Phó Thủ tướng: Phải chuyên nghiệp hóa lực lượng ứng phó thiên tai, tìm kiếm cứu nạn

19:19, 09/11/2020

Chiều 9/11, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về tổ chức lực lượng phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, quy hoạch treo, bảo đảm an ninh nguồn nước vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Với câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Chiến (T.P Hà Nội) và Hà Sỹ Đồng (tỉnh Quảng Trị) và một số đại biểu khác trong phiên chất vấn hôm nay, Phó Thủ tướng cho biết, về cơ quan phòng, chống thiên tai chuyên trách: Trước tình hình thiên tai diễn biến ngày càng nghiêm trọng, thực hiện quy định của Luật Phòng, chống thiên tai, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, trước đây do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp làm Trưởng ban, nay Thủ tướng giao cho một Phó Thủ tướng làm Trưởng ban,  cơ quan thường trực là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồng thời, Thủ tướng cũng thành lập Ủy ban Quốc gia về ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn do Phó Phủ tướng làm trưởng ban và Bộ Quốc phòng là cơ quan thường trực.

Đây là hai cơ quan rất quan trọng phối hợp liên ngành vừa có trách nhiệm chỉ đạo trực tiếp nhưng đồng thời thực hiện chức năng tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các ngành, các địa phương trong công tác phòng, chống thiên tai.

Ở các địa phương có Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp do Chủ tịch Ủy ban nhân dân  trực tiếp làm Trưởng ban.

Về việc có cần một đạo luật giao cho một Bộ chuyên trách về tình trạng khẩn cấp để chịu trách nhiệm phòng, chống thiên tai, dịch bệnh như chất vấn của Đại biểu Nguyễn Văn Chiến, Phó Thủ tướng cho biết theo thống kê của Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo Liên Hợp Quốc (OCHA), hiện nay trên thế giới đang có một số mô hình tổ chức lực lượng phòng chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn.

Trong đó, có khoảng 10 nước thành lập Bộ tình trạng khẩn cấp: như Nga, Trung Quốc, Ucraina, Belarus, Azerbijan, Kazakhstan, Uzbekistan … Bộ này ngoài việc ứng phó với thiên tai, thảm hoạ, còn có nhiệm vụ xử lý khủng hoảng, đảm bảo an ninh, phòng chống dịch bệnh trên quy mô lớn.

Một số quốc gia, vùng lãnh thổ như (Mỹ, Nhật Bản, Israel, Ấn Độ, Hà Lan, Phillipines, Malaysia, Srilanka, Đài Loan (Trung Quốc)… thành lập cơ quan Phòng chống thiên tai quốc gia. (trong đó một số nước có mô hình tương tự như Việt Nam).

Như vậy, Chính phủ sẽ tiếp tục tổng kết thực tiễn trong quá trình chỉ đạo phòng chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ - cứu nạn và các kinh nghiệm quốc tế để đề xuất mô hình phù hợp, cũng như những giải pháp để huy động sức dân trong phòng chống thiên tai - dịch bệnh, cứu hộ - cứu nạn, báo cáo Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định.

Về lực lượng ứng phó sự cố, tìm kiếm cứu nạn, trả lời chất vấn của đại biểu Hà Sỹ Đồng Quảng Trị, Phó Thủ tướng cho hay tùy tình huống sự cố, thiên tai cụ thể, Ủy ban Quốc gia hoặc Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huy động các lực lượng tham gia công tác ứng phó và cứu hộ cứu nạn.

Trong đó, quân đội và công an vẫn luôn là lực lượng lòng cốt trong ứng phó sự cố, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, bên cạnh đó có sự tham gia tích cực của lực lượng của các Bộ, ngành như lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng hải, kiểm ngư và các lực lượng khác (tàu thuyền của dân).

Đặc biệt là lực lượng tại chỗ ở địa phương. Thời gian qua, các lực lượng phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn của trung ương và địa phương đã tập trung quyết liệt để ứng phó với thiên tai, bão lũ, và đã góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản cho người dân. 

Tuy nhiên, công tác cứu hộ - cứu nạn còn nhiều hạn chế, như đại biểu và cử tri đã nêu. Phó Thủ tướng nêu một số nguyên nhân: Do tính chuyên nghiệp của các lực lượng ứng phó thiên tai, cứu hộ - cứu nạn còn hạn chế.

Phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác ứng phó sự cố, thiên tai và cứu hộ cứu nạn chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt khi có tình huống phức tạp, ở vùng sâu, vùng xa.

Chúng tôi thấy rất rõ là cả phòng cháy, chữa cháy để tìm kiếm cứu nạn ngoài biển…, phương thiện, lực lượng còn rất hạn chế.

Về nhiệm vụ thời gian tới, cần tập trung nghiên cứu, kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, bổ sung những gì còn bất hợp lý, chưa phù hợp.

