Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XIII, sáng 10-12, các đại biểu (ĐB) đã tiến hành thảo luận tại tổ. Với tinh thần nghiêm túc, thẳng thắn và trách nhiệm, các ĐB đã tham gia nhiều ý kiến sâu sắc, chất lượng vào các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết trình tại Kỳ họp. Phóng viên Báo Thái Nguyên lược ghi một số ý kiến.
Nội dung được các ĐB quan tâm nhiều nhất là Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2020; mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2021 của tỉnh. Cơ bản các ý kiến đều đánh giá cao sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt, điều hành linh hoạt của UBND tỉnh, sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, cùng cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân các dân tộc trong tỉnh trong thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 4,18%, cao hơn so với bình quân chung cả nước; cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực; kết thúc năm 2020, dự kiến tỉnh có 108 xã đạt chuẩn nông thôn mới, bằng 75,5% tổng số xã; dự ước tỷ lệ hộ nghèo còn 3,1%, giảm 1,25% so với năm 2019.
Bàn về chỉ tiêu và các giải pháp thực hiện trong năm tới, ĐB Phạm Văn Sỹ (Tổ Đồng Hỷ) nhấn mạnh: Việc đặt chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 7% năm 2021 là hoàn toàn có thể thực hiện được. Với điều kiện khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 hiện nay, tỉnh cần quan tâm dành nguồn lực, tập trung chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công. ĐB Trần Văn Khương (Tổ T.P Thái Nguyên) đề nghị đẩy nhanh việc thu hồi đối với các dự án chậm triển khai hoặc triển khai không đúng cam kết, từ đó gỡ nút thắt trong thu hút đầu tư. Cùng với đó nghiên cứu giải pháp để phát triển kinh tế về đêm, tạo thêm nguồn lực cho sự phát triển tại các đô thị. ĐB Lê Thị Thu An (Tổ T.P Thái Nguyên) đề nghị UBND tỉnh quan tâm đến việc nâng cao chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính của các cấp, ngành, nhất là khi Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh đã chính thức đi vào hoạt động. ĐB Vi Thị Chung (Tổ Đại Từ) phản ánh nhiều năm nay, việc hỗ trợ sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số theo Chương trình 135 thường bị chậm. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan thay đổi cách thức triển khai hỗ trợ, đảm bảo người dân các vùng khó khăn được thụ hưởng chính sách ưu đãi sớm nhất.
Về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, Kỳ họp lần này có hai nội dung được cử tri quan tâm đó là: Quy định khu vực nội thành của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ khi dừng hoạt động chăn nuôi hoặc di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi; Đề án Phát triển các sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2020-2025. ĐB Phan Thị Thu Hằng (Tổ T.P Thái Nguyên) và ĐB Kiều Thị Thao (Tổ Phú Bình) đề nghị: Ngoài 6 sản phẩm chủ lực gồm: Chè; quả (na, nhãn, bưởi); thịt lợn; thịt gà, trứng gà; gỗ; sản phẩm quế đã nêu trong Đề án, cần bổ sung một số sản phẩm khác như gạo, rau củ và thủy sản. Đồng thời, có chính sách cụ thể về công tác tuyên truyền, quy hoạch đất đai, bố trí huy động, lồng ghép nguồn lực với các chính sách khác đảm bảo đồng bộ, phù hợp, phát huy hiệu quả. ĐB Lương Văn Lành (Tổ Định Hóa) đề nghị xem xét lại việc xác định giá trị đối với sản phẩm chủ lực là cây quế. Theo mục tiêu của Đề án, tính đến năm 2025, diện tích quế đạt 6.500ha, giá trị đạt 2.762,5 tỷ đồng, giá trị sản phẩm thu được trên 1 chu kỳ sản xuất đạt 425 triệu đồng/ha/chu kỳ (10 năm), cách xác định giá trị như vậy là quá cao và chưa phù hợp quá trình sinh trưởng của cây quế.
Lĩnh vực tài nguyên - môi trường cũng “nóng” khi có nhiều ý kiến thảo luận sôi nổi. ĐB Lê Thị Thu An (Tổ T.P Thái Nguyên) cho rằng: Ở nhiều địa phương như: Đại Từ, Đồng Hỷ, T.X Phổ Yên… tình trạng doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nhiều năm vẫn chưa được giải quyết, hoặc có giải quyết nhưng không dứt điểm. Đề nghị các sở, ngành chức năng và chính quyền các địa phương quan tâm hơn nữa vấn đề này, đảm bảo hài hòa lợi ích doanh nghiệp với người dân.
