Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (Đại hội XIII) - sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng của Đảng và dân tộc - sẽ diễn ra từ ngày 25-1 đến 2-2 tại Thủ đô Hà Nội. Những ngày này, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh đang hướng về Đại hội với niềm tin, sự kỳ vọng Đại hội thành công tốt đẹp, đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới… Báo Thái Nguyên điện tử giới thiệu khái quát công tác chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng.
Thành lập các tiểu ban quan trọng
Bắt đầu từ Hội nghị Trung ương lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã quyết định thành lập 5 Tiểu ban chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng là: Tiểu ban Văn kiện và Tiểu ban Nhân sự do đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng Tiểu ban; Tiểu ban Kinh tế - Xã hội do đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng Tiểu ban; Tiểu ban Điều lệ Đảng do đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương làm Trưởng Tiểu ban; Tiểu ban Tổ chức và phục vụ Đại hội do đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư làm Trưởng Tiểu ban.
Chuẩn bị văn kiện Đại hội
Sau khi được thành lập, các tiểu ban đã tích cực chuẩn bị Đề cương trình Hội nghị Trung ương 10; dự thảo các văn kiện Đại hội trình Hội nghị Trung ương 11. Dự thảo các văn kiện đã được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương thảo luận, cho ý kiến nhiều lần trước khi gửi lấy ý kiến đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 để tiếp tục hoàn thiện trình Đại hội XIII của Đảng. Đại hội XII được tiến hành theo phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đổi mới” thì Đại hội XIII của Đảng được tiến hành theo phương châm “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”.
Chủ đề của Đại hội XIII và cũng là tên của Báo cáo chính trị được xác định là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy ý chí, khát vọng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI nước ta cơ bản trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Như vậy, Chủ đề Đại hội XIII của Đảng vừa kế thừa Chủ đề của Đại hội XII, vừa bổ sung, phát triển một số nội dung mới cho phù hợp với thực tiễn đất nước và xu thế phát triển của thời đại, với 5 thành tố. Cụ thể là: Ngoài việc chuẩn bị Báo cáo chính trị; Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 5 năm qua và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm tới; tổng kết việc thi hành Điều lệ Đảng trong nhiệm kỳ và bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Đại hội XIII còn nhìn lại 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và diện mạo đất nước qua 35 năm đổi mới; trong đó đi sâu tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung, phát triển năm 2011; tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (2011-2020) và đề ra Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030); tổng kết công tác xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XII và xác định nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XIII.
Điều đó cho thấy, Đại hội XIII của Đảng sẽ tiếp tục bổ sung, phát triển lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta và tổng kết thực tiễn công cuộc đổi mới đất nước, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội. Đại hội XIII không chỉ tổng kết thực hiện Nghị quyết Đại hội XII mà còn nhìn lại nhiều nhiệm kỳ trước đó để rút ra những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn, để nhìn về phía trước xa hơn, mang tầm chiến lược hơn, trước mắt là đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng. Đặc biệt, Đại hội XIII của Đảng còn tổng kết công tác xây dựng Đảng trong nhiệm kỳ Đại hội XII.
Công tác chuẩn bị nhân sự được thực hiện kỹ lưỡng và cẩn trọng
Trong quá trình chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết quan trọng với nhan đề "Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới" và nhiều lần nhấn mạnh đến công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII. Tại Hội nghị cán bộ toàn quốc và Hội nghị Trung ương lần thứ 12 bàn về công tác chuẩn bị nhân sự, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng về “Một số vấn đề cần đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng”.
Trong bài viết của mình, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã đề cập toàn diện và phân tích sâu sắc về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII; yêu cầu của công tác chuẩn bị nhân sự lần này; nội dung, phương pháp, quy trình, cách thức tiến hành và xác định trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, mà trước hết là của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Tiểu ban nhân sự. Tiếp đến Hội nghị Trung ương lần thứ 15, Trung ương lần nữa tập trung bàn thảo, đánh giá, xem xét cẩn trọng, kỹ lưỡng, gợi mở về công tác nhân sự cho Đại hội XIII của Đảng. Như vậy, nói đến công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng là nói đến việc chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2021- 2026. Đây là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định vận mệnh của Đảng, của chế độ xã hội chủ nghĩa và sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước những năm tới.
Một số vấn đề về đại biểu và phân bổ đại biểu
Việc phân bổ đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc căn cứ theo quy định của Điều lệ Đảng. Trung ương cũng quy định rõ tiêu chuẩn đại biểu dự Đại hội về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực, uy tín và sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ của đại biểu. Trung ương cũng định hướng cơ cấu đại biểu là cán bộ lãnh đạo, quản lý; nữ, trẻ, dân tộc. Đối với các đoàn đại biểu tỉnh, thành phố có khoảng 25% sổ đại biểu công tác ở cấp huyện và cơ sở và Trung ương giao cho Bộ Chính trị quyết định cụ thể việc phân bổ đại biểu đối với từng đảng bộ. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sẽ có tổng số 1.590 đại biểu, trong đó có 194 đại biểu đương nhiên; 1.381 đại biểu được bầu và 15 đại biểu được chỉ định.