Sáng 2/11, ngày làm việc đầu tiên của đợt họp thứ 2, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thảo luận ở tổ nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận; Dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận; Dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An.
Theo đó, Dự án hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận nhằm mục tiêu cấp nước tưới cho 4.500 ha đất canh tác; cấp nước sinh hoạt cho khoảng 20.000 hộ dân vùng hạ lưu, cấp 24 triệu m3/năm cho các ngành kinh tế khác; cấp nước bổ sung cho các hồ chứa nước Lanh Ra, Tà Ranh và Bầu Zôn; cắt giảm lũ cho khu vực hạ du và tình trạng ngập úng. Dự án được khởi công xây dựng vào tháng 7/2018, đến nay đã triển khai xây dựng được khoảng 35% khối lượng công việc.
Đến năm 2019, UBND tỉnh Ninh Thuận đã điều chỉnh diện tích rừng chuyển mục đích sử dụng ở cao trình mực nước dâng bình thường 134,3m (thay vì +141 m), làm diện tích sử dụng đất giảm xuống khoảng 885 ha, trong đó, hơn 431 ha rừng đề xuất chủ trương chuyển mục đích sử dụng. Theo Luật Lâm nghiệp và kết quả phê duyệt 3 loại rừng, dự án có 100,6 ha rừng phòng hộ và khoảng 309 ha rừng sản xuất; diện tích rừng quy hoạch đưa ra ngoài 3 loại rừng 21,6 ha. Vì vậy, sau khi cập nhật diện tích sử dụng đất, Dự án Hồ chứa nước Sông Than thuộc dự án quan trọng quốc gia và Thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng thuộc Quốc hội.
Dự án hồ chứa nước Bản Mồng dự kiến cấp nước cho khoảng 18.900 ha sản xuất nông nghiệp, cấp nước cho công nghiệp, dân sinh; bổ sung nước về mùa kiệt cho sông Cả với lưu lượng 22 m3/s và cho 2 hệ thống thủy lợi lớn ở hạ du Nam và Bắc Nghệ An; kết hợp phát điện (45MW); tích nước phòng lũ, giảm lũ cho hạ du sông Hiếu; phục vụ phát triển công nghiệp, du lịch. Đến nay, dự án đã triển khai xây dựng được khoảng 90% khối lượng công việc; lũy kế giải ngân đạt 83% và dự kiến đến cuối năm 2020 cơ bản hoàn thành giai đoạn 1.
Năm 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt điều chỉnh dự án và năm 2019, UBND tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An xác định diện tích sử dụng đất của dự án sau điều chỉnh khoảng 3.964 ha (giảm khoảng 1.295 ha so với phê duyệt năm 2009), trong đó, diện tích đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng là 1.131 ha (Nghệ An khoảng 544,8 ha; Thanh Hóa khoảng 586 ha). Trong số này, rừng phòng hộ đầu nguồn khoảng 313 ha; rừng sản xuất hơn 661 ha; rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp khoảng 157 ha. Như vậy, đối chiếu với quy định của Luật Đầu tư công, Dự án có gần 313 ha rừng phòng hộ phải chuyển mục đích sử dụng rừng nên thuộc tiêu chí Dự án quan trọng quốc gia và Thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng thuộc Quốc hội.
Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị Quốc hội xem xét quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận để thực hiện dự án Hồ chứa nước Sông Than; Nghệ An; Thanh Hóa để thực hiện Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An.
Trình bày Báo cáo thẩm tra về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác của 2 dự án, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, các dự án khi đi vào hoạt động sẽ giải quyết tốt nhu cầu về nước tưới cho sản xuất nông nghiệp; cấp nước thô cho sản xuất công nghiệp, dịch vụ và dân sinh; cải thiện điều kiện hạ tầng thiết yếu cho phát triển kinh tế-xã hội của 2 huyện miền núi thường xuyên chịu khô hạn của tỉnh Ninh Thuận, vùng Tây Nghệ An và Nam Thanh Hóa; góp phần điều tiết nước, cắt giảm lũ, phòng chống thiên tai; từng bước giải quyết nhu cầu thiếu nước và khép kín hệ thống công trình thủy lợi.