Yêu cầu phải có lực lượng phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố, tìm kiếm cứu nạn chuyên nghiệp và có trang thiết bị hiện đại để ứng phó có hiệu quả với mọi loại hình thiên tai, sự cố xảy ra. 

Do đó, thời gian tới cần tập trung củng cố lực lượng phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn các cấp, trong đó phải hoàn thành việc xây dựng lực lượng xung kích ở cơ sở có tính chuyên nghiệp theo Nghị quyết 76 năm 2018 của Chính phủ về công tác phòng, chống thiên tai. 

Báo cáo các vị đại biểu, đây là vấn đề rất quan trọng. Tất cả chúng ta thành công vừa rồi thì lực lượng tại chỗ là có vai trò, có nơi là quyết định. 

Đồng thời, phải đầu tư nâng cấp, hiện đại hóa phương tiện, trang thiết bị phục vụ ứng phó thiên tai, cứu hộ, cứu nạn phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới và đặc điểm thiên tai của từng vùng, từng địa phương. 

Trong đó tập trung: Bổ sung sớm các máy bay trực thăng chuyên dùng cho công tác cứu nạn (máy bay trực thăng phải bay được trong điều kiện gió lớn, địa hình phức tạp); Bổ sung các tàu cứu hộ, cứu nạn, nhất là các tàu cứu hộ cứu nạn xa bờ và các trang bị, phương tiện chuyên dùng hiện đại khác. Bổ sung trang thiết bị theo dõi, giám sát, phân tích, cảnh báo thiên tai (hệ thống cảnh báo sớm lũ quét, sạt lở đất, theo dõi vận hành hồ chứa…)

Thường xuyên tổ chức diễn tập ứng phó cho các lực lượng và người dân với các loại hình thiên tai, sự cố khác nhau.

Khẩn trương xây dựng Trung tâm Điều hành Quốc gia về phòng chống thiên tai.

Không để quy hoạch treo cản trở quá trình phát triển

Thứ hai là về chất vấn của đại biểu Đinh Duy Vượt (tỉnh Gia Lai), về các giải pháp khắc phục tình trạng quy hoạch treo, Phó Thủ tướng cho biết các quy hoạch xây dựng nói chung, trong đó quy hoạch đô thị, quy hoạch hạ tầng, các quy hoạch khu chức năng đặc thù  đều có giai đoạn quy hoạch cụ thể, tức là giai đoạn khoảng 10 năm hoặc hơn 10 năm, tầm nhìn khoảng từ 15 - 20 năm hoặc xa hơn.

Quy hoạch có vai trò đặc biệt quan trọng để định hướng phân bổ không gian phát triển và đây cũng là một công cụ để quản lý quá trình phát triển, quản trị phát triển bền vững. 

Tuy nhiên, hiện nay tình trạng quy hoạch treo, dự án treo vẫn xảy ra nhiều nơi làm ảnh hưởng đến lợi ích của người dân và của Nhà nước và gây bức xúc trong xã hội. Nhiều nơi người dân không thể đầu tư xây dựng, phát triển kinh tế do vướng quy hoạch. Muốn xây dựng lại, sửa nhà cũng không làm được.

Nhưng quy hoạch thì không được thực hiện do nhà nước không có nguồn lực để đầu tư, trong khi đó thì không huy động được các nhà đầu tư vào thực hiện  các khu vực đã có quy hoạch. Vì những khu vực này thì quy hoạch chưa hấp dẫn và dẫn đến quy hoạch treo, tức là đất không được khai thác, sử dụng có hiệu quả. 

Nguyên nhân trước hết là do chất lượng một số quy hoạch còn thấp như Bộ Xây Dựng đã nói, chưa phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng khu vực, không cân đối được nguồn lực để thực hiện. Quy hoạch theo phong trào, quy hoạch rất rộng nhưng không tính toán nguồn lực cho nên làm gì có nguồn lực để đầu tư. 

Mặt khác, công tác lập quy hoạch chưa gắn với công tác xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch nhằm xác định rõ lộ trình, nguồn lực đầu tư phù hợp trong từng giai đoạn để từ đó cho phép người dân được đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong thời gian chưa thực hiện quy hoạch.

Tức là quy hoạch 10 năm, thì 10 năm sau mới thực hiện trong 10 năm đó trở lại thì phải cho người dân thực hiện đầu tư xây dựng những công trình trong 10 năm trở lại để phát triển sản xuất nhưng thực tế là không được phép do vướng quy hoạch.

Vấn đề nữa là do Nhà nước chưa chủ động được nguồn vốn để bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch, đồng thời thực hiện tái định cư để đảm bảo ổn định cuộc sống cho người dân. Hiện nay trong pháp luật về đầu tư, xây dựng, đặc biệt là Luật Đầu tư công chưa phân định rõ những dự án giải phóng mặt bằng như một dự án độc lập. Chúng tôi đã đề nghị tách phần giải phóng mặt bằng thành một dự án độc lập để có thể tạo quỹ đất sạch để đấu giá đất và thứ hai là chúng ta chủ động để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Công đoạn này thường mất rất nhiều thời gian. Như dự án sân bay Long Thành, phần GPMB đã được Quốc hội thông qua một tiểu dự án thì làm rất tốt, nhanh, báo cáo Quốc hội như vậy.

