Theo thường lệ, Kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm tập trung bàn thảo, đánh giá kết quả, đưa ra những quyết sách, giải pháp quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội cùng nhiều nội dung quan trọng khác. Đây luôn là kỳ họp được đông đảo cử tri, nhân dân trong tỉnh đặc biệt quan tâm, theo dõi sát sao và đặt nhiều kỳ vọng. Báo Thái Nguyên điện tử trích lược ghi một số nội dung đề án, tờ trình quan trọng được bàn thảo trong kỳ họp này.
Giảm chỉ tiêu biên chế theo lộ trình
Theo Tờ trình số 124/TTr-UBND ngày 23/11/2020 của UBND tỉnh, dự kiến kế hoạch giao biên chế, hợp đồng năm 2021 của toàn tỉnh là 27.683 người (giảm hơn 700 so với chỉ tiêu giao năm 2020). Trong đó, biên chế khối hành chính là 1.928 (giảm 45 biên chế theo kế hoạch tinh giản và tăng 8 biên chế do tiếp nhận từ Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh); biên chế tại các đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp Nhà nước đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên giảm nhiều nhất với 706 người, còn 25.149 biên chế; hợp đồng theo Quyết định số 68/2000/NĐ-CP, Nghị định số 161/2018/NĐ-CP còn 473 người (giảm 29 trường hợp); biên chế, hợp đồng lao động tại các hội có tính chất đặc thù, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên là 133 người. Riêng với đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo, để đảm bảo duy trì tốt việc dạy và học, UBND tỉnh có tờ trình riêng đề xuất hỗ trợ kinh phí đối với các cơ quan giáo dục để thực hiện nhiệm vụ.
Tăng cường kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường
Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, trong đó có các cấp chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư. Trên cơ sở quan điểm như vậy và thực tế công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn, UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng Đề án “Tăng cường quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, giai đoạn 2021-2025” và coi đây là nhiệm vụ cấp thiết cần ưu tiên thực hiện.
Mục tiêu tổng quát của Đề án là nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường; tập trung giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách mà trọng tâm là xử lý rác thải, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật môi trường đô thị, khu cụm công nghiệp; tăng cường biện pháp phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm các nguồn thải từ hoạt động sản xuất; giảm thiểu ô nhiễm không khí và nguồn nước mặt… Một số mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là: 90% rác thải sinh hoạt đô thị, 80% rác thải sinh hoạt nông thôn và 100% rác thải y tế được thu gom, xử lý; 100% khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung, lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động; từng bước di dời cơ sở gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp với quy hoạch địa phương vào các khu, cụm công nghiệp; 95% số xã đạt tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới…
Chuyển mục đích sử dụng trên 350ha rừng để thực hiện công trình, dự án
Tại Kỳ họp lần này, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét thông qua quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng trên 350ha rừng để thực hiện 25 công trình, dự án; gồm hơn 108ha rừng sản xuất để thực hiện 9 công trình, dự án đang đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư, hơn 242ha rừng sản xuất và 0,54ha rừng phòng hộ để thực hiện 16 công trình, dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng trong quyết định chưa xác định diện tích rừng được chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác. Các công trình, dự án được đề xuất thực hiện là: Thành lập Cụm công nghiệp Yên Lạc (Phú Lương); trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao kết hợp trồng cây và nuôi trồng thủy sản tại thôn Cao Phong, xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ); xây dựng công trình hồ chứa nước Đèo Phượng, xã Linh Thông (Định Hóa); đầu tư xây dựng Nhà máy TNG Võ Nhai tại Cụm công nghiệp Cây Bòng, xã La Hiên (Võ Nhai); khai thác mỏ đất san lấp Núi Đậu, xã Minh Đức (T.X Phổ Yên)... Khi triển khai thực hiện, các dự án, công trình đóng góp tích cực vào sự phát triển của tỉnh.