Với tính thiết yếu nêu trên, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhất trí cho rằng, hai dự án đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội Khóa XIV.
Cân nhắc nguồn lực để sớm thực hiện các dự án
Sau khi nghiên cứu Tờ trình và Báo cáo thẩm tra, đại biểu Nguyễn Thị Lan (Hà Nội) đồng tình về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận, Dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An.
Theo đại biểu, Ninh Thuận và Nghệ An là hai địa phương có tỷ lệ che phủ rừng cao trong khi đó, các khu vực đất rừng chuyển đổi đều là khu vực nghèo kiệt. Dự án hồ chứa nước sông Than phù hợp với chiến lược phát triển và quy hoạch thủy lợi của tỉnh Ninh Thuận. Dự án hồ chứa nước Bản Mồng (thuộc Nghệ An và Thanh Hóa) được cập nhật, bổ sung thông tin liên tục, phù hợp với quy hoạch địa phương cũng như quy định của pháp luật về đất đai.
Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Lan phát biểu tại tổ. Ảnh Trọng Đức/TTXVN
Đại biểu Nguyễn Thị Lan nêu rõ: “Việc xây dựng hồ chứa nước đáp ứng mục tiêu quan trọng, nhằm cấp nước cho người dân vùng hạ lưu, phục vụ nhu cầu phát triển nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; góp phần điều tiết, bổ sung nước mùa khô và giải quyết nhu cầu thiếu nước; khép kín hệ thống công trình thủy lợi, phối hợp để phát điện. Tuy nhiên, khi chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, Chính phủ cần cân nhắc các nguồn lực để thực hiện và kết thúc sớm, đảm bảo hài hòa giữa yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường; sử dụng hiệu quả đầu tư ngân sách nhà nước”.
Đại biểu Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh việc trồng rừng thay thế cần được thực hiện nghiêm túc, phải cập nhật báo cáo đánh giá tác động môi trường do 2 dự án được phê duyệt từ lâu, báo cáo đánh giá tác động môi trường có những sự thay đổi; đánh giá, rà soát lại tác động môi trường để khi triển khai, đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội và môi trường phát triển bền vững.
Đồng quan điểm, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho biết, qua khảo sát thực tế tại Hồ chứa nước bản Mồng, đến nay, đã gần 10 năm kể từ khi triển khai chủ trương nhưng vẫn còn nhiều hạng mục “dậm chân tại chỗ”.
Băn khoăn về việc “thay thế diện tích là rừng tự nhiên bằng rừng trồng”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng: “Trên thực tế sẽ không thể thay thế được rừng tự nhiên bởi vì rừng tự nhiên có những đặc điểm rừng trồng không bao giờ có được về khả năng giữ nước, giữ đất và bảo vệ môi trường. Nếu như chưa làm rõ tính khả thi trong phương án bảo vệ môi trường, thực sự cũng có nhiều điểm còn chưa thuyết phục”.
Tương tự, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) nêu vấn đề trồng lại rừng sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. Đại biểu nêu rõ, theo ghi nhận ý kiến của các cử tri, số lượng rừng được trồng lại không đáp ứng được chỉ tiêu đề ra ban đầu; không có lực lượng kiểm soát chất lượng trồng lại rừng so với rừng nguyên sinh và đánh giá cụ thể những tác động vào môi trường.
“Trong khi đó, khi triển khai, chúng ta kêu gọi vốn đầu tư công. Nhưng vốn thì nằm đó nhưng vẫn chưa thúc đẩy được”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Đại biểu Trần Thị Khánh (Hà Nội) đề xuất học kinh nghiệm của các nước ở vùng khô hạn như sử dụng hệ thống thủy lợi tiết kiệm nước, đất, tránh tình trạng vỡ hồ đập; đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong triển khai các dự án.