Xóm Mỏ Gà, xã Phú Thượng (Võ Nhai) có 177 hộ dân, trên 750 nhân khẩu, trong đó hơn 85% là đồng bào dân tộc thiểu số. Đến Mỏ Gà, nhiều người ấn tượng bởi xóm có diện mạo khởi sắc, không còn hộ nghèo, cận nghèo; không còn nhà tạm, đường đất lầy lội... Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của Ban Công tác Mặt trận xóm.
Về xóm Mỏ Gà một ngày đầu tháng 11, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là xóm khang trang, sạch đẹp với những tuyến đường bê tông rộng rãi, hai bên đường là những ngôi nhà xây kiên cố, vườn cây ăn quả sai trĩu. Đón chúng tôi tại Nhà văn hóa mới, ông Lành Văn Hữu, Bí thư Chi bộ xóm vui vẻ cho biết: Hiện thu nhập bình quân của xóm đạt hơn 40 triệu đồng/người/năm, cao hơn so với mặt bằng chung của xã. Để có được kết quả này, Ban Công tác Mặt trận xóm đã có đóng góp rất lớn trong việc tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phương thức chăn nuôi. Ông Nguyễn Xuân Quý, Trưởng ban Công tác Mặt trận xóm tiếp lời: Thành viên Ban Công tác Mặt trận xóm là những người đi đầu trong việc đưa giống mới, khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đơn cử như bà Phạm Thị Hôm, bà Lăng Thị Bé.
Cùng ông Hữu, ông Quý, chúng tôi đến vườn bưởi của gia đình bà Phạm Thị Hôm, thành viên Ban Công tác Mặt trận, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ xóm Mỏ Gà. Đưa chúng tôi đến bên những cây bưởi sai trĩu quả, bà Hôm chia sẻ: Mảnh vườn này trước đây gia đình tôi trồng sắn, cây màu nhưng thu nhập không cao. Xác định bản thân là thành viên Ban Công tác Mặt trận, cần đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, năm 2007, tôi đã chuyển đổi toàn bộ 6 sào đất vườn sang trồng nhãn và bưởi. Sau hơn 3 năm, hai loại cây này cho thu trung bình hơn 100 triệu đồng/sào/năm. Từ hiệu quả thu được, tôi tiếp tục trồng cây ăn quả trên khu đồi gần nhà. Hiện, gia đình có hơn 0,5ha cây ăn quả.
Trồng cây ăn quả sau bà Hôm, nhưng bà Lăng Thị Bé, thành viên Ban Công tác Mặt trận, cộng tác viên dân số của xóm lại chọn cây ổi lai lê. Bà Bé bảo: Năm 2014, tôi là hộ trồng ổi lai lê đầu tiên của xóm. Với 3 sào ổi, mỗi năm gia đình tôi thu được gần 100 triệu đồng.
Không chỉ có bà Hôm, bà Bé, các thành viên Ban Công tác Mặt trận xóm Mỏ Gà cũng tích cực trồng cây ăn quả trên diện tích đất của gia đình, đồng thời tuyên truyền, vận động, hỗ trợ kỹ thuật để người dân trong xóm mở rộng diện tích cây ăn quả. Đến nay, toàn xóm có trên 100 hộ dân trồng cây ăn quả với diện tích 28,5ha, mỗi năm cho thu nhập hơn 12 tỷ đồng. Người dân cũng tích cực đưa các giống lúa lai vào gieo cấy trên diện tích đất ruộng hơn 23ha; tập trung chăm sóc 370ha đất lâm nghiệp, mang lại nguồn thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra, Ban Công tác Mặt trận xóm cũng tập trung huy động nguồn lực hỗ trợ những hộ còn nhà tạm, dột nát xây nhà kiên cố; hỗ trợ hộ nghèo tư liệu sản xuất, giống, kỹ thuật để họ sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Năm 2015, xóm có 7 hộ nghèo, 7 hộ cận nghèo, thì đến năm 2018, xóm đã không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Cùng với vận động, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, Ban Công tác Mặt trận xóm Mỏ Gà luôn tuyên truyền nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phong trào thi đua, nhất là Chương trình xây dựng nông thôn mới, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Ông Hoàng Xuân Kiến, Phó ban Công tác Mặt trận, Trưởng xóm Mỏ Gà cho biết: Chúng tôi đã tổ chức nhiều cuộc họp xóm để tuyên truyền nhân dân hiểu về từng tiêu chí xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, hộ gia đình nông thôn mới. Với những gia đình còn chưa thông tỏ, chúng tôi tới tận nhà để giải thích, tuyên truyền. Trong quá trình triển khai thực hiện, các thành viên Ban công tác luôn thể hiện tinh thần, trách nhiệm, gương mẫu đi đầu, dân chủ, công khai, minh bạch, huy động sức mạnh nhân dân với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Nhờ đó, người dân tin tưởng, chung tay hưởng ứng, đóng góp hơn 510 triệu đồng, hàng chục nghìn ngày công, hiến hàng nghìn m2 đất để xây dựng quê hương. Đến năm 2018, Mỏ Gà đã đạt chuẩn xóm nông thôn mới kiểu mẫu. Từ đó đến nay, nhân dân địa phương tiếp tục tích cực góp sức giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí.
Các thành viên Ban Công tác Mặt trận cũng là hạt nhân tuyên truyền để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa. Ông Nguyễn Văn Thượng, thành viên Ban Công tác Mặt trận, công an viên, Phó xóm Mỏ Gà cho biết: Phần lớn người dân trong xóm là đồng bào dân tộc thiểu số nên trước đây, nhiều gia đình còn giữ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Trong việc tang, nhiều gia đình còn để người chết trong nhà dài ngày, tổ chức lễ tang kéo dài, tốn kém. Để thay đổi nếp sống ấy, chúng tôi đã phối hợp với người có uy tín của địa phương đến tận nhà trò chuyện, chia sẻ với người cao tuổi, các thành viên trong gia đình. Nhờ đó, các cụ cao tuổi hiểu, bảo ban con cháu, gia đình đồng thuận, không để người đã khuất trong nhà nhiều ngày nữa. Hiện nay, hơn 90% gia đình trong xóm đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa. Xóm nhiều năm liền là Xóm văn hóa, Xóm văn hóa tiêu biểu cấp tỉnh.
Nhận xét về Ban Công tác Mặt trận xóm Mỏ Gà, anh Nguyễn Văn Thêm, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Phú Thượng cho biết: Tập thể Ban Công tác Mặt trận xóm Mỏ Gà rất đoàn kết, gắn bó, tích cực trong mọi hoạt động. Đây là tập thể tiêu biểu được chúng tôi lựa chọn biểu dương và nêu gương để ban công tác mặt trận các xóm tiếp tục trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong thời gian tới.