Những năm gần đây, Đảng bộ Đại học Thái Nguyên xác định học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng vừa là nhiệm vụ vừa là quyền lợi của mỗi cán bộ, đảng viên. Nhờ đó, Đảng bộ đã luôn chú trọng đổi mới nâng cao chất lượng học tập nghị quyết, kế hoạch thực hiện gắn với tình hình thực tiễn của đơn vị, góp phần đưa nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống nhanh chóng, hiệu quả.
Xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của việc học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, thời gian qua, Đảng ủy Đại học Thái Nguyên thường xuyên ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc tổ chức học tập, quán triệt và tích cực rà soát, kiểm tra, chấn chỉnh việc triển khai học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng.
Qua đó, chất lượng, hiệu quả công tác học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng ngày được nâng cao. Hầu hết cán bộ, đảng viên, sinh viên đều được tiếp thu, nắm vững các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong 5 năm (2015-2020), toàn Đảng bộ đã tổ chức được 129 hội nghị các cấp về học tập, quán triệt triển khai nội dung các nghị quyết của Đảng như Nghị quyết Trung ương 10, 11, 13 (khóa XI); Nghị quyết Trung ương 4, 5, 6, 7 (khóa XII); Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Chỉ thị 05-CT/TW… cho trên 50.000 lượt đảng viên, cán bộ, viên chức, người lao động, đoàn viên, hội viên. Sau học tập, các cấp ủy đảng đã xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện các Nghị quyết phù hợp với điều kiện thực tế của từng đơn vị.
Tuy nhiên, việc học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng trong thời gian qua vẫn còn tồn tại một số vấn đề đặt ra. Theo đánh giá của Ban Tuyên giáo Đại học Thái Nguyên, việc học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng có lúc chưa hiệu quả, có nơi còn mang tính hình thức. Một số cấp ủy tuy có tổ chức việc học tập, quán triệt nghị quyết đầy đủ nhưng chưa thật sự quan tâm đến chất lượng, hiệu quả, nên có biểu hiện làm lướt, làm cho xong.
Một số đồng chí trong đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp vẫn còn hạn chế về trình độ, năng lực; đặc biệt là về phương pháp và kỹ năng truyền đạt, dẫn đến kém thu hút người nghe. Thêm nữa, việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng chủ yếu mới dừng ở khâu báo cáo những nội dung của nghị quyết mà chưa dành thời gian để nghiên cứu, thảo luận nghị quyết, chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết của cấp ủy cũng như giải đáp những vấn đề bức xúc của cán bộ, đảng viên…
Để khắc phục những tồn tại này, Đảng bộ đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào đổi mới nội dung, hình thức tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết và thay đổi cách viết bài thu hoạch, xây dựng chương trình hành động của mỗi cán bộ, đảng viên.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hà, Trưởng Ban Tuyên Giáo Đại học Thái Nguyên cho biết: Để khắc phục bệnh hình thức, đối phó trong học tập nghị quyết của Đảng, Đảng ủy đã đổi mới nội dung, hình thức tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết cho phù hợp với điều kiện thực tiễn, từng đối tượng học tập. Đối với cán bộ chủ chốt, cần đi sâu phân tích những nội dung, những điểm mới của nghị quyết gắn với liên hệ thực tiễn của đơn vị và đề cao phương pháp tự nghiên cứu, tăng cường trao đổi, thảo luận, quán triệt những vấn đề có liên quan đến quan điểm, lý luận gắn với thực tiễn mà nghị quyết đặt ra.
Đối với đảng viên là sinh viên, Đảng ủy chú trọng kết hợp đa dạng, phong phú nhiều hình thức triển khai như: Trình chiếu slide powerpoint với nội dung súc tích, đúng chủ đề, đúng trọng tâm, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ vận dụng và phù hợp. Tùy vào từng chuyên đề để bố trí thời lượng hợp lý trên tinh thần rút ngắn thời gian triển khai nhưng đảm bảo nội dung, tránh dàn trải, kéo dài dẫn đến mất tập trung, ảnh hưởng đến hiệu quả triển khai, học tập.
Thông thường sau mỗi đợt tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết, việc báo cáo thu hoạch sau mỗi lớp học nghị quyết đều diễn ra. Hầu hết 100% đảng viên đều viết đầy đủ thu hoạch với độ dài đúng theo yêu cầu của ban tổ chức đề ra. Nhưng những bản thu hoạch này được sao chép của nhau, họ chỉ việc thay tên đổi họ và in, gửi nộp. Bởi vậy nhiều đảng viên mặc dù đã viết bài thu hoạch nhưng do không hiểu, hoặc hiểu lơ mơ một cách chung chung, không thấm nhuần những tư tưởng chỉ đạo đã nêu trong nghị quyết, dẫn đến không đưa ra được kế hoạch hành động của bàn thân và đơn vị.
Vấn đề này tại Đảng bộ Đại học Thái Nguyên đã được thay đổi uyển chuyển hơn. Đảng viên sau khi được học tập, quán triệt sẽ viết thu hoạch nhưng chỉ viết ngắn gọn, nội dung chủ yếu là những nhận xét đánh giá của mình về nghị quyết này và trách nhiệm của người đảng viên để thực hiện tốt nghị quyết. Điều này khiến người học đỡ ngại, họ không thụ động chép lại những điều đã có trong tài liệu mà phải đọc, hiểu về nghị quyết mới viết thu hoạch được…