Về giải pháp khắc phục, trước hết phải đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch gắn với nâng cao chất lượng quy hoạch. Quy hoạch phải thực sự trở thành động lực cho phát triển bền vững, phải rà soát lại các quy hoạch để điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện phát triển, cân đối được nguồn lực thực hiện theo từng giai đoạn. 

Thứ hai là sau khi có quy hoạch, các ngành, các địa phương phải xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, trong đó xác định rõ lộ trình, nguồn lực đầu tư, vốn ngân sách, vốn xã hội và các dự án ưu tiên để triển khai thực hiện. Trong này Nghị định 11 của Chính phủ quy định rất rõ. 

Vấn đề thứ ba, phải gắn việc xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch với phát triển thị trường bất động sản, thị trường nhà, thị trường bất động sản công nghiệp, thị trường bất động sản du lịch…, đặc biệt là chương trình nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân lao động, người thu nhập. 

Thứ tư, cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện quy hoạch, kịp thời phát hiện những bất cập, những vi phạm, xử lý nghiêm. 

Thứ năm là tiếp tục hoàn thiện pháp luật đầu tư xây dựng, đặc biệt là Luật Đầu tư công, trong đó cần phải coi dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư là những dự án độc lập để các ngành, các địa phương chủ động quỹ đất sạch để đấu giá đất hoặc để huy động các dự án đầu tư phát triển, từ đó sẽ có đủ điều kiện để chuyển người dân trong vùng quy hoạch sang các khu đô thị mới với cuộc sống tốt hơn. 

Bảo đảm an ninh nguồn nước là nhiệm vụ cấp bách

Phó Thủ tướng trả lời chất vấn của đại biểu Huỳnh Minh Tuấn (tỉnh Đồng Tháp): Việt Nam là một trong những nước chịu tác động rất nặng nề của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Do tác động của biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn, đồng thời có tác động của việc khai thác nước tại các khu vực thượng nguồn, các dòng sông, đặc biệt có liên quan đến các nước trong khu vực, đã làm gia tăng hạn mặn của khu vực ĐBSCL. Năm 2020 chúng ta chứng kiến đợt hạn mặn rất nặng nề của khu vực ĐBSCL. 

Do vậy, việc đảm bảo an ninh nguồn nước ngọt nói chung của đất nước và khu vực đồng bằng sông Cửu Long là một nhiệm vụ rất cấp bách. 

Về giải pháp, trước hết cần tiếp tục tái cấu trúc nền kinh tế của mỗi vùng, miền và của mỗi địa phương. Khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã tái cấu trúc nền kinh tế gắn với điều kiện hạn mặn, phù hợp với các kịch bản biến đổi khí hậu rồi. Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL cũng đã thể hiện rất rõ. Chúng ta cần tiếp tục rà soát để tiếp tục tái cấu trúc sản xuất như Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã nói. 

Thứ hai, trên cơ sở tái cấu trúc, tập trung rà soát các quy hoạch của khu vực ĐBSCL và các quy hoạch của các địa phương trong vùng, quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch đô thị, quy hoạch hạ tầng, giao thông để điều chỉnh, bổ sung, lập các quy hoạch mới, đặc biệt là quy hoạch thủy lợi. Chúng ta cập nhật các quy hoạch này vào quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch mới mà chúng ta đang làm.

Trong đó phải quy hoạch các hồ chứa nước ngọt phù hợp với toàn vùng và từng địa phương. Ở đây phải phù hợp với quy hoạch chung, tổng thể của cả vùng và từng địa phương, cung cấp nước cho sản xuất, vừa cung cấp nước cho các nhà máy cấp nước sinh hoạt để giảm khai thác nước ngầm.

Trên cơ sở quy hoạch, các địa phương trong vùng phải xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch dài hạn, 10 năm, trung hạn, 5 năm và hàng năm. Trước mắt cần lựa chọn các dự án ưu tiên, đặc biệt là các hồ chứa nước ngọt để đầu tư trong giai đoạn 5 năm 2021-2015.

Các địa phương, trong đó có Đồng Tháp cần phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để xây dựng kế hoạch vốn ngân sách của giai đoạn tới, trong đó có kế hoạch và đầu tư công trung hạn, trong đó có các công trình dự trữ nước ngọt sẽ được xây dựng vào giai đoạn 5 năm tới. 

Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ sẽ  ưu tiên để phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long, ứng phó với hạn mặn, ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng. 

Chỉ như vậy chúng ta mới có thể thực hiện được trên cơ sở khoa học chứ không phải chúng ta muốn làm gì là có thể làm ngay. Tất cả đều đúng theo quy định của pháp luật và đúng theo trình tự của quá trình đầu tư xây dựng.