Mặc dù còn gần 6 tháng nữa mới kết thúc hoạt động của HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, nhưng đã có thể khẳng định đây là một nhiệm kỳ thành công của HĐND các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc, đóng góp quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của từng địa phương. Bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn không ít bất cập, hạn chế cần được tháo gỡ để HĐND các tỉnh thực sự là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân…
Chất lượng đại biểu được quan tâm
Từ thực tế cho thấy, để hoạt động của HĐND các cấp thực sự đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, vai trò của mỗi đại biểu là rất quan trọng trong việc cùng với tập thể HĐND quyết định những vấn đề quan trọng của cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất ở địa phương. Nhận thức rõ điều này, trong nhiệm kỳ 2016-2021, Thường trực HĐND các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc đều có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động cho các đại biểu: Tổ chức lớp tập huấn chuyên đề; hội nghị trao đổi, học tập kinh nghiệm giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh; thường xuyên cung cấp thông tin về, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tình hình KT-XH của địa phương để giúp đại biểu nắm bắt kịp thời…
Nhờ đó, các đại biểu đã tích cực tham gia ý kiến, thảo luận tại các kỳ họp; thẳng thắn đặt câu hỏi về những vấn đề nổi cộm, bức xúc mà đại biểu, cử tri quan tâm; đưa ra ý kiến xác đáng với cơ quan, đơn vị được giám sát nhằm làm rõ trách nhiệm và giải pháp khắc phục. Hay như trong tiếp xúc cử tri, khi đại biểu nắm bắt được tình hình địa phương nơi ứng cử sẽ trực tiếp giải thích, đối thoại với nhân dân, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cử tri để kịp thời chuyển kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Nhiều đại biểu còn kiên trì theo đuổi vấn đề đã chất vấn, kiến nghị đến khi có kết quả, đã giúp tạo thêm niềm tin tưởng đối với cử tri vào HĐND. Qua đó vai trò, vị thế của HĐND ở địa phương được khẳng định và tăng cường.
Ban hành nghị quyết bảo đảm tính khả thi
Quyết định cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy KT-XH của địa phương, hay nói cách khác là việc ban hành các nghị quyết (NQ) tại kỳ họp là hoạt động nhằm cụ thể hóa một trong hai chức năng chính của HĐND - chức năng quyết định. Theo đó, trong nhiệm kỳ 2016-2021, trung bình mỗi tỉnh đã thông qua trên dưới 300 NQ, trong đó, chiếm tỷ lệ lớn là NQ về phát triển KT-XH, còn lại là NQ về công tác cán bộ. Đã xuất hiện những cách làm hay, sáng tạo của một số tỉnh như Hà Giang, Hòa Bình trong việc tổ chức tham vấn nhân dân, tham khảo chính sách của các địa phương có sự tương đồng về điều kiện KT-XH, dân cư để bảo đảm tính hài hòa, phù hợp khi ban hành NQ.
Cử tri xóm Xuân Đào, xã Đào Xá, huyện Phú Bình phát biểu tại buổi tiếp xúc với Đoàn đại biểu HĐND tỉnh trước kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XIII.
Theo đại diện Thường trực HĐND tỉnh Hòa Bình: Với 324 NQ được ban hành trong nhiệm kỳ, HĐND tỉnh đã lựa chọn, xem xét đúng và trúng nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách, để quyết định, ban hành cơ chế, chính sách, biện pháp thiết thực, khả thi... Các NQ đều bảo đảm trình tự thủ tục quy định; đã thể chế, cụ thể hóa các chính sách của Trung ương phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh, làm cơ sở pháp lý cho việc triển khai, thực hiện các hoạt động điều hành của địa phương. Tuy nhiên, việc hoạch định, quyết định cơ chế, chính sách của HĐND tỉnh còn một số vướng mắc, đó là: Việc xác định thẩm quyền của HĐND tỉnh theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều lúng túng, do chưa có khung pháp lý rõ ràng, dễ dẫn đến lạm quyền hoặc không thực hiện hết quyền để quyết định chính sách phù hợp. Cùng với đó, việc xác định nguồn lực để thực hiện chính sách sau khi được ban hành còn gặp nhiều khó khăn, thiếu tính khả thi, do hầu hết các địa phương đều phụ thuộc vào sự điều tiết của ngân sách cấp trên. Rồi cả tình trạng dự án “treo”, chính sách “treo” vẫn còn tồn tại...
Nâng tỷ lệ giải quyết kiến nghị của cử tri
Nếu như trước đây, hoạt động chất vấn, giải trình chỉ được thực hiện tại các kỳ họp thường kỳ của HĐND thì theo Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015, hoạt động này còn được thực hiện tại phiên họp do Thường trực HĐND tỉnh tổ chức. Do đây luôn là vấn đề thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri, cũng là một hình thức giám sát trực tiếp của ĐB với cá nhân được chất vấn nên nó nhanh chóng được các địa phương quan tâm triển khai. Một số tỉnh như Cao Bằng, Thái Nguyên... còn sử dụng hình ảnh để minh họa về các chủ đề được thực hiện chất vấn, giải trình. Trong nhiệm kỳ, trung bình mỗi tỉnh đã tổ chức được từ 4-5 phiên chất vấn, giải trình, với hàng chục nội dung được xem xét, giải quyết.
Hoạt động giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri cũng được các tỉnh triển khai quyết liệt, hiệu quả. Theo báo cáo của Thường trực HĐND các tỉnh, trong nhiệm kỳ, mỗi tỉnh đều tổ chức được từ 6-9 cuộc giám sát. Nhờ đó quyền và lợi ích chính đáng của cử tri đã được bảo đảm hơn.
Tuy nhiên, trên thực tế, xung quanh việc thực hiện cả hai nội dung này vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo Thường trực HĐND tỉnh Sơn La, Bắc Giang và một số địa phương khác: Vẫn còn nhiều ý kiến chưa được quan tâm giải quyết; việc phối hợp của các cấp, ngành chưa đồng bộ, quyết liệt nên một số nội dung kéo dài nhiều năm... Trong khi đó lại chưa có văn bản hướng dẫn và chế tài xử lý đối với cơ quan, đơn vị có chức năng trong vấn đề này...
Từ thực tế có thể thấy nhiều kết quả nổi bật trong hoạt động của HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2020 đã được khẳng định, từ việc chuẩn bị, tổ chức các kỳ họp đến xem xét, ban hành các nghị quyết, tổ chức hoạt động giám sát, khảo sát, giải trình, chất vấn… Nhưng bên cạnh đó vẫn tồn tại không ít hạn chế, bất cập cần được Trung ương tiếp thu, chỉnh sửa để hoạt động của HĐND các tỉnh ngày càng được nâng cao, nhằm khẳng định hơn nữa vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương và đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân...