ bộ trưởng, thứ trưởng; chủ tịch, phó chủ tịch, bí thư, phó bí thư cấp tỉnh. Đối với tỉnh Thái Nguyên, hiện nay có 50% Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, 60% Tỉnh ủy viên và gần 90% lãnh đạo Ủy ban Nhân dân các cấp được đào tạo tại Đại học Thái Nguyên. Theo thống kê, tỷ lệ cán bộ, công chức của tỉnh Thái Nguyên đã từng tham gia học tập và tốt nghiệp tại các trường thành viên của Đại học Thái Nguyên chiếm khoảng 58,6%; có nhiều sở, ban, ngành có tỷ lệ 80 - 90%.

Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ

Nhờ vào sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND và các sở, ngành, chương trình phối hợp hoạt động khoa học và công nghệ giữa tỉnh Thái Nguyên và Đại học Thái Nguyên được duy trì có hiệu quả: nhiều quy trình kỹ thuật mới được nghiên cứu ứng dụng, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật mới được áp dụng vào sản xuất và đời sống đã đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua, cụ thể như:

- Năm 2016, Chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học và chuyển giao với UBND tỉnh Thái Nguyên với tổng kinh phí dự kiến là 100 tỷ đồng; hiện nay Chương trình đã và đang triển khai 7 nhiệm vụ do các đơn vị đảm nhiệm: Trường Đại học CNTT&TT, Khoa học, Kỹ thuật Công nghiệp, Nông Lâm và Khối cơ quan với kinh phí là 91 tỷ đồng. Các hướng nghiên cứu là: Xây dựng cơ sở dữ liệu trực tuyến phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; Khai thác giá trị văn hóa dân gian nhằm phát triển du lịch; Nghiên cứu, thiết kế chế tạo hệ thống điều khiển thông minh tiết kiệm năng lượng cho hệ thống chiếu sáng đô thị thành phố Thái Nguyên; Ứng dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm trà hữu cơ nhằm nâng cao giá trị cho ngành chè; Nghiên cứu xây dựng các giải pháp phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai do sạt lở, lũ quét; Xây dựng hệ thống du lịch thông minh phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt, trong năm 2020 nhiệm vụ “Nghiên cứu và phát triển bộ sinh phẩm phát hiện nhanh SARS-CoV-2 virus bằng kỹ thuật Realtime” do các nhà khoa học của ĐHTN đã được lãnh đạo Tỉnh quan tâm khích lệ và đầu tư đã được nghiệm thu và đang hoàn tất các thủ tục để đưa vào sản xuất. Kết quả có được là do sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo Tỉnh, sự phối hợp của các nhà khoa học với trách nhiệm cao vì mục tiêu phục vụ cộng đồng.

- Đại học Thái Nguyên đã tư vấn giúp một số huyện trong tỉnh xây dựng các quy hoạch phát triển kinh tế xã hội đảm bảo tính khoa học, tính thực tiễn làm cơ sở cho các địa phương hoạch định chính sách, giải pháp phát triển trong thời gian tới. Các quy hoạch đã và đang thực hiện như: Quy hoạch phát triển nông nghiệp huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Quy hoạch xây dựng nông thôn mới huyện Đại Từ, huyện Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên).

- Đội ngũ cán bộ khoa học của ĐHTN đã tích cực tham gia, đánh giá, nhận xét, phản biện và tư vấn ở các Hội đồng Khoa học cấp tỉnh để lựa chọn, đánh giá các kết quả nghiên cứu khoa học, những dự án ứng dụng. Những đóng góp đó đã góp phần nâng cao chất lượng đánh giá, nghiệm thu các kết quả nghiên cứu, những sản phẩm khoa học được ứng dụng vào đời sống.

- Đại học Thái Nguyên đã tư vấn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ cho một số phòng thử nghiệm, phòng thí nghiệm của tỉnh; mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật cho nông dân, cán bộ kỹ thuật trong các lĩnh vực nông lâm nghiệp, y tế, công nghệ thông tin, y học cộng đồng, tài nguyên môi trường, kiến thức sư phạm... góp phần tăng năng xuất lao động, tăng thu nhập cho người lao động.

Định hướng và giải pháp trong thời gian tới

Đảng bộ ĐHTN xác định rõ vị trí và trách nhiệm của Đại học theo Luật Giáo dục 34 đã xác định: “ĐHQG, ĐHV thực hiện nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước”. Đảng bộ ĐHTN gồm 11 đảng bộ trực thuộc quyết tâm phấn đấu trong giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo:

4.1. Tập trung mọi nguồn lực, giữ vững 3 trụ cột: đào tạo nhân lực chất lượng cao; NCKH và chuyển giao công nghệ thành công và tư vấn chính sách có hiệu quả. Đưa nguồn lực của toàn ĐH trở thành động lực mạnh đối với tăng trưởng và phát triển bền vững của các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó trọng tâm là tỉnh Thái Nguyên. 

