Sáng 29-12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục chủ trì Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2021. Tham dự tại điểm cầu Thái Nguyên có đồng chí Trịnh Việt Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; cùng các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, các sở, ban, ngành và địa phương trong tỉnh.
Tại Hội nghị, các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đã trình bày tham luận, đóng góp ý kiến vào kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2021 và các năm tiếp theo. Theo đó, hầu hết các tham luận đều tập trung phân tích những thành quả nổi bật và những khó khăn, thách thức mà Việt Nam sẽ phải đối mặt trong thời gian tới; những vấn đề lớn có tính liên ngành, liên vùng, tăng cường phối hợp để phát huy được tiềm năng, lợi thế, nâng cao được hiệu quả trong phân bổ và sử dụng nguồn lực; tập trung bàn về cách làm, phương pháp chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhằm tạo được chuyển biến rõ nét, hiệu quả trong thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng: Phải kiên quyết thực hiện mục tiêu kép, thực hiện phương châm đã được Chính phủ đề ra. Tiếp tục 3 đột phá chiến lược trên nền tảng khát vọng phát triển. Công tác xây dựng thể chế đòi hỏi phải có đột phá mới, đẩy mạnh tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, trong đó lưu ý giải pháp một luật sửa nhiều luật, một nghị định sửa nhiều nghị định…
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng khẳng định: Việc thực hiện nhiệm vụ năm 2021 không chỉ cho năm 2021 mà còn chuẩn bị cho các năm sau, đặc biệt là vấn đề đầu tư xây dựng cơ bản. Phó Thủ tướng đề nghị, các bộ, ngành và địa phương cần tập trung làm tốt công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch; khẩn trương hoàn thành việc lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch của các Bộ quản lý chuyên ngành, các quy hoạch tỉnh phải cơ bản xong trong năm 2021...
Bàn về các định hướng lớn của Chính phủ trong năm 2021, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khuyến nghị các Bộ, ngành và địa phương thời gian tới cần chọn đột phá là công nghệ, nhất là công nghệ số, đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách của KT-XH. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Trên cơ sở đó, các Bộ, ngành và địa phương cần sớm ban hành Nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số và sau đó, cấp chính quyền ban hành chương trình về chuyển đổi số.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, năm 2021, ngành Ngân hàng sẽ tập trung vào các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, thiên tai, bão lũ, và biến đổi khí hậu, tái cấp vốn cho ngân hàng chính sách xã hội để hỗ trợ người lao động, tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm chỉ tiêu lợi nhuận để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả, thúc đẩy, nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp…
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, thời gian tới, ngành Tài chính sẽ tiến hành rà soát, báo cáo Chính phủ và các cấp có thẩm quyền các giải pháp ưu đãi, miễn giảm, giãn các khoản thuế, lệ phí nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; thu hút các nguồn dịch chuyển vốn đầu tư phù hợp với mục tiêu, yêu cầu phát triển kinh tế, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn kế hoạch...
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Nghị quyết về kế hoạch phát triển KT-XH của Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 khoảng 6%, lạm phát khoảng 4%, cùng 10 chỉ tiêu KT-XH khác. Những chỉ tiêu này được xây dựng trên cơ sở đã tính toán, cân đối các nguồn lực gắn với bối cảnh dự báo cho năm 2021, nhất là tình hình COVID-19 trong nước và thế giới. Mặc dù, để đạt được mục tiêu này là rất khó khăn, nhưng với quyết tâm chính trị cao, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP thêm ít nhất 0,5 điểm phần trăm, lên mức 6,5% và đặt quyết tâm cao hơn cho các chỉ tiêu KT-XH khác. Do đó, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp ngay từ đầu năm, với tinh thần: “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, khát vọng phát triển”.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành khẩn trương tiếp thu ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Hội nghị để hoàn chỉnh Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021 trình Thủ tướng ký ban hành và tập trung thực hiện ngay từ ngày đầu tiên của năm 2021 với quyết tâm đạt kết quả cao nhất, tạo cơ sở, nền tảng cho cả giai đoạn 5 năm tới (2021-2025).