Qua nghiên cứu, tôi nhận thấy dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được chuẩn bị công phu, khoa học, đầy đủ. Trong số các dự thảo văn kiện, tôi đặc biệt quan tâm đến chiến lược “đường dài” của Đảng nêu ra trong dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030.
Nhìn vào những thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội của cả nước trong 10 năm qua đã cho thấy sự định hướng đúng đắn, hiệu quả, bám sát tình hình thực tiễn của những quyết sách chiến lược, đường lối lãnh đạo của Đảng. Trong kết quả đó, không thể không nhắc đến sự lớn mạnh của cộng đồng các doanh nghiệp (DN). Điều này thể hiện rõ trong sự chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, lĩnh vực của DN thời gian qua - các DN Nhà nước ngày càng được thu gọn, tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt để phát huy vai trò dẫn dắt; DN kinh tế ngoài Nhà nước (DN tư nhân, kinh tế hộ gia đình và DN có vốn đầu tư nước ngoài) tăng nhanh về số lượng và vốn đăng ký đầu tư. Cùng với đó, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến - chế tạo tăng từ 13% (năm 2010) lên 16,9% (năm 2020); ngành khai khoáng giảm từ 9,5% xuống còn 6,2%.
Sự phát triển của các DN đã góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội của Việt Nam, tạo sức sống mới cho đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn những hạn chế như: Nhiều địa phương chưa tạo được môi trường đầu tư hấp dẫn đối với DN; các đề án, chương trình hỗ trợ, phát triển DN trong nước còn manh mún, rời rạc; cơ chế, chính sách hỗ trợ DN tuy có nhiều nhưng còn khó tiếp cận; công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn chủ yếu đang hoạt động ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị, tỷ lệ nhập khẩu nguyên, nhiên liệu còn lớn, trình độ công nghệ sản xuất vẫn thấp so với thế giới; chưa hình thành được mô hình các cụm ngành chuyên môn hoá, công nghiệp hỗ trợ....
Vì thế, trong xây dựng dự thảo Báo cáo thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, tôi cho rằng cần phải cụ thể hóa hơn, gợi mở ra những khó khăn mà DN đang gặp phải trong thực tiễn như: Chính sách, pháp luật liên quan đến hỗ trợ DN còn chưa đồng bộ, có chỗ còn mâu thuẫn, chồng chéo; trong công tác lập pháp và hành pháp còn có tư duy coi trọng hoạt động quản lý Nhà nước hơn là hoạt động của DN; công tác cải cách hành chính ở nhiều địa phương chưa thực sự thông thoáng, công khai và minh bạch; vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” của các cấp ủy chính quyền địa phương trong đồng hành, hỗ trợ DN....
Bên cạnh những vấn đề nêu trên, tôi cũng mong muốn tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các đại biểu sẽ bàn sâu hơn các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, coi đây là thành phần thực sự thúc đẩy sự phát triển kinh tế của đất nước trong thời gian tới. Từ đó, xây dựng thêm các giải pháp thúc đẩy DN tư nhân theo hướng gia tăng liên kết sản xuất theo chuỗi, ngành nghề, liên kết với các DN nước ngoài tham gia hội nhập kinh tế quốc tế... Cộng đồng DN mong muốn trong thời gian tới, Nhà nước sẽ kiến tạo được một không gian pháp lý cởi mở và thân thiện cho các hoạt động kinh tế, qua đó giải phóng được mọi nguồn lực để DN – doanh nhân phát triển.