Trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng có đặt ra một số vấn đề về phát triển giáo dục - đào tạo (GD-ĐT). Nội hàm của văn kiện yêu cầu GD-ĐT phải có những điểm nhấn, đột phá và khả thi. Bởi không có quốc gia nào phát triển mà không xuất phát từ giáo dục. Do đó, giáo dục phải được đặt xứng tầm với vị thế là gốc, là nền tảng của sự phát triển. Vấn đề nâng cao nhận thức về đổi mới giáo dục lâu nay tưởng như đã được làm triệt để và tạo sự thay đổi tư duy về GD-ĐT trong toàn xã hội, nhưng thực tế chưa bền vững. Chính vì vậy cần nhận thức đúng về khoa học giáo dục, bản chất của giáo dục, trách nhiệm xã hội trong hoạt động giáo dục…
Trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển GD-ĐT được trình bày toàn diện, đồng bộ trong mục V “Đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người”. Từ tên tiêu đề đến nội dung đều có những điểm mới rất quan trọng. Đáng chú ý là lần đầu tiên trong văn kiện này, Đảng ta đã đề ra sứ mạng “phát triển con người” cùng với sứ mạng “nâng cao chất lượng nguồn nhân lực” của GD-ĐT. Suy cho cùng, con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của phát triển. Hơn thế, con người là vốn quý nhất và mục tiêu cao nhất của sự phát triển. Có hai lĩnh vực then chốt để phát triển con người là giáo dục và văn hóa. Vì vậy, sứ mạng trước hết, trên hết của giáo dục là phát triển con người. Thực tiễn cho thấy, từ những hạn chế, yếu kém về phát triển con người dẫn đến các hạn chế, yếu kém trên nhiều lĩnh vực khác.
Ba vấn đề cơ bản của GD-ĐT mà dự thảo Báo cáo chính trị đề cập tới đều đưa ra rất rõ mục tiêu mang tính cốt lõi và tính thời sự, đó là: Vấn đề đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT tiếp tục được khẳng định và bổ sung, phát triển. Dự thảo Báo cáo chính trị nhấn mạnh trước hết cần tập trung đổi mới đồng bộ các yếu tố căn bản của GD-ĐT là mục tiêu, nội dung, chương trình, phương thức, phương pháp. Những định hướng lớn về phát triển toàn diện con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay mà GD-ĐT phải tập trung hướng đến cũng được xác định cụ thể. Trong đó nhấn mạnh: “Chú trọng hơn giáo dục phẩm chất, năng lực sáng tạo và các giá trị cốt lõi, nhất là giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Gắn giáo dục tri thức, đạo đức, thẩm mỹ, kỹ năng sống với giáo dục thể chất, nâng cao tầm vóc con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.0
Vấn đề thứ hai là: Gắn kết chặt chẽ GD-ĐT với nghiên cứu, triển khai, ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ mới được dự thảo xác định và nhấn mạnh rõ hơn. Chọn khâu đột phá được thể hiện rõ nét thông qua chủ trương “hình thành các trung tâm nghiên cứu xuất sắc, các nhóm đổi mới sáng tạo mạnh, các doanh nghiệp khoa học và công nghệ hoạt động có hiệu quả trong các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp”. Đây là vấn đề mới, hoàn toàn phù hợp với xu hướng tiến bộ của thế giới và điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế của nước ta. Mô hình tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đó sẽ thúc đẩy quá trình hội nhập, nâng cao vị thế của các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; làm cho GD-ĐT gắn kết hiệu quả với nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh, thị trường trong nước và nước ngoài.
Vấn đề thứ ba là: Hợp tác và hội nhập quốc tế về GD-ĐT được bổ sung, phát triển là một trong những điểm mới nổi bật. Nhất quán quan điểm chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng, dự thảo Báo cáo chính trị xác định: “Phấn đấu đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về GD-ĐT ở khu vực, bắt nhịp với trình độ tiên tiến của thế giới, tham gia vào thị trường đào tạo nhân lực quốc tế”. Xác định như vậy đã định hình rõ hình mẫu con người Việt Nam phát triển toàn diện trong thời đại mới, là định hướng căn bản cho quá trình đổi mới toàn diện GD-ĐT.
Tuy nhiên, vấn đề phát triển GD-ĐT trong những năm tới cần tiếp tục được nghiên cứu, bổ sung. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã xác định chủ trương lớn là giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở GD-ĐT, từ thực tế cho thấy trong vấn đề này luôn nảy sinh nhiều phức tạp, thậm chí là tiêu cực. Mối quan hệ giữa quản lý của Nhà nước, điều tiết của thị trường, giám sát của xã hội và tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở GD-ĐT cần được tổng kết và đánh giá sâu hơn về vấn đề đổi mới GD-ĐT trong điều kiện kinh thế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp, cùng với chủ trương “Sắp xếp, đổi mới căn bản hệ thống các cơ sở đào tạo sư phạm” như trong Dự thảo Báo cáo Chính trị đã xác định, đề nghị bổ sung chủ trương, giải pháp về cơ chế, chính sách để hình thành một số cơ sở đào tạo sư phạm đạt chất lượng cao trong khu vực. Đây là đòi hỏi của quá trình đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; phù hợp với đặc thù của lĩnh vực đào tạo sư phạm. Trước yêu cầu mới, nhiều vấn đề mới đang đặt ra về lý luận cũng như thực tiễn trong lĩnh vực GD-ĐT, như: Tái cơ cấu hệ thống giáo dục và phân cấp quản lý; thực hiện cơ chế thị trường định hướng xã hội hội chủ nghĩa trong giáo dục; bảo đảm công bằng trong giáo dục; xây dựng và giáo dục con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của công dân toàn cầu; việc học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập…