Xác định tầm quan trọng của người đứng đầu cấp ủy, những năm vừa qua, tỉnh Thái Nguyên đã tiếp nhận và điều động, luân chuyển hàng loạt bí thư cấp ủy không phải là người địa phương. Thời gian làm bí thư cấp ủy, các đồng chí đã phát huy năng lực, tâm huyết, có dấu ấn sâu đậm, được cán bộ, đảng viên và nhân dân ghi nhận, kỳ vọng sẽ cùng với cấp ủy đưa địa phương phát triển đi lên.
Chỉ đạo giải quyết nhiều việc khó
Xác định công tác cán bộ là then chốt của then chốt, nhất là người đứng đầu cấp ủy có vai trò rất quan trọng đối với việc tổ chức thực hiện nghị quyết của cấp trên, xây dựng nghị quyết và chỉ đạo triển khai nghị quyết của cấp mình, tỉnh Thái Nguyên rất trân trọng tiếp nhận; thận trọng khi điều động, luân chuyển cán bộ, nhất là người đứng đầu cấp ủy không phải là người địa phương. Các đồng chí bí thư cấp ủy không phải là người địa phương được tỉnh tiếp nhận, điều động, luân chuyển đều là cán bộ trong diện quy hoạch cho ít nhất một nhiệm kỳ, có trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, được đánh giá cao về năng lực, phẩm chất, nhiệt huyết và khát khao cống hiến.
Tháng 5-2020, đồng chí PGS, TS Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên T.Ư Ðảng, Ủy viên Ðảng đoàn Quốc hội (QH), Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ QH được điều động, phân công, chỉ định giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên nhiệm kỳ 2015 - 2020. Ðồng chí đã cùng tập thể cấp ủy chỉ đạo tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong đó văn kiện của các đại hội có chất lượng cao, mục tiêu đề ra cụ thể, thiết thực, mang tính đột phá; đội ngũ cấp ủy viên theo dự kiến đều trúng cử với số phiếu cao; bản thân đồng chí được Ðại hội Ðảng bộ tỉnh bầu vào Ban Chấp hành, giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy khóa mới với số phiếu 100%. Ngay sau Ðại hội Ðảng bộ tỉnh, đồng chí chỉ đạo xây dựng hai nghị quyết chuyên đề về chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên và xây dựng thị xã Phổ Yên trở thành thành phố trước năm 2025 nhằm khẩn trương đưa nghị quyết Ðại hội vào cuộc sống. Hằng tháng, đồng chí dành thời gian đối thoại, tiếp công dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, chỉ đạo giải quyết nhiều vấn đề khó về đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, chế độ chính sách... với định lượng thời gian hoàn thành cụ thể mà nhiều năm qua chưa giải quyết được.
Ngay sau khi Chánh Văn phòng HÐND tỉnh Phạm Văn Thọ được điều động làm Bí thư Huyện ủy Võ Nhai, đồng chí cùng tập thể cấp ủy chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm một số sai phạm về đất đai, công tác cán bộ đã diễn ra từ nhiều năm trước. Ðồng chí tâm sự: "Tổ chức kiểm điểm sai phạm của cán bộ ngay sau khi nhận chức là điều không ai muốn, nhưng trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, tình đồng chí nên kết quả kiểm điểm đạt chất lượng, kết luận cụ thể, tạo sự đồng thuận và tăng cường đoàn kết trong cấp ủy". Rà soát công tác cán bộ, đồng chí thấy có đơn vị không có cấp ủy viên phụ trách, có đơn vị có hai cấp ủy viên, có đồng chí từng là cấp phó một ban của Huyện ủy, có năng lực, không bị kỷ luật, sau khi sắp xếp xuống làm cán bộ nên tâm tư, nảy sinh không khí thiếu lành mạnh ở địa phương. Xem xét các khía cạnh, Bí thư Huyện ủy đề xuất Ban Thường vụ phương án bố trí, bổ nhiệm nên cán bộ này phấn khởi, phát huy tốt năng lực và tạo không khí mới ở địa phương. Ðồng chí Phạm Văn Thọ chia sẻ: "Không phải là người địa phương nên không bị ràng buộc bởi họ hàng, thân quen, áp lực, thực thi công vụ thuận lợi, khách quan, nhất là trong công tác cán bộ".
