Năm 2019, tỉnh Thái Nguyên tiếp tục giành được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của cả giai đoạn 2016-2020, tạo động lực mới trong quá trình phát triển những năm tiếp theo. Đón chào năm mới 2020, đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã dành cho phóng viên Báo Thái Nguyên cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.
P.V: Trước tiên, xin đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá khái quát về những thành tựu, kết quả quan trọng tỉnh ta đạt được trong năm 2019?
Đ/c Vũ Hồng Bắc: Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, với sự quyết tâm, đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp (DN), doanh nhân và nhân dân, năm 2019, tình hình KT-XH trên địa bàn tỉnh tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực, đời sống nhân dân ổn định và phát triển, công tác quốc phòng - an ninh được củng cố, tăng cường.
Về những kết quả cụ thể: Năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) của tỉnh tăng 9% so với năm 2018, đạt kế hoạch đề ra. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân đầu người ước đạt 83,5 triệu đồng/người/năm (tương đương 3.583 USD/ người/năm), tăng gần 6 triệu đồng/người so với năm 2018, vượt kế hoạch đề ra (bình quân chung cả nước năm 2018 đạt 58,5 triệu đồng, tương đương 2.590 USD/người/năm). Giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 743.000 tỷ đồng (đạt kế hoạch đề ra, tăng 11,5% so với cùng kỳ); giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt trên 13.500 tỷ đồng (tăng 4% so với kế hoạch); tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt trên 27,6 tỷ USD (tăng 11,2%); tổng thu ngân sách Nhà nước đạt trên 15.000 tỷ đồng (vượt so với kế hoạch)... Cùng với đó, việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), phát triển đô thị, các hoạt động an sinh xã hội, công tác giải quyết việc làm cho người lao động, giảm nghèo bền vững... được tỉnh đặc biệt quan tâm, triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao.
P.V: Trong lĩnh vực thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, tỉnh ta đạt được những thành quả như thế nào, thưa đồng chí?
Đ/c Vũ Hồng Bắc: Năm 2019, tổng số DN đăng ký hoạt động trong toàn tỉnh đã tăng lên 6.838 DN, với tổng số vốn đăng ký trên 87.230 tỷ đồng. Về tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), trong 10 tháng năm 2019, trên địa bàn tỉnh có 17 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới, với tổng số vốn đăng ký là 352,8 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước, số dự án FDI cấp phép mới tăng 8 dự án, số vốn đăng ký tăng 319,7 triệu USD. Trên địa bàn tỉnh hiện có 143 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký trên 8,03 tỷ USD (tương đương khoảng 187.000 tỷ đồng), trong đó vốn giải ngân đạt trên 90%.
Từ sau Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 43 nhà đầu tư đăng ký thực hiện trên 115.540 tỷ đồng. Tỉnh đã tích cực chỉ đạo các sở, ngành tạo điều kiện giải quyết các thủ tục hành chính nhanh nhất theo quy định, đồng hành với nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án; định kỳ thường xuyên tổ chức đối thoại, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đề ra giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm đưa các dự án đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó đã có 27/57 dự án đã hoàn thành về thủ tục đầu tư; 30/57 dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện các thủ tục đầu tư, tổng vốn giải ngân đạt gần 5.000 tỷ đồng.
P.V: Thưa đồng chí, những kết quả tỉnh ta đạt được năm 2019 có tác động như thế nào đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cả giai đoạn 20162020, tạo động lực mới trong quá trình phát triển những năm tiếp theo?
