Chiều 18-12, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Chính phủ đã họp, thảo luận về dự thảo Nghị quyết 01 của Chính phủ, văn bản thường được ban hành ngay đầu năm gồm phương châm hành động và các trọng tâm chỉ đạo, điều hành.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2020, Chính phủ cho ý kiến lần đầu đối với dự thảo Nghị quyết mang tính xương sống, kim chỉ nam cho chỉ đạo, điều hành cả năm 2021, năm khởi đầu của giai đoạn 5 năm tới.
Kế thừa nội dung đổi mới trong Nghị quyết 01 những năm qua, trên cơ sở tổng hợp báo cáo, ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự thảo Nghị quyết 01 năm 2021 theo tinh thần ngắn gọn, cô đọng, các nhiệm vụ, giải pháp đề ra có trọng tâm, trọng điểm, tạo điểm nhấn cho công tác chỉ đạo, điều hành cả năm.
Dự thảo Nghị quyết 01 cho năm 2021 gồm 11 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, được cụ thể hóa thành gần 200 nhiệm vụ giao cho các ngành, lĩnh vực.
Các ý kiến tại cuộc họp tán thành phương hướng xây dựng dự thảo cô đọng, có trọng tâm, trọng điểm, tạo điểm nhấn cho công tác chỉ đạo, điều hành cả năm 2021, năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng XIII.
Một số ý kiến nhấn mạnh, phương châm hành động thể hiện tăng cường kỷ luật, kỷ cương; tiếp nối và phát huy tinh thần đoàn kết trong thời gian qua, đặc biệt trong năm 2020, cả nước chung tay phòng chống đại địch COVID-19; khát vọng cống hiến; tích cực đổi mới, sáng tạo và tăng cường hiệu quả trong mọi hoạt động. Có ý kiến đề nghị, cần giao mục tiêu cao hơn cho từng bộ, ngành, địa phương, có cơ chế thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tiếp tục tháo gỡ chocác dự án tồn đọng, nên đưa sáng kiến trồng 5 tỷ cây xanh vào nghị quyết để triển khai ngay từ năm 2021.
Ghi nhận các ý kiến, Thủ tướng nêu rõ tinh thần Chính phủ hướng về người dân, thu hút đầu tư phát triển với môi trường đầu tư thuận lợi, lo cho người dân về “công ăn việc làm”, thu nhập, an sinh xã hội với tất cả ý chí, sáng tạo của các cấp, các ngành, quán triệt và đưa Nghị quyết Đại hội Đảng XIII vào cuộc sống từ năm đầu 2021.
Các bộ, ngành phải xác định rõ yêu cầu, mục tiêu, định hướng phát triển, nhất là thể chế, cơ chế chính sách trọng tâm, đột phá, xử lý vấn đề mới, tạo động lực phát triển từng ngành, từng lĩnh vực.
Các địa phương chủ động triển khai, đề xuất kiến nghị giải pháp, tháo gỡ vướng mắc, nhất là vấn đề mới phát sinh trên địa bàn.
Về kết cấu Nghị quyết, Thủ tướng lưu ý viết ngắn gọn, nêu rõ các kịch bản tăng trưởng, nhiệm vụ, chỉ tiêu chủ yếu, cụ thể hóa các giải pháp thúc đẩy “cỗ máy tăng trưởng” bao gồm đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng.
Về phương châm hành động, Thủ tướng gợi ý làm sao thể hiện tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển, “không đổi mới, không có khát vọng phát triển thì khó tiến bước, năm 2021 phải đặt vấn đề này mạnh mẽ hơn”.
Nội dung Nghị quyết phải nhất quán, khả thi, ấn tượng, dễ nhớ, dễ làm. Thủ tướng lưu ý vấn đề mà người dân quan tâm là an toàn, việc làm và thu nhập, do đó, các bộ, ngành cần quán triệt, xử lý, thúc đẩy. Đôn đốc, kiểm tra là khâu quan trọng để thực hiện giải pháp đề ra, nếu không đôn đốc quyết liệt thì sẽ chậm trễ. Nội hàm chính sách cần rõ ràng, khả thi, dễ thực hiện, Thủ tướng lấy ví dụ về chủ trương trồng 5 tỷ cây xanh hay an sinh bền vững… cần được cụ thể hóa bằng các biện pháp nào.
Theo Thủ tướng dự thảo Nghị quyết cần tiếp tục lấy ý kiến các bộ, ngành để tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, chỉ tiêu mà Đảng, Quốc hội giao và sẽ tiếp tục đưa dự thảo Nghị quyết ra thảo luận tại Hội nghị Chính phủ với địa phương vào cuối tháng 12/2020.
Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao đổi về thông tin Bộ Tài chính Hoa Kỳ công bố báo cáo về chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn, trong đó nêu việc có 10 nước trên thế giới trong diện theo dõi về chính sách tiền tệ, riêng Thụy Sĩ và Việt Nam là những nước thao túng tiền tệ.
Về việc này, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã kịp thời tuyên bố, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có thông tin báo chí, nêu rõ quan điểm điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam là nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm mục đích hạ giá tiền tệ để tạo lợi thế thương mại.
Trên thực tế, Thủ tướng, lãnh đạo Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo trong suốt thời gian qua. Trên cơ sở đó, các bộ, cơ quan Việt Nam đã chủ động hợp tác với các đối tác Hoa Kỳ, đạt nhiều kết quả rất tích cực, nhất là về thương mại, đầu tư… và cùng xử lý những tồn tại, vướng mắc, duy trì quan hệ thương mại ổn định, hướng tới cán cân thương mại hài hòa, bền vững, cùng có lợi.
Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất giao nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đối tác Hoa Kỳ để duy trì đà quan hệ hợp tác song phương phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp hai nước.