Một vấn đề nữa là do địa bàn rộng, đường xa, đi lại khó khăn, một số cán bộ huyện ngại đi xã, lãnh đạo và cán bộ nhiều xã ngại lên huyện trao đổi công việc, quan điểm làm việc của đồng chí Thọ là vấn đề gì chưa rõ, vượt thẩm quyền thì điện thoại hỏi và cán bộ huyện phải có trách nhiệm trả lời rõ ràng. Từ đó, tạo không khí gần gũi, gắn kết, tinh thần làm việc lên cao, hiệu quả công việc được giải quyết tốt.
Trước đó, đồng chí Dương Văn Tiến, Bí thư Tỉnh đoàn được điều động làm Chủ tịch UBND, sau đó làm Bí thư Huyện ủy Võ Nhai, đồng chí đã chỉ đạo xóa các phòng học tạm, đưa điện về tất cả các thôn, bản; kêu gọi đầu tư nhà máy may, du lịch để giải quyết việc làm, thu hút nguồn lực đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội, triển khai quy hoạch xây dựng vùng cây ăn quả tập trung, nâng cao chất lượng nông sản... nên mỗi năm giảm từ 5 đến 8% số hộ nghèo.
Chánh Thanh tra tỉnh Ðỗ Ðức Công được giao nhiệm vụ làm Bí thư Huyện ủy Phú Bình đúng vào thời điểm có nhiều khó khăn, nhu cầu đầu tư lớn mà nguồn lực eo hẹp, dịch tả lợn châu Phi làm cho nông dân điêu đứng. Tuy nhiên, phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, đồng chí đã từng bước chỉ đạo giải quyết những khó khăn, tạo ra nguồn lực mới, đưa sáu xã cuối cùng của huyện về đích nông thôn mới; hỗ trợ kịp thời nông dân khôi phục chăn nuôi lợn; thay thế nhiều bí thư đảng ủy, chủ tịch UBND xã tín nhiệm thấp, lựa chọn đội ngũ cán bộ xã cho nhiệm kỳ mới...
Với tín nhiệm cao, có những dấu ấn ở địa bàn được điều động, luân chuyển làm Bí thư Huyện ủy, các đồng chí Phạm Văn Thọ, Dương Văn Tiến, Ðỗ Ðức Công được Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ 2020 - 2025 bầu vào Ban Thường vụ Tỉnh ủy, được phân công nhiệm vụ mới.
Thực hiện Kế hoạch số 11, ngày 20/6/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy "Về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý giai đoạn 2016 - 2020", tỉnh Thái Nguyên đã luân chuyển, điều động, bố trí tám trong tổng số chín bí thư huyện ủy, thị ủy và thành ủy, sáu chủ tịch UBND cấp huyện không phải là người địa phương. Các đồng chí được điều động, luân chuyển làm bí thư, hoặc phó bí thư cấp huyện, sau đó được bầu làm bí thư đều có tín nhiệm cao, được đảng bộ, chính quyền đánh giá cao vì có dấu ấn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Ðảng ở địa phương, kỳ vọng sẽ có những đóng góp mới, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đoàn kết trên địa bàn công tác.
Ðổi mới phương pháp làm việc
Nhiều xã trên địa bàn tỉnh, nơi chủ yếu bí thư đảng ủy là người địa phương, đã qua nhiều vị trí công tác ở xã, giàu kinh nghiệm, nhưng hạn chế là chưa được đào tạo bài bản, quan hệ thân quen, họ hàng với đội ngũ cán bộ xã, xóm, phương pháp làm việc cũ, nể nang, né tránh không ít vấn đề ở địa phương. Trước tình trạng này, tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo cấp huyện phấn đấu điều động, luân chuyển ít nhất 20% số cán bộ chủ chốt cấp xã không phải là người địa phương và đến nay đã thực hiện đối với chức vụ bí thư đảng ủy tại 25 xã, phường, thị trấn. Hầu hết các đồng chí này đều có thành tích được ghi nhận.