Đ/c Vũ Hồng Bắc: Năm 2019 là năm tạo động lực cho tăng trưởng để hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Nghị quyết của HĐND tỉnh về thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2016-2020. Trên cơ sở kết quả thực hiện 4 năm 2016-2019 và kế hoạch năm 2020, UBND tỉnh đã đánh giá những kết quả đạt được trong giai đoạn 2016-2020. Qua đánh giá cho thấy kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao, cao hơn so với bình quân chung cả nước; hầu hết các chỉ tiêu KT-XH đều được thực hiện đạt tiến độ và vượt kế hoạch đề ra, trong đó có nhiều chỉ tiêu tăng trưởng vượt bậc, cụ thể như:
Kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao (bình quân đạt trên 11%/năm), trong đó khu vực công nghiệp - xây dựng tăng nổi trội, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - đây là điểm nhấn quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh trong nhiệm kỳ 20152020. Việc tập trung phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao đời sống nhân dân. Cùng với tốc độ tăng cao qua các năm, quy mô giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn cũng có sự tăng trưởng vượt bậc (dự ước giá trị sản xuất công nghiệp năm 2020 đạt khoảng 803.000 tỷ đồng, đứng thứ 4 cả nước).
Về kết quả thực hiện Chương trình XDNTM, đến hết năm 2019, toàn tỉnh có 101 xã đạt chuẩn NTM (đạt tỷ lệ 70,6%, về trước 1 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra); 3/9 đơn vị cấp huyện hoàn thành XDNTM. Thái Nguyên là tỉnh dẫn đầu 14 tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ trong thực hiện Chương trình quan trọng này, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất về những thành tích xuất sắc sau 10 năm XDNTM. Công tác cải cách hành chính tiếp tục được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện. Môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng thông thoáng, công khai, minh bạch, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Số lao động được giải quyết việc làm tăng thêm trong giai đoạn 2016-2020 đạt bình quân 20.872 lao động/năm (vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra là giải quyết việc làm cho 15.000 lao động/năm). Tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh năm 2019 ước còn 4,38%, giảm 2,01% so với năm 2018 và giảm 9,02% so với năm 2015...
P.V: Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2020 và cả giai đoạn 2016-2020, tỉnh sẽ triển khai những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nào, thưa đồng chí?
Đ/c Vũ Hồng Bắc: Năm 2020 là năm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX (nhiệm kỳ 2020-2025), hướng tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Tỉnh ta đề ra mục tiêu tổng quát là: Phấn đấu thực hiện hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển KT-XH 5 năm 20162020 đã đề ra, trong đó trọng tâm là thực hiện hiệu quả, thực chất hơn các đột phá chiến lược, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh; quyết liệt thực hiện các dự án, công trình trọng điểm; đổi mới đồng bộ giáo dục - đào tạo. Phát triển kinh tế đi đôi với phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; quyết liệt phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Củng cố quốc phòng - an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Tăng cường công tác thông tin truyền thông hiệu quả, tạo đồng thuận xã hội.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2020 và cả giai đoạn 2016-2020, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, hiệu quả, chuẩn bị nguồn lực tổ chức thực hiện, cụ thể như sau:
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thực hiện chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc, tập trung vào các dự án lớn, dự án công nghệ cao, quan tâm nhà đầu tư lớn, có uy tín, có năng lực và kinh nghiệm; lựa chọn các dự án có quy mô lớn về du lịch sinh thái, bảo vệ môi trường, đặc biệt là các dự án đầu tư vào vùng hồ Núi Cốc và sườn đông Tam Đảo; các dự án có tiềm lực tài chính, sản phẩm có tính cạnh tranh cao. Thu hút, phát triển các dự án phải gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững.
Cùng với đó, thực hiện đồng bộ, quyết liệt các đột phá chiến lược; tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Bám sát phương châm hành động của Chính phủ, tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo hướng làm rõ trách nhiệm, phân cấp, đi sâu sát về cơ sở; nâng cao chất lượng tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa chính quyền với nhân dân và cộng đồng DN. Thực hiện một số giải pháp đối với sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; đẩy mạnh liên kết, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất; quảng bá, xúc tiến thương mại hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm; bố trí nguồn lực để đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Phát triển văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; thực hiện các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tích cực phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh; bảo đảm trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế...
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!