Phát biểu tại Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XIII mới đây, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Hải đã yêu cầu HĐND tỉnh tăng cường hoạt động giám sát, nhất là giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Đồng chí thẳng thắn: Các đại biểu HĐND tỉnh cần khắc phục hiện tượng ngại va chạm, né tránh, chỉ mặt đặt tên những trường hợp cụ thể mà cử tri kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được giải quyết…
Kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XIII cho thấy, trong tổng số 142 kiến nghị thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh vẫn còn tới 91 kiến nghị đang trong quá trình giải quyết và mới có 14 kiến nghị giải quyết xong.
Lý do được đưa ra là: Một số sở, ngành, địa phương không đề xuất được phương án giải quyết dứt điểm các kiến nghị của cử tri, mặc dù đã kiến nghị nhiều lần qua nhiều kỳ họp. Vẫn còn tình trạng đến hạn yêu cầu báo cáo mới tham mưu giải quyết. Một số đơn vị, địa phương trả lời kiến nghị của cử tri còn chung chung, chưa đi vào trọng tâm, trọng điểm; một số nội dung trả lời không đảm bảo chất lượng về nội dung và tiến độ về thời gian, còn trùng lặp với các nội dung đã trả lời tại kỳ họp trước, không thể hiện rõ quan điểm tham mưu của ngành, địa phương. Một số đại biểu cho rằng, báo cáo giám sát và báo cáo kết quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri chưa chỉ rõ những trường hợp cụ thể mà cử tri kiến nghị nhiều lần nhưng chưa giải quyết.
Thực tế này cũng được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhắc nhở: Việc thể hiện nội dung báo cáo giám sát kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri cần thẳng thắn, có địa chỉ cụ thể những trường hợp sở A, sở B, qua 3, 4 kỳ họp HĐND tỉnh vẫn chưa giải quyết dứt điểm vấn đề cử tri nêu. Từ đó có cơ sở đánh giá năng lực, trách nhiệm người đứng đầu sở đó. Tỷ lệ trả lời các ý kiến, kiến nghị cũng như sự hài lòng của cử tri là thước đo đánh giá chất lượng cán bộ. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Cử tri đã tin tưởng trao quyền lực cho các vị đại biểu thì các vị đại biểu cũng phải thực thi quyền lực đó thật mạnh mẽ, hiệu quả trong hoạt động giám sát, cần đổi mới, khắc phục hiện tượng tránh né, ngại va chạm…
Như vậy có thể thấy, hoạt động giám sát của HĐND tỉnh là rất quan trọng, cần phải được tăng cường mạnh mẽ hơn nữa. Trong đó, chủ thể hoạt động giám sát chính là HĐND và các đại biểu HĐND, còn đối tượng giám sát là các sở, ngành, địa phương và các cơ quan đơn vị liên quan. Ở đây, trách nhiệm đại biểu dân cử và người đứng đầu cơ quan thực thi công vụ đều cùng phải được đề cao.