“Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước”

11:25, 10/11/2020

Theo PGS-TS Nguyễn Viết Thông, Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương thì việc “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước” nêu trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được xem là một trong những điểm mới của Đại hội lần này. Hiểu nội dung cái “mới” này như thế nào cũng là điều cần trao đổi.

Trong thực tế lịch sử, khát vọng phát triển đất nước vốn từ lâu đã là khát vọng của Đảng và dân tộc ta. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có ước mơ đưa nước ta “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang còn ở trong giai đoạn khốc liệt nhất, khát vọng “Xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” của Bác cũng tiếp tục khơi dậy và có tính cổ vũ to lớn với nhân dân ta hồi đó. Có khác chăng lúc đó khát vọng này mới chỉ ở dạng phôi thai.

Từ khi công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, khát vọng phát triển đất nước mới được hiện thực hóa từ sáng tạo xuất phát từ nhu cầu của sản xuất và đời sống. Những “anh hai lúa” tuy chẳng có chút bằng cấp nào cũng có thể làm ra tầu ngầm, máy bay, các loại công cụ phục vụ cho sản xuất, đến những thanh thiếu niên dẫu chưa  học xong phổ thông, hoặc mới chỉ là sinh viên, cũng có thể sáng chế ra những công cụ tiện ích cho đời sống cộng đồng. Và có thể kể ra đây rất nhiều những tập đoàn công - nông nghiệp và dịch vụ, trên khắp mọi miền đất nước, đã và đang trở thành những tỷ phú đô la. Ngoài việc góp phần to lớn làm giàu cho đất nước, các tập đoàn đó đã cho chúng ta có thêm những cơ sở vững chắc để khẳng định trí tuệ Việt Nam, trong thời kỳ hội nhập.

Cái “mới” của việc “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước” trước hết phải chăng là ở chỗ, ngoài nội dung tự lực tự cường, nội hàm của nó còn có thêm lòng tự tôn dân tộc, khi vị thế đất nước đã ở tầm cao mới, là sự cổ vũ cho trí tuệ Việt Nam trong quá trình tiếp cận với những tiến bộ mới của khoa học và công nghệ, nhất là cuộc cách mạng 4.0, “mới” ở chỗ nó được đặt ra như là một trách nhiệm với những người đứng đầu mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi lĩnh vực phải vực dậy khát vọng đó nơi mình phụ trách;  khi mà thực tế phát triển đất nước đã cho ta nhận thức rõ hơn, những điều kiện bắt buộc phải có, để tiếp tục đẩy nhanh hơn công cuộc phát triển đất nước… Tuy nhiên, cái “mới” ở đây không phải là sự bắt đầu mà là sự nối tiếp, nâng cao. Vì thế nên chăng thay cụm từ “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước” bằng cụm từ “Tiếp tục khơi dậy khát vọng phát triển đất nước trong tình hình mới”.

Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển đất nước còn cho ta thấy những hệ lụy đã và đang phát sinh, trở thành rào cản cho chính khát vọng cháy bỏng này. Ví dụ như: Một doanh nghiệp muốn làm giàu thì trước hết người khởi xướng phải có ước mơ, tri thức và hoài bão; nhưng đó mới chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Điều kiện đủ kèm theo là chính sách, địa điểm, đất đai, tài chính… Trong đó muốn có địa điểm, đất đai phải có chính quyền. Muốn có tài chính phải có ngân hàng. Để có được những điều kiện đủ ấy, các doanh nghiệp luôn phải tìm cách để giải một bài toán không mấy dễ dàng… Từ đó có thể tạo ra chỗ hở để phát sinh tình trạng tham ô, thất thoát và “lợi ích nhóm”, những hệ lụy này sẽ có ảnh hưởng lớn đến khát vọng phát triển đất nước. Đó cũng chính là cái vòng luẩn quẩn mà chúng ta chưa tìm ra lối thoát hiệu quả.

Liên quan đến công tác xây dựng Đảng, trong nội dung “Tăng cường công tác xây dựng Đảng về cán bộ”, dự thảo Báo cáo chính trị có nói tới “thực hiện tốt quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền” và “kiên quyết phòng chống các biểu hiện bè phái, lợi ích nhóm”. Đây là những nội dung rất hợp lòng dân. Nếu Đảng có những biện pháp cụ thể, quyết liệt, kèm theo các chế tài nghiêm minh để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chắc chắn sẽ tạo ra cơ hội để khát vọng phát triển đất nước thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn nói trên.