4.2. Đảng bộ ĐHTN đang nỗ lực phấn đấu trong giai đoạn tới, trở thành một chỉnh thể thống nhất về mục tiêu, sứ mạng và nhiệm vụ chung để phát huy sức mạnh nội lực. Tập trung xây dựng thể chế đầy đủ hơn cho đại học vùng trong việc quản lý và điều hành nhằm giúp đại học vùng thực hiện được nhiệm vụ chính trị của mình. Dưới sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, sự phối hợp, hợp tác chặt chẽ giữa UBND tỉnh sẽ là cơ hội tốt để Đại học Thái Nguyên phát triển mạnh mẽ hơn trong những năm sắp tới. 
Để thực hiện định hướng cơ bản trên, cần tập trung vào 6 giải pháp trọng tâm:

i) Điều chỉnh tái cơ cấu ngành nghề đào tạo; tiếp thu kinh nghiệm của các nước phát triển để xây dựng chương trình đào tạo chất lượng. Xây dựng chương trình đào tạo trong những năm tới theo hướng tiếp cận nhu cầu thị trường, đào tạo nhân lực chất lượng, giúp sinh viên có khả năng thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng. Hợp tác với doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất...của tỉnh Thái Nguyên từ khâu xây dựng chương trình đào tạo, đến việc thiết kế, tham gia giảng dạy tại doanh nghiệp trong một số lĩnh vực có thế mạnh.

ii) Tập trung nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ có sự tham gia của doanh nghiệp. Phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh để tạo ra các sản phẩm đặc trưng và ứng dụng vào thực tiễn sản xuất của tỉnh, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, đặc biệt là vùng DTTS vùng khó khăn. Thành lập các trung tâm chuyển giao công nghệ, tư vấn để kết nối giữa hoạt động nghiên cứu với thực tiễn. Đầu tư mạnh các phòng thí nghiệm trọng điểm.

iii) Nghiên cứu, đánh giá, nhận diện những biến động về kinh tế - xã hội để kịp thời đề xuất những giải pháp, những chính sách nhằm tham mưu cho lãnh đạo Tỉnh trong việc xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tích cực tham gia với chính quyền địa phương để lập dự báo nhu cầu nguồn nhân lực nhằm điều chỉnh và định hướng kế hoạch đào tạo của Đại học Thái Nguyên để đảm bảo cung cấp đủ nguồn nhân lực một cách kịp thời với chất lượng tốt cho nhu cầu phát triển của tỉnh và vùng; 

iv) Phát triển không gian sáng tạo, khởi nghiệp, thực hiện tốt chức năng ươm tạo, khởi nghiệp và cung ứng nhân lực và kết nối để Đại học Thái Nguyên thật sự là môi trường giáo dục đại học sáng tạo, dân chủ, thu hút mọi nguồn lực tham gia. ĐHTN sẽ đóng góp vào tăng trưởng bền vững cho tỉnh, phải trở thành một bộ phận không tách rời của các tỉnh để tăng sức mạnh cạnh tranh toàn cầu.

v) Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã quan niệm rất toàn diện về phát triển nguồn nhân lực gồm 2 ý: “Phát triển nhân tính và khả năng của con người; sử dụng có hiệu quả khả năng ấy”. Như vậy, “phát triển”và “sử dụng” phải đồng thời. Việc sử dụng nhân lực chất lượng cao chính là yếu tố tác động mạnh, và tích cực trở lại đến chiến lược đào tạo, chiến lược phát triển con người. Sự đóng góp của giáo dục đại học sẽ là yếu tố quyết định đến chất lượng tăng trưởng. Đảng bộ ĐHTN cam kết đào tạo có chất lượng, tập trung NCKH và chuyển giao theo đơn đặt hàng của tỉnh Thái Nguyên về các lĩnh vực trọng điểm. 

vi) Trong những năm sắp tới, dựa trên những điều kiện cụ thể của tỉnh Thái Nguyên, Đại học Thái Nguyên sẽ tập trung những lĩnh vực đào tạo chất lượng cao như: Công nghệ thông tin; Tự động hóa, viễn thông, Kỹ thuật Y-Sinh, Nông nghiệp công nghệ cao, Chế biến nông, lâm sản, Thương mại điện tử, Du lịch, khách sạn, Logistic…nhằm tạo bước đột phá về chất lượng đào tạo và NCKH.             

Giáo dục sẽ mang lại sự phồn vinh cho xã hội, phát triển đất nước bền vững, giải phóng cho con người, nâng cao hạnh phúc cho cộng đồng, và giá trị văn hóa của nó. Vai trò cơ bản của giáo dục và khoa học kỹ thuật trong việc chấn hưng đất nước đã được lịch sử chứng minh. Trường đại học là nơi sáng tạo, khai phá, nó độc lập, tự chủ, tự trị, là đại học của những người đi tìm chân lý. Sinh viên và giáo sư là những người đồng hành khám phá trong khoa học, vì mục đích khoa học. Đại học là cái nôi của khoa học, là cột trụ của sự phát triển công nghiệp hóa đất nước, là nơi đào tạo những người của bộ máy cầm quyền - những người đã và đang thực hiện thành công cuộc chuyển đổi kinh tế và chấn hưng đất nước.

Nhiều chuyên gia đã nhận định: Chỉ có giáo dục và giáo dục một cách đam mê, toàn diện, mới tạo nên nội lực và sức bật. Nội lực mà không dựa trên hiểu biết toàn cầu và từ chiều sâu của trí tuệ, thì chỉ là nội lực suông. “Tri thức là sức mạnh”- Không phải tài nguyên, dầu mỏ, than đá hay bauxite đem lại sự kính trọng và công nhận của thế giới cho chúng ta. Mà chính là trí tuệ, sự ngang bằng tri thức, khoa học, công nghệ với thế giới trong sân chơi toàn cầu. Cơ may, và con đường duy nhất để chúng ta vươn lên và tồn tại trong thế giới, là sáng tạo và đổi mới, đây cũng là lợi thế cạnh tranh của chúng ta trong hiện tại và tương lai. 

Với quyết tâm cao của tập thể các nhà khoa học, Đảng bộ ĐHTN sẽ chủ động và tích cực nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ, góp phần tích thực hiện thắng lợi mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025.