Đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, một số cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh quan tâm đến lĩnh vực tài nguyên - môi trường. Thái Nguyên điện tử lược ghi một số ý kiến đó.
Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường: Có thể nói, trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ trọng tâm, đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Qua nghiên cứu, tôi nhận thấy dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được chuẩn bị công phu, khoa học, đầy đủ, toàn diện, tổng kết được những thành công cũng như hạn chế và thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân, khuyết điểm; xác định rõ các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trong nhiệm kỳ tới và các giai đoạn tiếp theo của đất nước.
Với vai trò là lãnh đạo Sở Tài nguyên - Môi trường và có nhiều năm làm công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực này, tôi thống nhất với những nội dung được nêu trong dự thảo các văn kiện về vấn đề quản lý và sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, tôi đề xuất ý kiến cần phải nhấn mạnh thêm rằng: Trong giai đoạn 2021-2030, cần tập trung hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về tài nguyên - môi trường, đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thích ứng với bối cảnh hội nhập quốc tế. Các công cụ kinh tế, cơ chế tài chính trong lĩnh vực tài nguyên - môi trường được phát triển để nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, giữ gìn và bảo vệ môi trường, đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước. Các nguồn tài nguyên, nhất là nguồn tài nguyên đất cần phải được quản lý chặt chẽ, được khai thác và sử dụng hiệu quả. Năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu được nâng cao để hạn chế đến mức thấp nhất các tác động bất lợi ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, gây thiệt hại đối với con người và hệ sinh thái, bảo đảm phát triển bền vững kinh tế...
Nhiệm vụ này lại càng trở nên quan trọng hơn từ sức ép của tình trạng gia tăng dân số, sức chịu tải của môi trường ở nhiều nơi đã tới ngưỡng giới hạn cho phép và tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, khan hiếm, do vậy, rất cần được quan tâm để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, chủ động kiểm soát các vấn đề môi trường và ứng phó hiệu quả với những tác động của biến đổi khí hậu cũng như giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường. …
* Ông Phan Thanh Lượng, Trưởng Ban Quản lý môi trường - đô thị huyện Phú Lương: Qua nghiên cứu tôi nhận thấy, đối với lĩnh vực tài nguyên - môi trường, dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã tổng kết, phản ánh đầy đủ các thực trạng, những vấn đề còn hạn chế xung quanh công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, tôi xin được đóng góp một nội dung như sau:
Trong dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, trong phần thứ 2 về “Phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025” có đưa ra một số mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu về lĩnh vực môi trường. Trong phần này, dự thảo Báo cáo đưa ra chỉ tiêu: “Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 90%”. Theo tôi, chỉ tiêu này đặt ra hơi cao, bởi hiện nay chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn về tỷ lệ thu gom chất thải rắn. Bên cạnh đó, việc thu gom và xử lý chất thải rắn theo quy chuẩn tại các đô thị vùng trung du, miền núi cũng còn nhiều khó khăn nên rất khó có thể đạt được chỉ tiêu nêu trên. Vì vậy, theo tôi chỉ tiêu này nên được giảm xuống để bảo đảm tính khả thi...