Một trong những quan điểm hành động của Chính phủ nhiệm kỳ này là kiến tạo phát triển, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đây cũng là quan điểm xuyên suốt của Người đứng đầu Chính phủ.
Khi bắt đầu bước vào nhiệm kỳ năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ, có rất nhiều việc Chính phủ phải làm trong nhiệm kỳ mới này, nhưng việc trước hết là cải thiện cho được đời sống của nhân dân. Và sau hơn 4 năm, tại Hội nghị toàn quốc về công tác giảm nghèo diễn ra vào tuần qua, Thủ tướng một lần nữa khẳng định, trong tất cả những trách nhiệm của chúng ta đối với nhân dân, giảm nghèo là nhiệm vụ có ý nghĩa xã hội bậc nhất và mang đậm tình người nhất.
Thực vậy, đến nay, Việt Nam đã là một trong những hình mẫu trên thế giới về thành tựu xoá đói giảm nghèo, là câu chuyện thành công truyền cảm hứng cho bạn bè năm châu. Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán quan điểm phát triển kinh tế gắn với xã hội, môi trường, trong đó luôn chú trọng giảm nghèo và bảo đảm an sinh xã hội. Chính sách giảm nghèo trụ cột giai đoạn 2016-2020 phải kể đến Nghị quyết 76 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, Nghị quyết 100 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (tập trung xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững). Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1722/QĐ-TTg (ngày 2/9/2016) phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững và đã phát động Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Các Ban, Bộ, ngành, cấp ủy chính quyền địa phương đã có nhiều chương trình, kế hoạch, nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp, sáng kiến giảm nghèo.
Nhiệm kỳ này, chúng ta đạt được những thành tựu ấn tượng về giảm nghèo. Giai đoạn 2016-2020, đưa tỷ lệ nghèo từ 9,88% năm 2015 còn 3,75% vào cuối năm 2019, dự kiến chỉ còn dưới 3% năm 2020 - đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên về đích trước mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc về giảm nghèo. Thu nhập bình quân của hộ nghèo tăng 2,3 lần; hàng triệu con em hộ nghèo được miễn giảm học phí, hưởng chính sách tín dụng ưu đãi, học bổng. Trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam đã đánh giá, Việt Nam là một trong những câu chuyện thành công nhất về giảm nghèo và đóng góp nhiều bài học thành công cho thế giới.
Cũng từng có ý kiến nhận xét, Việt Nam chưa giàu ngay, giàu nhanh nhưng cảm nhận về hạnh phúc thì có thể đến ngay, đến nhanh khi người dân mỗi sáng mai thức dậy đều có thể mỉm cười vì thấy không ai bị bỏ lại phía sau. Bởi vậy, liên tục trong những năm qua, dù ngân sách còn eo hẹp, Chính phủ vẫn dành một nguồn lực đáng kể cho thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Không chạy theo tăng trưởng bằng mọi giá nhưng trong nhiệm kỳ này, Chính phủ quyết tâm đạt được mức tăng trưởng GDP ngày càng cao hơn để có thêm nhiều nguồn lực chăm lo cho người dân, đồng thời kiên trì với mục tiêu tăng trưởng kinh tế gắn với tiến bộ và công bằng xã hội, thân thiện với môi trường, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân, vì con người và cho tất cả mọi người đều được hưởng thành quả từ tăng trưởng. Vô vàn những thách thức to lớn nối đuôi nhau ngay trong bối cảnh đại dịch COVID-19 làm kinh tế toàn cầu khủng hoảng càng cho thấy con số GDP mà chúng ta đạt được luôn chứa đựng ở trong đó đầy khó nhọc, trăn trở và trách nhiệm của Chính phủ, các cấp, các ngành.
Dù ngân sách còn nhiều khó khăn, trong giai đoạn 2016-2020, Quốc hội, Chính phủ đã tăng nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo gấp 2 lần so với giai đoạn trước. 21% ngân sách Nhà nước đã dành cho phúc lợi xã hội, là mức cao nhất trong số các nước ASEAN. Trong dịch COVID-19, chúng ta có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho 13 triệu người với các góc độ khác nhau.
Năm nào cũng vậy, vào dịp cuối năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều đi thị sát các tỉnh, thành phố kiểm tra việc chuẩn bị Tết cho dân. Bởi Thủ tướng lo lắng, “dù chính sách được ban hành tỉ mỉ đến mấy nhưng nếu các cấp chính quyền địa phương không thực sự sâu sát, trách nhiệm, thì sẽ còn những hộ dân không có mùa xuân, một bộ phận người dân có thể sẽ bị “bỏ quên” vì bệnh quan liêu, xa dân của chính quyền”.
Làm việc với lãnh đạo các địa phương và đi tặng quà Tết cho người nghèo, gia đình chính sách, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành cần đặc biệt quan tâm, kiểm tra thực chất toàn diện tình hình đón Tết của người dân. Cấp ủy, chính quyền địa phương phải trực tiếp đến từng hộ dân nắm bắt tình hình để hỗ trợ kịp thời, không để hộ nào không có Tết.
Thủ tướng cũng ra Chỉ thị nêu rõ, các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước không dùng ngân sách tổ chức đi thăm, chúc Tết, tặng quà các lãnh đạo cơ quan, đơn vị các cấp mà dành nguồn lực và thời gian đi thăm hỏi các gia đình chính sách, các hộ nghèo, các gia đình bị ảnh hưởng của thiên tai, bão, lũ. Ngay trong Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 vừa ban hành, Chính phủ dành một mục riêng chỉ đạo khắc phục hậu quả bão lũ ở miền Trung, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân, nhất là sửa chữa nhà hư hỏng, dựng lại nhà bị sập, bị trôi trước Tết Nguyên đán, sớm phục hồi sản xuất để bảo đảm đời sống, sinh kế cho người dân, không để người dân thiếu đói, không có Tết.
Có ý kiến cho rằng, không phải là những điều gì quá to tát, mà chỉ là bữa cơm mỗi ngày no hơn, ngon hơn; mặc dù thiên tai, bão lũ nhưng vẫn được bình an và quan tâm nhiều hơn; ốm đau bệnh tật được chăm sóc tốt hơn, Tết đến xuân về sum vầy ấm áp…, như vậy là mang lại cho người dân cảm giác hạnh phúc.
Giảm nghèo không chỉ làm bằng trí tuệ, mà cần làm với cả trái tim, Thủ tướng đã chia sẻ với lãnh đạo 63 địa phương trên toàn quốc và các bộ, ngành tại Hội nghị trực tuyến vừa qua. Chừng nào có một người dân còn đói, còn rét, hay không có tiền chữa bệnh, đi học, thì như Bác Hồ nói, chúng ta còn có lỗi, và chúng ta còn phải cố gắng hơn nữa. Dù ở vị trí nào, lớn hay nhỏ, từng người chúng ta đều đang hết lòng đóng góp cho một mục tiêu chung “Vì một Việt Nam không có đói nghèo”. Đó cũng là trách nhiệm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tin tưởng giao cho Nhà nước, cho Chính phủ từ ngày đầu dựng nước.
Lãnh đạo một xã hội mà tầng lớp trung lưu phát triển là đáng mừng nhưng quan trọng nhất là tuyệt đại bộ phận người dân phải có thu nhập, bảo đảm cuộc sống tốt, không còn đói, nghèo mới là lãnh đạo đúng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.