Huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực con người

10:44, 10/11/2020

Trong dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tôi đặc biệt quan tâm đến dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển KT-XH 5 năm 2021-2025. Trong các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển KT-XH, tôi quan tâm đến việc thực hiện nhiệm vụ, giải pháp huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế, nhất là nguồn lực con người gắn với đổi mới, sáng tạo, ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ.

Từ thực tế cho thấy, trong những năm qua, nguồn nhân lực của nước ta tăng cả về số lượng và chất lượng, trong đó nhân lực chất lượng cao tăng đáng kể ở nhiều lĩnh vực như: Công nghệ thông tin, y tế, cơ khí, công nghiệp xây dựng… Tuy nhiên, dù số lượng đội ngũ cán bộ làm trong lĩnh vực nghiên cứu không thua kém so với các nước trong khu vực, nhưng trình độ khoa học công nghệ nước ta nhìn chung còn thấp. Những công trình nghiên cứu khoa học có giá trị ứng dụng trong đời sống  còn rất khiêm tốn. Bởi vậy, theo tôi cần đánh giá một cách cụ thể nguồn nhân lực đào tạo ở nước ngoài sau khi tốt nghiệp trở về Việt Nam làm việc đạt tỷ lệ là bao nhiêu, bao nhiêu người ở lại nước ngoài làm việc để có cái nhìn tổng quan. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết, nhiều trí thức giỏi sau khi đi đào tạo ở nước ngoài thường không quay trở về Việt Nam làm việc. Điều này đồng nghĩa với việc nước ta đang bị “chảy máu” chất xám. Vì vậy, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội tương xứng với sự đóng góp của các nhà khoa học để thu hút họ trở về phục vụ tốt cho đất nước. Cùng với đó, trong những năm tới Nhà nước cần đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tiên tiến cho lĩnh vực nghiên cứu khoa học và hoạt động sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực KT-XH, chúng ta cương quyết không để Việt Nam trở thành nơi tiếp nhận sử dụng những thiết bị công nghệ lạc hậu, lỗi thời…
Như chúng ta đã biết, thế giới đang ở giai đoạn đầu của cuộc cánh mạng công nghiệp lần thứ 4, thường được gọi là cách mạng công nghiệp 4.0. Công nghệ 4.0 đang đóng góp và tham gia trong nhiều lĩnh vực. Vì vậy Đảng và Nhà nước trong quá trình hội nhập quốc tế cần nắm bắt nhanh hơn những thành tựu của cuộc cách mạng này, ứng dụng trực tiếp vào đời sống và sản xuất để nước ta không bị tụt hậu so với thể giới…

Trong tâm thức của mình, tôi nhận thấy Đảng ta là Đảng có tư duy chính trị sáng suốt, bản lĩnh lãnh đạo vững vàng, là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Tôi tin tưởng và kỳ vọng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sẽ đề ra những chủ trương và quyết sách đúng đắn, tiếp tục đưa Việt Nam phát triển phồn thịnh theo định hướng xã hội chủ nghĩa.