ĐB Nguyễn Văn Cường (Tổ T.X Phổ Yên) phản ánh: Thời gian qua, tình trạng khai thác đất trái phép diễn ra khá phổ biến, cụ thể như hiện tượng xe tải trọng lớn chở đất từ KCN Sông Công 2 được cấp phép khai thác đất, san lấp sang nơi khác hay không? Ban Quản lý các khu công nghiệp trả lời về vấn đề này như thế nào? ĐB Đoàn Bách Thảo (Tổ Đại Từ) nhận định, với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng thì vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt tại các khu vực đô thị cần quan tâm hơn nữa. Hiện nay, việc xử lý rác thải tại các địa phương chủ yếu vẫn bằng hình thức chôn lấp, gây ô nhiễm. Đề nghị UBND tỉnh đưa ra giải pháp nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường tại các khu vực đô thị. ĐB Nguyễn Thị Quỳnh Hương (Tổ Định Hóa), đề nghị nghiên cứu xây dựng đề án riêng về việc phân loại, xử lý rác thải tại nguồn và đưa vào tiêu chí đánh giá, bình xét danh hiệu gia đình văn hóa.
Về giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri, ĐB Nguyễn Hoàng Mác (Tổ T.P Thái Nguyên) nêu thực trạng: Nhiều ý kiến đã được giám sát, chất vấn, nhưng lộ trình, thời gian giải quyết chưa rõ ràng. Có những vấn đề tồn tại nhiều năm chưa được quan tâm giải quyết dứt điểm, như: Dự án nhà 5 tầng; Dự án đường Phố Hương - Lưu Nhân Chú, phường Trung Thành (T.P Thái Nguyên). Cùng quan điểm, ĐB Vi Thị Chung (Tổ Đại Từ) và ĐB Kiều Thị Thao (Tổ Phú Bình) kiến nghị: Sớm giải quyết dứt điểm các vấn đề vướng mắc trong việc xây dựng, quản lý chợ Dốc Hanh (T.P Thái Nguyên), chợ Bắc Sơn (T.X Phổ Yên); việc tranh chấp giữa 7 hộ dân ở xã Tân Kim (Phú Bình) sống tại vùng lõi của Trại giống Tân Kim với Công ty CP Giống cây trồng Thái Nguyên… Đây đều là những nội dung cử tri đã có ý kiến, kiến nghị nhiều lần, kéo dài qua nhiều kỳ họp.
Bên cạnh những nội dung trọng tâm nêu trên, các ĐB HĐND tỉnh cũng thảo luận về nhiều vấn đề khác được cử tri và nhân dân quan tâm. ĐB Trần Thị Thanh Huệ (Tổ T.P Thái Nguyên) nêu ý kiến, cần tăng cường nắm bắt thông tin và định hướng dư luận xã hội trong nhân dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên các trường đại học, nhất là trước những sự kiện lớn của đất nước và của tỉnh, tránh tình trạng giới trẻ a dua theo những quan điểm, định hướng lệch lạc dẫn tới những hành vi thiếu chuẩn mực, vi phạm đạo đức và pháp luật. ĐB Ngô Quảng Bá (Tổ T.P Sông Công): Góp ý về Tờ trình hỗ trợ kinh phí đối với các trường mầm non, phổ thông công lập năm 2021. Theo đó, mặc dù so với 2020, thời gian hỗ trợ đã nâng từ 9 tháng lên 10 tháng và mức hỗ trợ có cao hơn nhưng so với đòi hỏi thực tế vẫn chưa đủ đáp ứng. Đề nghị hỗ trợ cả 12 tháng để các thầy cô yên tâm gắn bó, cống hiến với nghề. Ý kiến của ĐB Nguyễn Thị Mai (Tổ Phú Lương) về cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động thi đấu thể dục, thể thao của tỉnh (như nhà thi đấu, sân vận động…) chưa đáp ứng được yêu cầu, đề nghị tỉnh sớm quan tâm đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp. Liên quan tới Tờ trình, dự thảo nghị quyết thông qua quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn vốn ngân sách địa phương, giai đoạn 2021-2025, ĐB Lê Kim Phúc (Tổ Đại Từ) đề nghị cần làm rõ tiêu chí phân bổ vốn đầu tư công dành cho các công trình, dự án để T.X Phổ Yên thành lập thành phố; nguồn vốn dự kiến hỗ trợ T.X Phổ Yên liệu có vượt định mức mà thị xã được hưởng theo tiêu chí phân bổ?...