Nâng cao chất lượng giám sát và thẩm tra

09:27, 24/12/2020

Ngày 25-12, tại Thái Nguyên diễn ra Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh khu vực trung du và miền núi phía Bắc. Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm là công tác giám sát và thẩm tra. Đây là hai hoạt động chính của các ban HĐND tỉnh. Nếu cả hai nội dung này được thực hiện hiệu quả sẽ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh. Báo Thái Nguyên lược ghi một số kinh nghiệm và những kiến nghị về việc thực hiện hai nội dung này của một số ban HĐND các tỉnh.

Nghiêm túc thực hiện kiến nghị sau giám sát

Ban Pháp chế, HĐND tỉnh Bắc Giang: Thời gian qua, các ban HĐND tỉnh Bắc Giang đã có nhiều giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát và sau giám sát. Các cuộc giám sát của các Ban HĐND đều được chuẩn bị kỹ cả về nội dung và phương pháp thực hiện; được tiến hành theo đúng luật định. Đồng thời luôn xác định, hoạt động giám sát không chỉ kết thúc ở giai đoạn đưa ra thông báo kết luận, báo cáo kết quả giám sát, mà còn phải tiếp tục được theo dõi, đôn đốc, giám sát đến cùng việc thực hiện các kiến nghị của cơ quan, đơn vị, địa phương được giám sát. Qua đó để cơ quan, đơn vị chức năng phải nghiêm túc thực hiện kiến nghị của người dân... Thực tế hoạt động thời gian qua ở Bắc Giang cho thấy, đa số các ý kiến, kiến nghị sau giám sát của các Ban HĐND tỉnh đã được UBND, các cơ quan, địa phương nghiêm túc tiếp thu, tổ chức thực hiện có hiệu quả. Từ đó giúp hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND tỉnh ngày càng được nâng lên.

Lựa chọn nội dung và tổ chức hoạt động giám sát

Ban Dân tộc, HĐND tỉnh Cao Bằng: Muốn giám sát hiệu quả thì cần phải lựa chọn được nội dung “có vấn đề”. Nếu không thì “hậu giám sát” sẽ không biết kiến nghị, đề xuất gì. Khi đã lựa chọn nội dung giám sát rồi thì phải nghiên cứu kỹ và thường xuyên kiểm tra các văn bản, quy định của pháp luật, các chính sách của Nhà nước xem việc triển khai, thực thi ở cơ sở ra sao? Có gì vướng mắc gì không? Trong quá trình giám sát, cần tạo không khí cởi mở để đối tượng được giám sát nắm bắt và trả lời đầy đủ, thẳng thắn các vấn đề đoàn giám sát quan tâm. Sau giám sát, sẽ tổng hợp thông tin để đưa ra kết luận giám sát và kiến nghị. Kết luận giám sát phải khách quan, có căn cứ khoa học và thực tiễn, sát, đúng tình hình; chỉ ra được những hạn chế và đề xuất hướng giải quyết khả thi, kiến nghị cơ quan chức năng có những giải pháp khắc phục. Thường xuyên theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kiến nghị giám sát nếu cần thì “tái giám sát” hoặc chất vấn tại kỳ họp gần nhất của HĐND tỉnh để làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm người đứng đầu và giải pháp khắc phục.

Giải pháp nâng cao chất lượng hội nghị thẩm tra

Các Ban HĐND tỉnh Yên Bái: Để hội nghị thẩm tra đạt hiệu quả cao, các ban luôn dự thảo báo cáo thẩm tra, tổng hợp một số nội dung cần trao đổi và chuyển cho các thành viên ban nghiên cứu trước. Tại hội nghị thẩm tra, chỉ yêu cầu UBND tỉnh giải trình những vấn đề chưa rõ, chưa thống nhất và tập trung thảo luận nội dung trọng tâm của báo cáo, dự thảo nghị quyết, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, ưu, nhược điểm của các phương án đề xuất. Trong quá trình thẩm tra, có trao đổi, thảo luận, xin ý kiến những người có trình độ chuyên môn chuyên sâu, nhiều kinh nghiệm, đồng thời tham khảo nghị quyết của các tỉnh khác đã ban hành có cùng nội dung để nghiên cứu, so sánh và vận dụng phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh mình. Sau hội nghị thẩm tra, các ban tiếp tục phối hợp với các ngành để rà soát chi tiết từng nội dung dự thảo nghị quyết và hoàn thiện báo cáo thẩm tra, dự thảo nghị quyết trình kỳ họp. Trên cơ sở kết quả thẩm tra, các ban báo cáo Thường trực HĐND tỉnh những vấn đề còn ý kiến khác nhau và đề xuất nội dung thảo luận tại kỳ họp.

Để nghị quyết đi vào cuộc sống

Các ban HĐND Sơn La: Với 318 nghị quyết đã được ban hành trong nhiệm kỳ 2016-2021 của HĐND tỉnh Sơn La đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân và được triển khai thực hiện hiệu quả, góp phần ổn định chính trị, phát triển KT-XH, nâng cao đời sống nhân dân trong tỉnh. Từ thực tiễn hoạt động, một số ý kiến xin được đóng góp để phát huy tốt hơn nữa vai trò của các Ban HĐND trong việc nâng cao chất lượng ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh: Một là, tăng cường hoạt động khảo sát, giám sát để chủ động đề nghị xây dựng nghị quyết và nghiên cứu, thẩm tra các nghị quyết trình HĐND tỉnh. Hai là, chủ động tham gia từ quá trình nghiên cứu, đề xuất với Thường trực HĐND tỉnh đối với đề nghị xây dựng nghị quyết là văn bản quy phạm pháp luật và quá trình soạn thảo dự thảo nghị quyết. Ba là, đảm bảo thực hiện đúng quy trình, thủ tục xây dựng, ban hành đối với Nghị quyết là văn bản quy phạm pháp luật…

Khắc phục hạn chế trong công tác thẩm tra

Các ban HĐND tỉnh Lai Châu: Thẩm tra là nhiệm vụ khá nặng nề của các ban HĐND, vì thế, để nâng cao chất lượng công tác này, các ban HĐND tỉnh Lai Châu đã đúc rút ra một số kinh nghiệm, đó là: Lựa chọn các đại biểu có trình độ, được đào tạo, công tác và trưởng thành từ những ngành tương ứng với lĩnh vực của từng ban; tăng cường lãnh đạo ban hoạt động chuyên trách. Thành viên ban nói riêng, đại biểu HĐND nói chung phải nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Điều này sẽ bảo đảm quyền, nghĩa vụ của đại biểu HĐND trong công tác thẩm tra. Các đại biểu phải không ngừng được nâng cao năng lực và kỹ năng hoạt động đại biểu HĐND. Xây dựng quy chế phối hợp hoạt động giữa HĐND với UBND, Uỷ ban MTTQ và các ngành có liên quan để tạo thành một hệ thống thống nhất, đồng bộ trong hoạt động và phải tôn trọng thực hiện đúng quy chế phối hợp. Cùng với đó, tăng cường củng cố bộ máy giúp việc tương ứng, quan tâm trang bị cơ sở vật chất, chế độ và điều kiện làm việc cho đại biểu HĐND và đội ngũ chuyên viên, bảo đảm phục vụ hoạt động HĐND có hiệu quả.