Hỗ trợ trên 2,5 tỷ đồng cho giáo dục mầm non tư thục liên quan đến khu công nghiệp
Trước nhu cầu bức thiết về việc phát triển các trường mầm non tư thục tại địa bàn có khu công nghiệp, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh xem xét ban hành quy định chính sách đầu tư, ưu tiên phát triển giáo dục mầm non, chính sách đối với trẻ em mầm non, giáo viên mầm non thuộc loại hình dân lập, tư thục liên quan đến khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Dự kiến tổng kinh phí hỗ trợ trên 2,5 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất 1 lần và sửa chữa cơ sở vật chất là 180 triệu đồng (9 cơ sở giáo dục, mỗi cơ sở được hỗ trợ 20 triệu đồng); hỗ trợ cho trẻ đang học là gần 1,5 tỷ đồng (1.025 trẻ x 160.000 đồng x 9 tháng); hỗ trợ giáo viên gần 850 triệu đồng (106 giáo viên x 800.000 đồng x 10 tháng). Mặc dù nguồn kinh phí hỗ trợ chưa lớn, nhưng sẽ góp phần giúp các cơ sở giáo dục mầm non, giáo viên mầm non bớt khó khăn, đồng thời bổ sung nguồn lực để chăm sóc trẻ tốt hơn.
Di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép
Thực hiện Luật Chăn nuôi, Kỳ họp lần này sẽ xem xét, thông qua Tờ trình quy định khu vực nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu đông dân cư không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ khi ngừng hoạt động chăn nuôi hoặc di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi. Nếu được thông qua, UBND tỉnh sẽ căn cứ vào các tiêu chí để ban hành Quyết định danh sách các phường, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Thời gian để các cơ sở chăn nuôi ngừng hoạt động hoặc di dời đến địa điểm tối đa là 5 năm kể từ khi Quyết định có hiệu lực thi hành.
Về chính sách hỗ trợ, đối với lao động làm việc trực tiếp tại các cơ sở chăn nuôi bị mất việc làm do cơ sở chăn nuôi phải ngừng hoạt động được hưởng mức hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng (thời gian 3 tháng); được ưu tiên hỗ trợ tham gia đào tạo nghề và tuyển dụng lao động. Số lượng lao động được hỗ trợ tính theo quy mô chăn nuôi nhưng tối đa không quá 10 lao động/cơ sở chăn nuôi. Đối với cơ sở chăn nuôi thực hiện việc di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi sẽ được hỗ trợ 100.000 đồng/m2 chuồng trại. Tổng kinh phí hỗ trợ tối đa không quá 50 triệu đồng/trang trại quy mô nhỏ; 100 triệu đồng/trang trại quy mô vừa; 150 triệu đồng/trang trại quy mô lớn.
Tập trung phát triển 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực
Chè được xác định là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, từ đó tập trung nguồn lực đầu tư hỗ trợ phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nang cao giá trị. Trong ảnh: Chế biến sản phẩm chè tại Hợp tác xã Chè Hảo Đạt, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên).
Đề án “Phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” xác định có 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, gồm: chè; quả (na, nhãn, bưởi); thịt lợn; thịt, trứng gà; gỗ; sản phẩm quế. Trên cơ sở đó, Đề án đưa ra định hướng và giải pháp nhằm xác lập vùng sản xuất sản phẩm chủ lực tập trung tại các địa phương; cơ chế, chính sách về đất đai, ứng dựng khoa học - công nghệ, tổ chức sản xuất… nhằm khuyến khích phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.
Trong giai đoạn 2021-2015 và định hướng đến năm 2030, các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh sẽ được tập trung ưu tiên nguồn lực hỗ trợ để phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, sản xuất an toàn, hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng, giá trị kinh tế và sức cạnh tranh trên thị trường; xây dựng vùng nguyên liệu gắn với chế biến, bảo quản sản phẩm, phát triển công nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu, chế biến công nghệ cao, đa dạng hóa sản phẩm; phát triển sản xuất gắn với đổi mới hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả... Dự kiến tổng nguồn kinh phí thực hiện Đề án trong giai đoạn 2021-2025 là trên 2.274 tỷ đồng; giai đoạn 2026-2030 trên 4.186 tỷ đồng.