Trẻ tuổi, được đào tạo thạc sĩ quản lý công, cao cấp lý luận chính trị, được luân chuyển làm Bí thư Ðảng ủy Bá Xuyên, một xã vùng ven thành phố Sông Công trước thời điểm diễn ra Ðại hội Ðảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 hơn một tháng, đồng chí Ðặng Phương Thảo đã chỉ đạo xây dựng văn kiện đại hội khoa học, lô-gích, dễ hiểu, dễ nhớ, sát thực tiễn và có tinh thần vươn lên mạnh mẽ, đưa xã trở thành phường vào cuối nhiệm kỳ. Ðây là mục tiêu khó nên đồng chí yêu cầu rà soát các tiêu chí của phường, xác định lộ trình, bước đi, cách làm phù hợp; mời Ban Thường vụ Thành ủy về làm việc, đề nghị ban hành nghị quyết chuyên đề để ưu tiên nguồn lực, cùng với nội lực của địa phương thực hiện mục tiêu đề ra. Ðồng chí sớm nhìn thấy mâu thuẫn giữa phát triển với quản lý, sử dụng đất đai ở địa phương, đó là mô hình chăn nuôi gia trại, trang trại quy mô lớn trên địa bàn xã không theo quy hoạch sử dụng đất, gây ô nhiễm môi trường. Nguyên nhân là do, đăng ký kế hoạch sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất chưa theo kịp thực tế nên xảy ra tình trạng vi phạm quy định, có trang trại quy mô lớn buộc phải tháo dỡ. Ðồng chí Thảo cho biết: "Khắc phục vấn đề này, chúng tôi chỉ đạo rà soát, cập nhật quy hoạch, chủ động xây dựng kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất không chỉ cho chăn nuôi mà còn cho các lĩnh vực khác". Lập lại trật tự quản lý đất đai, khắc phục hạn chế về thủ tục hành chính đều là những việc khó, nhưng đồng chí Thảo xác định, xây dựng tập thể Ðảng ủy đoàn kết vì công việc chung, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên môn có năng lực, sâu sát thực tế, cấp trên ủng hộ, nhân dân đồng thuận và bản thân không ngại khó khăn, thách thức thì nhất định địa phương sẽ phát triển đi lên.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thái Nguyên Phạm Hoàng Sơn cho biết: Tỉnh xác định luân chuyển cán bộ, nhất là bố trí bí thư cấp ủy không phải là người địa phương nhằm tăng cường đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ trẻ, có triển vọng, giúp cán bộ trưởng thành, hoàn thiện, vững vàng trong lãnh đạo, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài. Ðồng thời, khắc phục tình trạng khép kín, cục bộ, bảo đảm giữ ổn định, đoàn kết và tạo động lực mới thúc đẩy chuyển động ở cơ sở, địa phương.
Ðể cán bộ được điều động, luân chuyển làm bí thư cấp ủy không phải là người địa phương đạt mục tiêu đề ra là gắn với bồi dưỡng, đào tạo, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài, đội ngũ này cần được trẻ hóa, sau khi luân chuyển còn thời gian công tác hai nhiệm kỳ trở lên, ít nhất cũng trọn một nhiệm kỳ. Có chính sách đối với cán bộ luân chuyển, nhất là cấp xã để họ yên tâm công tác trong điều kiện xa nhà, khó khăn. Cần có phương pháp đánh giá khách quan, bố trí vị trí phù hợp sau khi luân chuyển để cán bộ phát huy năng lực, sở trường, có điều kiện cống hiến nhiều hơn.